Theo tin tức báo Người lao động, tại trụ sở Công an quận Gò Vấp (TP.HCM), nhiều bị hại đã đến cung cấp thông tin, ghi lời khai và giải quyết theo quy định.
Hồ sơ gồm có: Đơn tố cáo, bản tường trình, bộ hợp đồng trái phiếu (photo có ký nháy), ủy nhiệm chi (bản photo), các chứng cứ khác (nếu có, photo và ký nháy) và giấy tờ tùy thân (căn cước công dân, hộ chiếu,...).
Trong đó bản tường trình sẽ được cơ quan công an địa phương cung cấp để người bị hại thực hiện khai báo.
Còn đối với hồ sơ không nằm trong 25 gói trái phiếu đã thông báo trước đó, Công an vẫn tiếp nhận cho các bị hại. Sau khi nhận đủ hồ sơ, cơ quan công an sẽ ký biên nhận cho từng người.
Chia sẻ với PV báo Lao động, anh Ngọc Anh (ngụ quận Gò Vấp, TP.HCM) cho biết, anh vướng 1 hợp đồng trái phiếu mã An Đông với số tiền hơn 1 tỷ đồng.
"Tôi là người làm ăn, buôn bán, kiếm được đồng nào thì mang đi gửi tiết kiệm đồng ấy. Lúc mang tiền vào ngân hàng để gửi, tôi được giới thiệu về sản phẩm 'Tiết kiệm linh hoạt 31 ngày', lãi suất cao...., lại được linh hoạt rút về khi có nhu cầu mà chẳng lo mất lãi nên tôi thấy rất ưng ý. Nhân viên tư vấn cho tôi lúc đó cũng không hề nói gì đến trái phiếu của An Đông hay Quang Thuận, đến đầu tháng 10/2022, mọi chuyện vỡ lẽ, tôi mới biết 1 tỷ đồng nằm trong ngân hàng của tôi đã trở thành trái phiếu của An Đông", anh Ngọc Anh nói.
Trên địa bàn TP. Thủ Đức, các bị hại cũng đến cơ quan công an để nộp hồ sơ, phục vụ giải quyết vụ án.
Trước đó, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Bộ Công an) cho biết đơn vị đang phát thông báo tìm bị hại trong vụ án lừa đảo xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Công ty CP Tập đoàn Đầu tư An Đông và các tổ chức, đơn vị có liên quan, báo Tuổi Trẻ đưa tin.
Kết quả điều tra xác định từ năm 2018 đến 2020, các nghi phạm có liên quan tại Công ty CP Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Công ty CP Tập đoàn Đầu tư An Đông, Công ty CP Đầu tư Quang Thuận, Công ty CP Dịch vụ Thương mại TP.HCM, Công ty CP Đầu tư và Phát triển Sunny World và các tổ chức khác đã có hành vi gian dối, làm trái quy định của pháp luật.
Các công ty trên đã tạo lập 25 gói trái phiếu mã ADC-2018.09, ADC-2018.09.1, ADC-2019.01, QT-2018.12.1, SNWCH1823001 và 20 mã số hiệu từ SET.H2025.01 đến SET.H2025.20 với tổng giá trị hơn 30.000 tỉ đồng để bán cho người mua (các trái chủ), huy động tiền và chiếm đoạt.
Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định những trái chủ đang sở hữu 25 mã trái phiếu do bốn công ty phát hành nêu trên là bị hại trong vụ án. Đồng thời ủy thác điều tra đến cơ quan cảnh sát điều tra công an các tỉnh/thành phố theo địa chỉ của trái chủ trên hợp đồng mua bán/chuyển nhượng trái phiếu tiếp nhận thông tin, lấy lời khai bị hại để xem xét giải quyết theo quy định của pháp luật.
Để phục vụ yêu cầu điều tra vụ án, đảm bảo quyền lợi của bị hại theo quy định của pháp luật, Cơ quan cảnh sát điều tra đề nghị các bị hại còn dư nợ trái phiếu của 25 gói trái phiếu và 20 mã số hiệu nêu trên khẩn trương đến cơ quan cảnh sát điều tra công an các tỉnh/thành phố (nơi người bị hại cư trú hoặc nơi phát sinh hợp đồng mua bán trái phiếu) phối hợp làm việc.
Đồng thời cung cấp thông tin, tài liệu, hợp đồng liên quan đến việc mua bán trái phiếu hoặc chuyển đơn đề nghị để được xem xét giải quyết, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp.
XEM THÊM: Vụ bắt cóc bé gái 3 tuổi, đòi tiền chuộc 2 tỷ đồng: Khởi tố Nguyễn Thanh Sơn
Nếu người bị hại không đến làm việc, phối hợp cung cấp thông tin, tài liệu trước thời điểm kết thúc điều tra vụ án, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an sẽ không xem xét, giải quyết quyền và lợi ích hợp pháp trong vụ án.
Hoàng Yên(T/h)