Liên quan đến vụ 6 người Việt tử vong ở Thái Lan, chiều nay (17/7), cảnh sát đã tổ chức họp báo công bố kết quả điều tra nguyên nhân.
VOV dẫn lời Thiếu tướng Noppasin Punsawat - Phó Cảnh sát trưởng thủ đô Bangkok cho biết, quá trình điều tra xác định dấu vết của chất độc xyanua được tìm thấy trong các bình giữ nhiệt bằng nhôm và cốc nước tại căn phòng ở tầng 5, nơi cả 6 người được phát hiện đã thiệt mạng. Căn phòng bị khóa từ bên trong và trích xuất hình ảnh của khách sạn cho thấy không có ai bước vào căn phòng này sau khi họ bước vào từ ngày 15/07.
Thiếu tướng Noppasin cũng cho biết khách trong căn phòng ở tầng 5 là một phụ nữ Việt Nam, có tên Sherine Chong, 56 tuổi, mang hộ chiếu Mỹ. Bà Sherine Chong là người đặt đồ ăn, đồ uống cho những người còn lại vào lúc 11h42 phút ngày 15/07. Nhân viên khách sạn đã giao đồ lúc 13h51, trong khi 5 người còn lại bước vào căn phòng vào khoảng 14h17 và sau đó không có ai rời đi.
Từ đó, cảnh sát nghi ngờ bà Sherine Chong chính là nghi phạm đầu độc những nạn nhân còn lại bằng chất độc xyanua vì bình giữ nhiệt bằng nhôm không phải của khách sạn.
Nói về động cơ gây án, kết quả lấy lời khai của thân nhân các nạn nhân và tài liệu được tìm thấy trong hành lý của họ cho thấy có mâu thuẫn tài chính lớn giữa bà Sherine Chong và một cặp vợ chồng mang tên Nguyễn Thị Phương Lan, 47 tuổi và Phạm Hồng Thanh, 49 tuổi. Mâu thuẫn này có liên quan đến khoản đầu tư 10 triệu baht (khoảng 7 tỷ VND) vào một bệnh viện ở Nhật Bản.
Cùng thông tin về vụ 6 người Việt tử vong ở Thái Lan, Báo Tin tức cho hay, trong chiều 17/7, Viện Pháp y Chula đã công bố kết quả khám nghiệm tử thi.
Theo đó, Viện Pháp y Chula khẳng định 6 người Việt tử vong trong khách sạn Grand Hyatt Erawan tại Thủ đô Bangkok là do ngộ độc Xyanua gây ngạt cấp tính.
Báo cáo cho biết tổng cộng 6 thi thể đã được tiếp nhận, gồm 3 nữ và 3 nam; cả 6 thi thể đều đã được xác định danh tính và quốc tịch, trong đó có 4 người quốc tịch Việt Nam và 2 người quốc tịch Mỹ.
Báo cáo cũng xác nhận cả 6 người đã tử vong khoảng 12 đến 24 giờ trước khi được phát hiện. Để đi đến kết luận về nguyên nhân tử vong, các bác sĩ đã tiến hành xét nghiệm mẫu máu, nước tiểu và thủy tinh thể cũng như chụp CT cắt lớp để tìm dấu hiệu bị hành hung.
Tiến sĩ Kornkiat Vongpaisarnsin, Bác sĩ pháp y thuộc Khoa Y học của Trường đại học Chulalongkorn cho biết: “Khám nghiệm tử thi 6 nạn nhân có dấu hiệu thiếu không khí, môi tím sẫm, sắc mặt đặc biệt, móng tay tím sậm. Tại lớp sàng lọc, phát hiện xyanua. Tuy nhiên, vẫn cần phải đợi kết quả xét nghiệm máu để xác nhận nồng độ hoặc lượng xyanua, cũng như phát hiện các chất độc khác. Kết quả chính xác sẽ có trong vòng 1 - 2 ngày tới”.
Xyanua độc cỡ nào?
Xyanua là hóa chất tác động cực mạnh, có thể gây nguy hiểm đến tính mạng chỉ trong thời gian ngắn với một lượng rất nhỏ. Xyanua tồn tại dưới nhiều dạng hợp chất khác nhau nhưng đa phần đều gây hại và rất nguy hiểm.
Một số dạng xyanua phổ biến như hydro xyanua, xyanua clorua, tinh thể kali xyanua, natri xyanua,… Mùi vị của xyanua được miêu tả khá giống với vị đắng nhẹ của hạnh nhân và nếu chỉ có ít, thậm chí còn không phát ra mùi, gây cản trở trong quá trình nhận biết sự tồn tại của xyanua.
Trong tự nhiên, nhiều thực phẩm cũng có chứa xyanua, điển hình như khoai mì, hạnh nhân, đậu lima còn sống,… Các trái cây như đào, táo, mơ,… cũng có xyanua nhưng khá ít. Khói thuốc lá cũng có một lượng xyanua nhất định gây hại khi dùng lâu dài. Ngoài những thông tin trên về xyanua, nhiều bài báo khoa học quốc tế cũng cho biết thêm về xyanua như:
Chất khí hydro xyanua không có màu nhưng vị hơi đắng nhẹ gần giống hạnh nhân nhưng chỉ có khoảng 40% dân số thế giới nhận ra điều bất thường này.
Chất xyanua được tìm thấy lần đầu tiên vào khoảng năm 1782 bởi một nhà hóa học người Thụy Điển.
Các trường hợp khẩn cấp và dùng đúng cách, xyanua có thể ứng dụng làm thuốc.
Măng tươi là thực phẩm có chứa khá nhiều xyanua. Trong 1kg măng tươi nguyên củ có thể chứa đến 250mg xyanua, con số có thể lấy đi tính mạng 1 người nên điều bạn cần làm là hãy rửa măng thật sạch, sơ chế kỹ trước khi ăn.