Theo Dân Trí, chia sẻ tại Tọa đàm "Bạo hành trẻ em: Vấn nạn "nóng" cần chung tay xóa bỏ" chiều ngày 21/1, bà Hoàng Lê Thủy - Cán bộ Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 cho biết: "2 ngày hôm nay, bản thân tôi nhận được nhiều cuộc gọi quan tâm từ khắp cả nước về việc Tổng đài 111 đã biết về vụ bé gái 3 tuổi ở Thạch Thất (Hà Nội) bị bạo hành chưa? Tổng đài đã hỗ trợ thế nào trong vụ việc này?".
Về vấn đề nói trên, bà Thủy khẳng định các cán bộ trực tổng đài đều đã giải thích cụ thể cho thính giả. Bên cạnh đó, bà cũng tiết lộ về cuộc điện thoại của ông nội kêu cứu cho cháu gái của mình.
Bà Thủy kể cuộc gọi được thực hiện trong ngày 18/1, ông nội của bé gái cho biết cháu có vật thể giống đinh ở đầu, đang cấp cứu tại Bệnh viện Xanh Pôn Hà Nội và nhờ cứu giúp.
Người ông cũng cho biết bé gái 3 tuổi có tiền sử bị các chấn thương nghiêm trọng trong thời gian liền kề trước đó. Hồi tháng 10/2021, cháu bé bị ngộ độc thuốc trừ sâu, thập tử nhất sinh. Đến tháng 11/2021, cháu có đinh ở dạ dày. Lần thứ 3 nhập viện là có dị vật trong mũi. Tới lần thứ 4, cháu bé được xác định có 9 cái đinh "lạc" trong đầu.
Ngoài ra, ông nội bé gái còn kể về hoàn cảnh gia đình, nhà nội không liên lạc được với mẹ cháu bé vì sau khi ly hôn với con trai ông này, mẹ cháu đã cắt đứt toàn bộ liên lạc với bên nội. Ông nội cháu bé mong muốn được tìm hiểu tình trạng sức khỏe hiện tại của cháu.
Ngay sau đó, cán bộ Tổng đài 111 đã đưa ra đánh giá, đây là trường hợp có dấu hiệu đặc biệt nghiêm trọng. Các dấu hiệu rất rõ ràng khi cháu bé mới chỉ 3 tuổi nhưng đã liên tục chịu tổn thương cơ thể trong một thời gian ngắn, hiện đang phải cấp cứu.
Cán bộ Tổng đài lập tức kết nối với trung tâm cung cấp dịch vụ xã hội của Hà Nội; đề nghị trung tâm xác minh thông tin và can thiệp hỗ trợ. Sự việc sau đó đã được cơ quan chức năng, báo chí vào cuộc.
Theo chia sẻ của bà Thủy, vụ việc này đau lòng, ám ảnh bà và nhiều cán bộ trực Tổng đài 111. Nhân trường hợp này, bà Thủy kêu gọi mỗi người hãy lên tiếng sớm để hỗ trợ hiệu quả với trẻ em cần giúp đỡ, ngăn chặn nguy cơ đe dọa đến sức khỏe, thân thể và tính mạng các bé.
Lao Động dẫn lời Cục trưởng Cục Trẻ em Đặng Hoa Nam cho hay: "Câu chuyện đáng buồn khác chúng tôi xin được chia sẻ là hầu hết các vụ bạo lực gây ra bởi những người có trách nhiệm pháp lý phải chăm sóc, bảo vệ trẻ. Các vụ bạo hành cũng thường diễn ra âm thầm, trong thời gian dài".
"Chúng ta vẫn quay trở lại với câu nói là giá như khi mà đứa trẻ ấy sống trong sợ hãi, chà đạp một cách vô cớ, thảm thương. Giá như đó là rất muộn, đã đến lúc chúng ta cần lên tiếng", ông Nam nói thêm.
Theo Cục trưởng Cục Trẻ em, thủ phạm xâm hại trẻ em có thể chính là người thân trong gia đình, do đó những người thân còn lại không biết để tố cáo ở đâu, có trường hợp lại e ngại, lo sợ bị trả thì nên không dám lên tiếng, tố cáo.
"Chúng tôi khẳng định, với quy định pháp lý, với dịch vụ như 111 và trách nhiệm của cơ quan công an hiện nay, hoàn toàn chúng ta cần có niềm tin, người tố cáo sẽ được bảo vệ, bảo mật thông tin", ông Nam nói.
Đồng thời, ông cũng kêu gọi mọi người lên tiếng từ những hành vi bạo lực đầu tiên, từ những tiếng kêu, tiếng khóc thấy nghi ngờ lên cơ quan chức năng và Tổng đài 111.Về chế tài xử lý, việc xử lý đã được Luật định là Luật Trẻ em, Nghị định 56 và gần đây là Nghị định 130. Hiện nay, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ trẻ em quy định người biết hành vi xâm hại mà không tố cáo, không tố giác cũng bị trách nhiệm hành chính.
Đinh Kim(T/h)