(ĐSPL) - Bị cáo Quyên khai: "Bản thân bị cáo lại rất yêu nghề này... trong khi muốn xin vào trường phải có bằng sư phạm mầm non nên bị cáo đã sử dụng bằng giả".
Theo tin tức trên báo Pháp Luật TP.HCM, ngày 21/8, Tòa án nhân dân quận Long Biên, TP Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án liên quan đến cái chết của cháu bé Trần Nhật Hương (hơn 11 tháng tuổi, xảy ra tại trường mầm non Thiên Thần Nhỏ (thuộc KĐT Việt Hưng – Long Biên).
Hai bị can vụ "cháu bé tử vong do sặc cháo" ra hầu tòa với tội danh "vô ý làm chết người do vi phạm quy chế nghề nghiệp" là Đinh Thị Hồng (SN 1977, trú tại phố Nguyễn Văn Cừ, phường Gia Thụy) và Ngô Thị Hà Quyên (SN 1985, trú ở tổ dân phố số 26, phường Thượng Thanh, đều là giáo viên trường mầm non Thiên Thần Nhỏ).
Tử vong sau hai ngày tới trường
Theo hồ sơ, vào khoảng 10h ngày 27/8/2013, mẹ cháu Hương đưa cháu đến trường.
Đến khoảng 14h cùng ngày, giáo viên của trường thông báo với gia đình là cháu đang được cấp cứu tại BV Đức Giang. Gia đình lập tức đến nơi, cháu đã tử vong. Đây mới là ngày thứ hai bé Hương được gia đình gửi tại đây.
Tiếp nhận đơn trình báo, công an quận đã trưng cầu giám định pháp y.
Lúc đầu, Viện Khoa học hình sự Bộ Công an kết luận: Cháu Hương tử vong do bệnh nhồi máu phổi do thuyên tắc huyết khối diễn biến thầm lặng. Việc sặc cháo chỉ làm tăng mức độ suy hô hấp, thúc đẩy tử vong.
Trước đó, sức khỏe cháu bé bình thường nên gia đình yêu cầu cơ quan điều tra giám định lại. Đầu tháng
11/2013, Viện Pháp y Quốc gia Bộ Y tế kết luận: Cháu bé tử vong do ngạt dị vật đường thở và cháu không có tổn thương bệnh lý về tim…
Sau đó, Hội đồng Giám định Quốc gia (cấp cao nhất theo Luật Giám định) “gút”: Kết luận của Hội đồng Giám định Viện Pháp y Quốc gia Bộ Y tế là chính xác. Từ đó công an đã khởi tố hai bị can để điều tra.
Lớp mầm non Thiên Thần Nhỏ tại thời điểm bé gái 1 tuổi bị tử vong. |
Thiếu chuyên môn
Theo báo Kiến Thức, trước tòa bị cáo Hồng cho biết, đã bế cháu Hương lên lớp, lấy cháo thịt xay cà chua do chị Nguyễn Thị Lựu (SN 1977, trú tại Phúc Đồng, Long Biên, Hà Nội) nhà bếp nấu rồi cho cháu Hương ăn. Theo bị cáo Quyên, cháu Hương ăn được khoảng 7,8 thìa cháo thì cháu không chịu ăn nữa nên bị cáo Hồng đã bế cháu đi xung quanh. Cháu không bị ho, bị sặc hay khóc.
Tuy nhiên, bị cáo Hồng khẳng định, cháu Hương ăn được khoảng 3 thìa cháo thì khóc. Hồng đã dỗ cháu nín và chỉ cho ăn thêm được 1, 2 thìa nữa vì cháu Hương có biểu hiện không muốn ăn.
Khoảng 20 phút sau, bị cáo Quyên đã đi pha sữa bột màu trắng vào bình nhựa do gia đình cháu Hương gửi đưa cho bị cáo Hồng cho cháu uống.
Bị cáo Hồng cho biết, khi cho cháu Hương uống sữa, Hồng đã đặt cháu nằm trên sàn gỗ, đầu kê một cái gối vải. Cháu uống hết 100ml sữa trong khoảng thời gian từ 15 - 20 phút. Uống xong, Hồng bế cháu ngồi dậy rồi đi rửa bình sữa. Vừa quay đi thì cháu bé bị chớ hết ra sàn nhà. Bị cáo Quyên liền lau miệng và vệ sinh cho cháu bé, còn bị cáo Hồng lau sàn và dọn sàn nhà.
Khoảng 15 phút sau, Quyên và Hồng cho các cháu ngủ. Trong đó, cháu Hương và cháu Milô (6 tháng tuổi) nằm cạnh, trên sàn gỗ, song song cùng chiều với cô Quyên, 4 cháu còn ngủ ở trên giường. Thời điểm các cháu ngủ, bị cáo Hồng đã sử dụng điện thoại di động để lên mạng. Đến 13h15 phút, thấy cháu bé “ê a”, Quyên liền vỗ vỗ cho cháu Hương ngủ tiếp.
Khoảng 13h45, bị cáo Quyên dậy đi vệ sinh ra thì phát hiện cháu Hương vẫn nằm yên trong khi các bé khác đã dậy. Quyên đã đến lay người rồi gọi cháu dậy nhưng cháu Hương không động đậy, da mặt nhợt nhạt, môi tím tái. Ngay lập tức Quyên ôm cháu hương chạy xuống tầng một rồi kêu cứu mọi người.
Đang ngồi trong phòng làm việc, nghe tiếng kêu của Quyên, Ly đã chạy ra rồi làm các động tác hà hơi thổi ngạt, sơ cứu cho cháu Hương. Thấy không ổn, Ly cùng một cô giáo khác đi xe máy đưa cháu đến Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cấp cứu. "Giữa đường, cháu Hương có chớ thêm một lần vào áo tôi" - Ly nói.
Theo chị Thủy, các bác sỹ tại bệnh này đã giải thích với gia đình, cháu Hương tử vong trước khi đến bệnh viện. "Nguyên nhân cháu tử vong do bị sặc, trong phổi có cháo" - chị Thủy khai tại tòa.
Bị cáo Quyên (áo chấm đen) và bị cáo Hồng (áo vàng) tại phiên tòa xét xử - Ảnh: Báo Pháp luật TP.HCM |
Dùng bằng giả vì rất… yêu trẻ
Cũng tại phiên tòa xét xử, bị cáo Ngô Thị Hà Quyên khai nhận, Quyên đã dùng bằng giả mua của một người đàn ông lạ, trên mạng để xin vào làm việc tại trường mầm non Thiên Thần Nhỏ từ ngày 6/7/2012 đến ngày 28/7/2013 thì xảy ra sự việc cháu Trần Nhật Hương tử vong.
Bị cáo Quyên cho hay: "Bị cáo cũng chỉ học dở dang nhưng do tự tin vào bản thân về khả năng chăm sóc trẻ nhỏ do bị cáo đã có kinh nghiệm nuôi con. Hơn nữa bản thân bị cáo lại rất yêu nghề này... trong khi muốn xin vào trường phải có bằng sư phạm mầm non nên bị cáo đã sử dụng bằng giả."
Còn bị cáo Hồng có bằng Trung học sư phạm Thái Nguyên, nhưng tốt nghiệp chuyên ngành tiểu học chứ không phải mầm non.
Nhiệm vụ của hai bị cáo Hồng và Quyên là chăm sóc từ bữa ăn đến giấc ngủ và các hoạt động vui chơi của các bé trong lớp có độ tuổi từ 24 – 36 tháng tuổi. Trong khi đó, lớp của các bị cáo có đến hai cháu là cháu Hương và cháu Milô không nằm trong độ tuổi này.
Ngoài ra, theo các bị cáo, trường không hề phân công công việc cụ thể ai là chính, ai là phụ, mọi người phải tự nhìn nhau mà làm việc. Mỗi lớp sẽ có 2 giáo viên phụ trách. Tất cả chỉ giao bằng miệng, không hề có văn bản.
Phản bác lại điều này, bà Dương Thị Trang (SN 1957, Hiệu trưởng trường mầm non Thiên Thần Nhỏ) khẳng định, trường có phân công rõ ràng, được ghi lại bằng văn bản họp nhóm do bà và thư kí tên Hằng đã ký. Biên bản này đã giao nộp cho cơ quan điều tra.
Theo báo An ninh Thủ đô, sau gần 1 ngày thẩm vấn, cuối giờ chiều nay, đại diện VKSND quận Long Biên cũng đã luận tội đối với 2 bị cáo từng là “bảo mẫu” ở Lớp mầm non Thiên Thần Nhỏ. Theo đó, bị cáo Ngô Thị Hà Quyên bị đề nghị xử phạt từ 24 tháng tù đến 30 tháng tù giam. Đồng nghiệp của bị cáo này, Đinh Thị Hồng cũng bị đề nghị xử phạt từ 18 tháng tù đến 24 tháng tù, nhưng cho hưởng án treo.
Trước khi đề nghị mức án, đại diện VKS khẳng định qua thẩm vấn công khai tại phiên tòa và xem xét toàn diện chứng cứ, tài liệu trong hồ sơ vụ án có đủ cơ sở để khẳng định 2 bị cáo đã vi phạm quy tắc nghề nghiệp trong hoạt động quản lý, chăm sóc và nuôi dạy trẻ em.
Cụ thể là 2 bị cáo đã làm việc riêng (bị cáo Quyên đi vệ sinh nhưng không bàn giao các cháu cho đồng nghiệp, còn bị cáo Hồng thì nghịch điện thoại) trong thời gian trông nom, quản lý các cháu bé, khiến cháu Trần Nhật H không được cấp cứu kịp thời, sau khi bị dị vật xâm nhập vào đường thở và dẫn đến tử vong.
Nhận thấy tính chất vụ án phức tạp nên sau 1 ngày xét xử căng thẳng, vào 19h10 hôm nay, thay mặt HĐXX sơ thẩm TAND quận Long Biên, Phó chánh án, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa - Nguyễn Thị Nguyệt quyết định nghị án kéo dài và sẽ chính thức đưa ra phán quyết sáng 25/8 tới đây.
BTV(Tổng hợp)
[mecloud]FhlDkXxwhG[/mecloud]