Trước khi ông Nguyễn Đức Chung- Chủ tịch UBND TP. Hà Nội bị khởi tố, bắt tạm giam, một số cán bộ cấp dưới của ông Chung cũng bị khởi tố về hành vi chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước.
Ngày 28/8 cơ quan An ninh điều tra bộ Công an đã khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với ông Nguyễn Đức Chung (SN 1967, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội) về hành vi chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước, quy định tại Điều 337 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Trước đó, 2 cấp dưới của ông Chung và 1 người từng là cán bộ của cục Cảnh sát điều tra tội phạm về Tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03) bộ Công an cũng bị khởi tố.
Ông Nguyễn Đức Chung |
Cụ thể, trong quá trình điều tra vụ án Nhật Cường Mobile, cơ quan điều tra bộ Công an đã phát hiện một số cán bộ là cấp dưới của ông Nguyễn Đức Chung là Nguyễn Anh Ngọc (SN 1974, Phó trưởng phòng Thư ký – Biên tập, Văn phòng UBND TP.Hà Nội), Nguyễn Hoàng Trung (SN 1983, lái xe của ông Nguyễn Đức Chung) có hành vi câu kết với cán bộ thuộc C03 bộ Công an là Phạm Quang Dũng (SN 1983, cán bộ thuộc C03 bộ Công an) để chiếm đoạt tài liệu mật liên quan vụ án Nhật Cường Mobile.
Kết quả điều tra ban đầu, Phạm Quang Dũng đã lấy cắp một số thông tin liên quan đến quá trình điều tra vụ án Nhật Cường Mobile do C03 đang thụ lý điều tra để chuyển cho Ngọc và Trung.
Ngày 22/7/2020, cơ quan An ninh điều tra bộ Công an đã khởi tố bị can, ra lệnh tạm giam đối với Dũng, Ngọc và Trung cùng về hành vi chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước.
Mở rộng điều tra vụ án “Chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước” xảy ra tại Hà Nội, đến ngày 28/8/2020, cơ quan An ninh điều tra bộ Công an tiếp tục khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với ông Nguyễn Đức Chung – Chủ tịch UBND TP.Hà Nội.
Hiện nay, cơ quan An ninh điều tra bộ Công an đang khẩn trương điều tra, làm rõ hành vi sai phạm của các bị can trong vụ án.
Khám nhà ông Nguyễn Đức Chung. Ảnh: Tuổi Trẻ |
Trước đó, vào ngày 11/8/2020, Bộ Chính trị đã quyết định đình chỉ sinh hoạt Ban Chấp hành Đảng bộ, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội và đình chỉ chức vụ Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội đối với ông Nguyễn Đức Chung, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội để xác minh, điều tra làm rõ trách nhiệm có liên quan của ông Nguyễn Đức Chung trong một số vụ án theo quy định của pháp luật.
Cũng trong ngày 11/8/2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký Quyết định 1223/QĐ-TTg tạm đình chỉ công tác đối với ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội.
Chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước có thể lĩnh án 15 năm tù Trao đổi với PV, luật sư Mai Quốc Việt - Công ty Luật FDVN (Đà Nẵng) dẫn quy định Điều 337 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017 về Tội chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu hủy vật hoặc tài liệu bí mật nhà nước thì, người nào cố ý làm lộ bí mật nhà nước, chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu hủy vật hoặc tài liệu bí mật nhà nước, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 110 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm. Ngoài ra, phạm tội thuộc một trong các trường hợp như: Bí mật nhà nước thuộc độ tối mật; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn... thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm... Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm. Như vậy, theo quy định nêu trên thì người nào thực hiện hành vi chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước không thuộc quy định tại Điều 110 (Tội Gián điệp) thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm. Trong trường hợp, phạm tội có tổ chức, bí mật nhà nước thuộc độ tuyệt mật thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm. Ngoài ra, người phạm tội có thể bị phạt tiền lên đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm. |
Hoàng Yên (T/h)