Như đã đưa tin trước đó, ngày 5/3 tới, TAND TP.HCM sẽ xét xử bị cáo Trương Mỹ Lan (68 tuổi, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) về các tội “tham ô tài sản”, “đưa hối lộ”, “vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”.
Ngoài ra cũng có 85 bị cáo khác trong vụ án hầu tòa gồm 45 cựu lãnh đạo, cán bộ Ngân hàng SCB; 15 cựu cán bộ Ngân hàng Nhà nước; 3 cựu cán bộ Thanh tra Chính phủ; một cựu cán bộ Kiểm toán Nhà nước bị VKSND Tối cao truy tố về các tội: Tham ô tài sản, Nhận hối lộ, Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng và Vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng.
Có 5 bị cáo là cựu lãnh đạo SCB đang bỏ trốn và bị truy nã, và TAND TP.HCM đã phát thông báo kêu gọi 5 bị cáo ra đầu thú để hưởng chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước.
Nguồn tin cho biết, trong 86 bị cáo, có 13 người bị truy tố ở khung hình phạt tù 20 năm, chung thân hoặc tử hình, gồm: bà Trương Mỹ Lan và 11 đồng phạm bị truy tố về tội "tham ô tài sản", theo khoản 4 điều 353 bộ luật Hình sự năm 2015, trong đó có cháu gái bà Lan là Trương Huệ Vân; bà Đỗ Thị Nhàn, cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II (cục II) thuộc Ngân hàng Nhà nước, bị truy tố tội "nhận hối lộ" 5,2 triệu USD của SCB.
Tờ VnExpress đưa tin, phiên tòa dự kiến kéo dài hơn 1 tháng từ 5/3 đến 29/4, do thẩm phán Phạm Lương Toản - Chánh tòa Hình sự TAND TP.HCM, làm chủ tọa. VKSND Tối cao phân công 10 kiểm sát viên thuộc VKSND Tối cao và VKSND TP HCM giữ quyền công tố tại tòa và một kiểm sát viên dự khuyết.
Bị hại trong vụ án là Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) - liên quan đến hành vi sai phạm của bà Lan và đồng phạm. Còn bà Lan được xác định là bị hại trong vụ ông Nguyễn Cao Trí (Chủ tịch tập đoàn Capella) Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản là 1.000 tỷ đồng.
Phiên tòa sẽ có gần 200 luật sư bào chữa cho các bị cáo, tòa cũng triệu tập hơn 2.400 người có quyền, nghĩa vụ liên quan cho việc xét xử vụ án sai phạm tại SCB và tập đoàn Vạn Thịnh Phát được chia thành 5 nhóm gồm: nhóm các cá nhân thuộc nhóm cán bộ SCB (316 người); các cá nhân đứng tên công ty, tên vay, đứng tên các tài sản thế chấp tại SCB thực hiện việc nộp rút tiền (1.153 người); các pháp nhân thuộc nhóm đứng tên vay tiền, nhận tiền tại SCB (692 người ); các cá nhân tại Ngân hàng Nhà nước (42 người) và nhóm người liên quan khác (201 người).
Trong vụ án có bị cáo Chu Nap Kee Eric (chồng bà Lan) quốc tịch Trung Quốc, nên tòa cũng triệu tập một số người phiên dịch.
Tòa án và các cơ quan tố tụng liên ngành cũng đang hoàn tất các kế hoạch chuẩn bị cho phiên tòa sắp tới.
13 bị cáo bị truy tố ở khung hình phạt tù 20 năm, chung thân hoặc tử hình 1. Trương Mỹ Lan: tham ô hơn 304.000 tỷ đồng của SCB 2. Đinh Văn Thành (cựu Chủ tịch HĐQT SCB, đang bị truy nã): ký khống 305 khoản vay, giúp sức tích cực cho Trương Mỹ Lan chiếm đoạt hơn 189.000 tỷ đồng. 3. Võ Tấn Hoàng Văn (cựu Tổng giám đốc SCB): ký khống 348 khoản vay, giúp sức Trương Mỹ Lan chiếm đoạt hơn 192.000 tỷ đồng. 4. Tạ Chiêu Trung (cựu thành viên HĐQT SCB): ký khống 9 khoản vay, giúp sức Trương Mỹ Lan chiếm đoạt 4.400 tỷ đồng. Khắc phục 300 triệu đồng. 5. Bùi Anh Dũng (cựu Chủ tịch HĐQT SCB): ký khống 207 khoản vay, giúp sức Trương Mỹ Lan chiếm đoạt hơn 104.000 tỷ đồng. 6. Trương Khánh Hoàng (cựu Phó tổng giám đốc SCB): ký khống 386 khoản vay, để Trương Mỹ Lan chiếm đoạt gần 183.000 tỷ đồng. Khắc phục 9,85 triệu cổ phần SCB. 7. Trần Thị Mỹ Dung (cựu Phó tổng giám đốc SCB): ký khống 617 khoản vay, giúp sức Trương Mỹ Lan chiếm đoạt hơn 200.000 tỷ đồng. Khắc phục 300.000 cổ phần SCB. 8. Hồ Bửu Phương (cựu Phó tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn VTP): phối hợp với các văn phòng HĐQT Tập đoàn VTP cùng các cá nhân liên quan lên phương án "giải quỹ", giúp sức Trương Mỹ Lan chiếm đoạt hơn 163.000 tỷ đồng. 9. Nguyễn Phương Anh (cựu Phó tổng giám đốc Công ty Sài Gòn Peninsula): điều hành, tìm người đứng tên các công ty "ma", đứng tên cổ phần, vay vốn, ký chứng từ rút, nộp tiền, tạo dựng hồ sơ vay khống tại SCB, giúp sức Trương Mỹ Lan chiếm đoạt hơn 297.000 tỷ đồng. Khắc phục 300 triệu đồng. 10. Đặng Phương Hoài Tâm (cựu Trưởng văn phòng HĐQT Tập đoàn VTP): quản lý danh sách các công ty "ma" đứng tên các khoản vay khống, lên phương án "giải quỹ" khi SCB giải ngân, giúp sức Trương Mỹ Lan chiếm đoạt hơn 171.000 tỷ đồng. Khắc phục 30 triệu đồng. 11. Trương Huệ Vân (cựu Tổng giám đốc Công ty CP đầu tư Tập đoàn VTP, cháu ruột Trương Mỹ Lan): sử dụng 52 công ty "ma", 4 công ty có thật, tạo lập 152 khoản vay, giúp sức Trương Mỹ Lan chiếm đoạt hơn 1.088 tỷ đồng. Khắc phục hơn 1 tỷ đồng, và 3.000 USD. 12. Dương Tấn Trước (Tổng giám đốc Công ty TNHH TM&SX Tường Việt): sử dụng pháp nhân nhóm Công ty Tường Việt, lập khống hồ sơ vay tại SCB, giúp sức Trương Mỹ Lan chiếm đoạt hơn 4.700 tỷ đồng. Sau khi khởi tố đã trả hơn 813 tỷ đồng cho SCB, nộp khắc phục 52 tỷ đồng, xin được nộp lại hơn 2.200 tỷ đồng nhận của bị cáo Lan. 13. Đỗ Thị Nhàn nhận hối lộ 5,2 triệu USD để bao che, bưng bít sai phạm của SCB. Đã khắc phục 4,8 triệu USD và hơn 10 tỷ đồng. |
Bảo An(T/h)