+Aa-
    Zalo

    Vụ án ma túy Vũ Xuân Trường qua hồi ức của nữ thẩm phán

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Phiên tòa xét xử Vũ xuân Trường, kẻ cầm đầu đường dây ma túy nổi tiếng trong thập kỷ 90 là phiên tòa lớn nhất trong lịch sử chống ma túy.

    (ĐSPL) - Phiên tòa xét xử Vũ Xuân Trường, kẻ cầm đầu đường dây ma túy nổi tiếng trong thập kỷ 90, được dư luận lúc đó đánh giá là phiên tòa lớn nhất trong lịch sử chống ma túy.
    Với hơn 3 nghìn bút lục, 22 bị cáo, nhưng ít ai biết được người điều khiển phiên tòa lại là nữ thẩm phán bà Hoàng Tân Thanh. Trong phiên xét xử, các bị cáo ngoan cố đến lì lợm trong khai báo, tìm mọi cách chối tội, chạy tội của hầu hết các bị cáo, điều đó đã gây nhiều khó khăn cho công tác xét xử và cả nỗi ám ảnh sau này đối với nữ thẩm phán...
    Cuộc đấu trí không mệt mỏi
    Ngày 2/5/1997, TAND Hà Nội công khai xét xử vụ án mua bán, vận chuyển tàng trữ trái phép các chất ma túy kéo dài 12 ngày, với 8 án tử hình, 8 án chung thân gây chấn động dư luận xã hội, thu hút sự quan tâm của mọi tầng lớp nhân dân. 17 năm trôi qua, nhưng những ký ức về phiên tòa xét xử vụ án Vũ Xuân Trường và đồng bọn trong vụ án buôn ma túy xuyên quốc gia, luôn hiện hữu trong tâm trí nữ thẩm phán Hoàng Tân Thanh. Kể lại sự việc này với phóng viên báo Đời Sống và Pháp Luật, bà Thanh vẫn không quên sức ép mà bà đã trải qua khi ngồi ghế chủ tọa điều khiển phiên tòa.
    Xét xử đường dây buôn ma tuý lớn nhất trong lịch sử những năm 90
    Vũ Xuân Trường ngày bị bắt
    Nữ thẩm phán Hoàng Tân Thanh, người ngồi ghế “nóng” xét xử đường dây buôn bán ma tuý lớn nhất trong lịch sử những năm 90, giờ bà đã ở độ tuổi 60, nhưng nhìn bà trẻ hơn tuổi, khuôn mặt chữ điền nghiêm nghị, với giọng nói trầm, ấm và đầy sức thuyết phục. Nhớ lại giờ phút khi bà và đồng nghiệp của mình bắt đầu nhận hồ sơ vụ án Vũ Xuân Trường và đồng bọn, bà Thanh thổ lộ: “Sau khi nhận hồ sơ từ VKS Hà Nội, chúng tôi chỉ có 20 ngày nghiên cứu hồ sơ, với hơn 3 nghìn bút lục, nên tôi và đồng nghiệp đã phải đi làm cả chủ nhật, ngày lễ, đến hơn 9h tối chúng tôi mới rời nơi làm việc. Vì đêm nào cũng về muộn, tôi phải mang theo cả con đi để có cảm giác ấm áp lúc về khuya. Đầu óc ai cũng căng thẳng, khi mà thời gian thì gấp gáp, phải đọc đi đọc lại bút lục và đặt ra nhiều tình huống tại phiên tòa.
    Tôi biết vụ án là rất lớn, nhưng không nghĩ đến mức độ này, chỉ khi chúng tôi nghiên cứu hồ sơ mới thấy, thời gian rất cập rập và dự kiến có nhiều án tử hình. Vì được giao nhiệm vụ, nên anh chị em đều bảo ban nhau, đoàn kết nhất trí theo quan điểm của lãnh đạo: Dù là bất cứ ai, liên quan đến đường dây lớn này, đều phải truy tố trước pháp luật và đấu tranh đến cùng để đưa sự thật ra ánh sáng.
    Do tính chất nghiêm trọng của vụ án, gần đến ngày xét xử cấp trên cho phép chồng tôi nghỉ việc một thời gian để thay tôi chăm sóc con cái, tạo điều kiện cho tôi hoàn thành nhiệm vụ. Các lực lượng công an khu vực được phân công bảo về sự an toàn tính mạng cho tôi và những người trong HĐXX, cũng như những nhân chứng”. Bà Thanh chia sẻ.
    Xét xử đường dây buôn ma tuý lớn nhất trong lịch sử những năm 90
    Bà Hoàng Tân Thanh, nguyên chánh toà hình sự TAND TP HN.
    Có lẽ ngày khai mạc phiên tòa sẽ mãi đi vào ký ức của nữ thẩm phán, bởi bên ngoài phiên tòa dân chúng vây kín, có tới hơn 200 cảnh sát được giao nhiệm vụ để đảm bảo an ninh cho phiên tòa, gần 20 chiếc xe trở phạm nhân, gây chấn động dư luận một thời.
    Ngày 02/5/1997 bắt đầu khai mạc phiên tòa, Theo bà Thanh: “Khó khăn trong công tác xét xử không chỉ vì vụ án có tới hơn 3 nghìn bút lục, hơn 20 bị cáo mà chính là sự ngoan cố đến lì lợm, quanh co trong khai báo, tìm mọi cách chối tội, chạy tội của hầu hết các bị cáo. Điều khó khăn hơn, đó là đại đa số các bị cáo đều là những người có trình độ học vấn, am hiểu tinh thông về luật pháp. Đặc biệt kẻ cầm đầu Vũ Xuân Trường, nguyên đại úy, lực lượng cảnh sát đặc nhiệm chống ma túy Phòng 5, C14”.
    Trầm ngâm một lúc bà Thanh nhớ lại, trong phần thẩm vấn các bị cáo. Nổi trội lên là bị cáo dày dạn kinh nghiệm, nói đúng hơn là sự ngoan cố đến lì lợm, đó là Đào Xuân Xe, theo bà nhận định: “Xe là nhân vật quan trọng trong đường dây lớn, là người có nhiều bản cung nhất, có tới 111 bút lục.
    Tại cơ quan điều tra Xe đã thành khẩn khai báo tất cả, nhưng tại phiên tòa, Xe lại phủ nhận tất cả bản cung. Xe cho rằng: Những điều Xe khai tại cơ quan điều tra, kể cả những bản tự khai là do cán bộ điều tra mớn cung, đọc cho Xe viết, để phù hợp với các lời khai của các bị cáo khác. Tại công đường Xe chỉ trả lời “không biết, không có, không làm”.
    Tại phiên tòa các bị cáo khai đều không đúng với sự thật khách quan, chính vì vậy người chủ tọa phải dùng lý lẽ, những kinh nghiệm trong quá trình xét xử, có phương pháp xét hỏi. Tìm ra sự thật khách quan của vụ án, điều này do mỗi cá nhân đúc kết trong công việc và phải tự học là chính. Nghệ thuật thẩm vấn của người thẩm phán phải kết hợp với nghiên cứu kỹ hồ sơ, thuộc hồ sơ đưa ra những chứng cứ thuyết phục nhằm buộc tội bị cáo”.
    Trên công đường người thẩm phán phải có phương pháp hỏi, nghệ thuật thẩm vấn, làm thế nào để các bị cáo phải nhận tội một cách khách quan, phải tâm phục khẩu phục. Nhưng điều đó không hề dễ dàng nhất là đối với các bị cáo như Vũ Xuân Trường, Đào Xuân Xe.
    Lấy lời khai là nghệ thuật xét hỏi
    Bà Thanh nhớ lại: “Nghệ thuật” chối tội của vợ chồng Vũ Xuân Trường, cũng cực kỳ lắt léo và trơ tráo khiến những người tham dự phiên tòa cảm thấy sốc. Khi Trường lập luận về vụ bắt giữ 5.1kg heroin tại nhà của y, ở 129 đường Giải Phóng, Hà Nội. Nguồn gốc gói hàng này Trường khai là nhận của Nguyễn Trọng Thắng do Thắng gửi ở nha Trường, nhưng khi HĐXX hỏi Trường: Vì sao Thắng lại dám gửi heroin ở nhà Trường, trong khi biết Trường là một sĩ quan công an? Trường đáp: Đây là một thủ đoạn xảo quyệt của bọn buôn bán ma túy, nhờ một sĩ quan đặc nhiệm chống tội phạm chuyển hàng là an toàn nhất?! Vì bản năng của con người ai cũng biết che đậy những cái xấu của mình, đặc biệt là những bị cáo có trình độ hiểu biết thì sự che dấu càng tinh vi hơn”. Bà Thanh nhấn mạnh.
    Có lẽ phần gay cấn nhất và đỉnh điểm là sau năm ngày liền diễn ra phiên tòa, tức ngày 07/5/1997, các bị cáo vẫn luôn chối tội. Trước tình hình đó, tôi phải thay đổi trình tự, dừng thẩm vấn các bị cáo mà chỉ tập trung vào Đào Xuân Xe, nhân vật được cho là một đầu mối cực kỳ quan trọng trong đường dây và Xe là người làm ăn với Vũ Xuân Trường. Tôi gọi Xe lên không chất vấn mà chỉ nói về chuyện gia đình, gợi lại những đóng góp của gia đình y, lúc đó y mới chịu khai ra tất cả. Một chi tiết quan trọng nữa, đó là nhân vật Xiêng Phêng, Xiêng Phêng trong phiên tòa của tôi là một nhân chứng sống chứ không phải là bị cáo và cuộc đối chất tại toà giữa Xiêng Phênh và Vũ Xuân Trường có lẽ là những căn cứ “vàng” để quy kết các bị cáo.
    Đến ngày 08/5 (tức ngày thứ 6 của phiên xét xử - PV) khi đó mọi người nói như có phép màu, vì không phải chỉ có Đào Xuân Xe mà tất cả các bị cáo đều khai nhận thành khẩn những hành vi mà mình đã gây nên. HĐXX cũng như những người tham dự phiên tòa đều thở phào nhẹ nhõm...”. Khi tôi hỏi bà Thanh làm thế nào mà bà thuyết phục được những bị cáo sừng sỏ khai ra hết những hành vi phạm tội của họ? Bà đáp: “Đó là nghệ thuật xét hỏi và cả sự đấu trí giữa thẩm phán và các bị cáo”.
    Sau 12 ngày làm việc, ngày 14/5/1997, HĐXX đã tuyên: Tử hình đối với các bị cáo: Vũ Xuân Trường, Đào Xuân Xe, Vũ Phong Mã, Nguyễn Trọng Thắng, Dương Ngọc Thắng, Bùi Danh Ca, Nguyễn Thị Hoa, Lại Thị Ngấn. Ngoài ra còn 8 án chung thân, 2 án 20 năm tù.
    Ở vụ án lớn này, chắc ai cũng hình dung chủ tọa phiên tòa phải là người tai to mặt lớn, tướng mạo như Bao Công, ít ai ngờ rằng điều khiển phiên tòa lại là nữ Bao Công, với trái tim nóng và cái đầu lạnh. Bà Hoàng Tân Thanh (SN 1952) ở phố Thuốc Bắc, Hà Nội, học trung cấp tòa án năm 1972, công tác tại tòa án quận Hai Bà Trưng, năm 1988, bà được cử đi học chuyên gia pháp lý, năm 1992, được bổ nhiệm thẩm phán tại tòa án Hà Nội, năm 2004 bà được bổ nhiệm Chánh tòa hình sự.
    Khi tôi hỏi bà Thanh: Dư luận cho đến nay vẫn bàn tán nhiều về một nữ thẩm phán ngồi ghế nóng điều khiển phiên tòa có nhiều án tử hình, bà có nghĩ việc đó là quá sức đối với mình? Bà Thanh nở nụ cười hiền hậu: “Nhận nhiệm vụ phải hoàn thành, thực tế tôi quá mệt mỏi, không khác gì vừa trải qua một sự sang chấn về tình thần. Bây giờ về hưu tôi không muốn làm việc gì liên quan đến pháp luật. Học viện tư pháp có mời tôi đi giảng dạy, nhưng tôi không đủ sức, tôi thích chăm sóc các cháu vì cho đến nay tôi vẫn thấy mệt mỏi và ám ảnh…”.
    Vụ án đã dần trôi vào quá khứ, nhưng đối với nữ thẩm phán, Hoàng Tân Thanh thì đây là phiên tòa đã để lại trong bà nhiều dấu ấn sâu đậm. Đằng sau vẻ dịu dàng đầy nữ tính của cô gái quê gốc Hà Thành, là sự mạnh mẽ, sắc sảo đáng nể, như vậy mới có thể điều khiển phiên tòa thành công ngoài sự mong đợi của lãnh đạo và anh chị em đồng nghiệp./.

    Cái giá để đưa được vụ án ra ánh sáng

    Theo bà Hoàng Tân Thanh: Đây là một vụ án mà hành vi phạm tội của các bị cáo cực kỳ nguy hiểm, với số lượng 4 tạ 14kg chưa kể 5,445kg thu giữ tại nhà Vũ Xuân Trường. Tội phạm mà các bị cáo thực hiện là mlột trong những nguồn gốc gây ra nhưng tội phạm khác, đe dọa hủy hoại các thế hệ trẻ, gây bao đau xót cho cộng đồng xã hội. Tôi chỉ là một thành viên  trong HĐXX, còn bao nhiêu những đồng chí khác, đã phải hy sinh theo cả nghĩa bóng và nghĩa đen, phải gồng mình chống lại với sức ép của những “tấn” phong bì để đưa được vụ án ra ánh sáng. Những con người đó cần được xã hội trân trọng và tôn vinh./.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/vu-an-ma-tuy-vu-xuan-truong-qua-hoi-uc-cua-nu-tham-phan-a43643.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan