Liên quan đến vụ bé gái bị sàm sỡ trong thang máy, theo luật sư, do hiện nay chưa có văn bản nào quy định cụ thể khái niệm thế nào là hành vi dâm ô, quấy rối tình dục và ranh giới giữa các hành vi này rất mong manh nên việc đưa ra kết luận có phạm tội dâm ô hay không phụ thuộc rất nhiều vào kết luận của cơ quan điều tra.
Như tin tức đã đưa, chiều 2/4, trên mạng xã hội lan truyền clip ghi lại cảnh một bé gái bị gã đàn ông sàm sỡ trong thang máy ở chung cư Galaxy 9 trên đường Nguyễn Khoái, quận 4 (TP. Hồ Chí Minh).
Theo camera an ninh ghi lại, khoảng 21h ngày 1/4, bé gái bước vào thang máy, đi sau là người đàn ông cùng một bảo vệ. Người đàn ông này nói chuyện với nam bảo vệ sau đó dùng thẻ quét, bấm chọn tầng. Khi nam bảo vệ bước đi, cửa thang máy đóng thì người đàn ông bất ngờ ôm bé gái vào lòng, hôn tới tấp.
Hình ảnh người đàn ông sàm sỡ bé gái trong thang máy chung cư. |
Ngay sau khi nhận được thông tin, Công an quận 4 nhanh chóng vào cuộc điều tra. Kết quả xác định người sàm sỡ bé gái nói trên chính là ông Nguyễn Hữu Linh (SN 1958, ngụ TP Đà Nẵng), nguyên Phó Viện trưởng VKS Đà Nẵng và có con sống tại chung cư xảy ra sự việc. Người đàn ông này cũng đã nghỉ hưu từ tháng 6/2018.
Làm việc với cơ quan công an, nguyên Phó Viện trưởng VKS Đà Nẵng thừa nhận là người đàn ông trong thang máy nhưng chỉ là "cưng nựng" bé gái vì thấy dễ thương, chứ không có hành vi sàm sỡ.
Đến sáng hôm nay (17/4), trao đổi với báo chí, Công an quận 4 (TP.HCM) cho biết, vẫn đang tập trung điều tra vụ việc, lấy lời khai của người bị tình nghi, bị hại, những người có liên quan để nhanh chóng kết luận và đưa ra hướng xử lý theo quy định của pháp luật. Khi có kết quả sẽ thông báo đến báo chí. Cùng với đó, VKSND quận 4 cũng khẳng định đang tích cực điều tra làm rõ và sẽ thông tin cho báo chí khi có kết quả chính thức.
Liên quan đến vụ việc trên, trước lời giải thích "cưng nựng" bé gái mà ông Nguyễn Hữu Linh đưa ra, dư luận đã nổ ra nhiều tranh cãi. Bên cạnh đó, nhiều người tỏ ra băn khoăn về sự khác nhau giữa hành vi sàm sỡ, quấy rối và dâm ô cũng như mức phạt của từng tội danh theo quy định của pháp luật.
Trả lời PV báo Đời sống & Pháp luật về vấn đề này, luật sư Hà Huy Phong - Công ty Luật TNHH Inteco - cho biết, hiện nay, chưa có văn bản pháp luật nào quy định cụ thể khái niệm thế nào là sàm sỡ, quấy rồi và dâm ô. Tuy nhiên, “sàm sỡ, quấy rối” và “dâm ô” là hai khái niệm khác nhau và cách thể hiện hành vi, hậu quả pháp lý cũng khác nhau.
Cụ thể, dâm ô có thể được hiểu là hành vi xúc phạm nhân phẩm người khác nhằm kích thích hoặc thỏa mãn tình dục, trừ hành vi giao cấu với chính người bị xúc phạm. Hành vi dâm ô bị coi là tội phạm khi đối tượng của hành vi này là trẻ em (người dưới 16 tuổi) và chủ thể là người đã thành niên (từ đủ 18 tuổi) theo quy định tài điều 146 BLHS 2015, sửa đổi bổ sung 2017.
Trong đó, tội dâm ô với người dưới 16 tuổi theo quy định tại điều 146 BLHS 2015, sửa đổi bổ sung 2017 thì bị phạt tù từ 06 tháng đên 03 năm tù. Trường hợp phạm tội theo các điều tại khoản 2, khoản 3 điều 146 BLHS 2015, sửa đổi bổ sung 2017 thì có thể bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm tù và từ 07 năm đến 12 năm tù.
Nói về hành vi quấy rối tình dục, luật sư Vũ Quang Bá – Công ty Luật TNHH Khải Hưng, Đoàn Luật sư TP.Hà Nội, cho biết, hành vi này hiện nay được ghi nhận khái niệm tại Bộ quy tắc ứng xử về quấy rối tình dục tại nơi làm việc do Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam và Phòng Thương mại – Công nghiệp Việt Nam ban hành.
Theo đó, quấy rối tình dục được hiều là hành vi có tính chất tình dục, gây ảnh hưởng đến nhân phẩm của nữ giới và nam giới, đây là hành vi không được chấp nhận, không mong muốn và không hợp lý làm xúc phạm đối với người nhận, tạo ra môi trường làm việc bất ổn, thù địch và khó chịu. Cũng tại bộ quy tắc này, đã liệt kê các hình thức quấy rối tình dục về thể chất, quấy rối lời nói; quấy rối bằng hành vi phi lời nói. Tuy nhiên, những dẫn giải nêu trên chỉ được áp dụng trong các quan hệ pháp luật về lao động. Bộ luật lao động 2012 có quy định rõ về hành vi quấy rối tình dục là một trong những hành vi bị nghiêm cấm trong quan hệ lao động. Tuy nhiên, về mặt chế tài thì dừng lại ở việc xem đây là căn cứ để người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, các chế tài khác hiện chưa có quy định cụ thể.
Do đó, việc xử lý đối với hành vi liên quan quấy rối tình dục chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự về tội hiếp dâm, cưỡng dâm…hiện nay chỉ được thực hiện theo quy định tại điểm a khoản 1 điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP với hình phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng với người quấy rối có hành vi, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác.
Bởi vậy, trong vụ việc sàm sỡ trẻ em trong thang máy, cơ quan điều tra sẽ rất thận trọng trong quá trình điều tra để làm rõ hành vi, động cơ, mục đích để xác định đối tượng có phạm tội hay không, nếu phạm tội thì tội dâm ô với người dưới 16 tuổi hay tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi hay là hành vi quấy rối tình dục.
Luật sư Hà Huy Phong nói thêm, do hiện nay chưa có văn bản nào quy định cụ thể khái niệm thế nào là hành vi dâm ô, quấy rối tình dục và ranh giới giữa các hành vi này rất mong manh nên việc đưa ra kết luận người có hành vi có phạm tội dâm ô hay không phụ thuộc rất nhiều vào kết luận của cơ quan điều tra.
Được biết, liên quan đến sự việc này, Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP. Hồ Chí Minh đã gửi công văn tới cơ quan công an, viện kiểm sát đề nghị khởi tố vụ án để điều tra về tội "dâm ô với người dưới 16 tuổi" theo quy định tại Điều 146, Bộ luật hình sự 2015.
Nhân Văn