(ĐS&PL) Mới đây, sau khi có những thông tin phản ánh về những dấu hiệu không bình thường trong việc chuyển nhượng hàng chục ha đất tọa lạc ngay trung tâm TP Thủ Dầu Một, tỉnh ủy Bình Dương đã tổ chức họp báo để cung cấp thông tin liên quan đến vụ việc.
Theo đó, từ năm 2003, khi Thủ tướng Chính phủ cho phép thành lập và phát triển Khu Liên hợp Công nghiệp - Dịch vụ - Đô thị Bình Dương. Năm 2005, UBND tỉnh Bình Dương đã chấp thuận cho Tổng Công ty Bình Dương là đơn vị trực thuộc tỉnh ủy được đầu tư dự án trên.
Lô đất 43ha tại phường Hòa Phú, TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương thuộc Khu liên hợp công nghiệp - dịch vụ - đô thị Bình Dương. Đến năm 2010, Tổng công ty Bình Dương hợp tác với Công ty cổ phần Bất động sản Âu Lạc thành lập liên doanh Công ty TNHH Đầu tư xây dựng và kinh doanh Tân Phú để phát triển dự án Khu đô thị - thương mại - dịch vụ tại diện tích trên.
Trong đó Tổng công ty Bình Dương góp 30% cổ phần (tương đương 60 tỷ đồng), Công ty Âu Lạc góp 70% cổ phần (tương đương 140 tỷ đồng). Đến năm 2017, Tổng công ty Bình Dương lại xin chủ trương chuyển nhượng 30% cổ phần tại Công ty Tân Phú.
Dự án nằm trên đường Phạm Ngọc Thạch |
Đề xuất này được Tỉnh ủy Bình Dương cho phép nhưng với chủ trương là việc hợp tác liên doanh phải thực hiện bằng tiền. Tuy nhiên, trước đó Tổng công ty Bình Dương đã chuyển nhượng khu đất 43ha cho Công ty Tân Phú với giá hơn 250 tỷ đồng, tương đương với giá bán hơn 580.000 đồng/m2. Trong khi tại thời điểm đó, theo bảng giá đất ở đô thị khu vực TP Thủ Dầu Một, mức giá là hơn 24 triệu đồng/m2.
Trả lời báo chí về việc này, ông Trần Nguyên Vũ, Tổng giám đốc Tổng công ty Bình Dương cho biết việc chưa được giao chủ quyền đã đem đất đi liên doanh là do thời điểm đó tỉnh Bình Dương chủ trương mời gọi đầu tư nên cho phép các doanh nghiệp tiến hành liên doanh khi chưa có GCNQSDĐ.
Ông Vũ cho biết thêm: “Trong sự việc này chúng tôi có thiếu sót là thực hiện việc chuyển giao quá chậm. Năm 2013 Tổng công ty Bình Dương được cấp GCNQSDĐ nhưng tới năm 2016 mới làm thủ tục chuyển nhượng đất cho liên doanh như các cam kết đã ký trong thoả thuận từ năm 2010”.
Lãnh đạo Tổng công ty Bình Dương cho rằng, hiện dư luận nói Tổng công ty là doanh nghiệp Nhà nước nên việc Tổng công ty có đi vay vốn để kinh doanh hay những tài sản được hình thành qua hoạt động sản xuất kinh doanh thì tất cả đều là “tài sản công”.
Tuy nhiên, nếu chiếu quy định của Luật doanh nghiệp, điều lệ, các quy định quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp thì vẫn có những điểm cho phép Tổng công ty Bình Dương được tự chủ kinh doanh với mục tiêu bảo toàn và phát triển vốn. Trong phần vốn để thực hiện đền bù có phần vốn tự có, đó là lợi nhuận tích góp qua các năm của Tổng công ty.
Đối với việc góp vốn liên danh bằng 43ha đất, ông Bùi Minh Thạnh, Chánh Văn phòng Tỉnh uỷ Bình Dương khẳng định: “Chủ trương nhất quán xuyên suốt của Thường trực Tỉnh ủy cho Tổng công ty Bình Dương thực hiện việc góp vốn và chuyển nhượng vốn góp 30% là bằng tiền, không phải là góp vốn bằng quyền sử dụng đất. Ngày 10-10-2018, Thường trực Tỉnh ủy có Thông báo số 512 thu hồi chủ trương đã cho chuyển nhượng 30% góp vốn tại Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Tân Phú, để kiểm tra làm rõ quá trình góp vốn”.
Hiện UBND tỉnh Bình Dương đã thành lập đoàn thanh tra để làm rõ vụ việc và sẽ xử lý nghiêm nếu có hành vi sai phạm. Mong rằng sự việc sẽ sớm được kết luận và xử lý công minh để bảo đảm quyền lợi của người dân và các bên liên quan.
Theo CAND