+Aa-
    Zalo

    Vụ 2 người tử vong ở Bệnh viện Trí Đức: Sở y tế Hà Nội nói gì?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Bà Hà cho biết, hiện tại phía Sở Y tế đã tạm đình toàn bộ hoạt động thủ thuật, phẫu thuật gây mê hồi sức tại Bệnh viện đa khoa Trí Đức.

    (ĐSPL) - Bà Hà cho biết, hiện tại phía Sở Y tế đã tạm đình toàn bộ hoạt động thủ thuật, phẫu thuật gây mê hồi sức tại Bệnh viện đa khoa Trí Đức.

    Liên quan tới sự việc hai bệnh nhân tử vong trong cùng một ngày do nghi sốc phản vệ tại Bệnh viện đa khoa Trí Đức (Lê Duẩn, Đống Đa, Hà Nội), ngày 26/12, Thạc sĩ Trần Thị Nhị Hà – Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội đã có cuộc trao đổi với phóng viên để làm rõ sự việc. 

    Theo thông tin bà Hà đưa ra, hiện tại phía Sở Y tế Hà Nội đã tạm đình toàn bộ hoạt động thủ thuật, phẫu thuật gây mê hồi sức tại Bệnh viện đa khoa Trí Đức.

    PV: Xin bà cho biết, nguyên nhân gây ra tử vong đối với 2 bệnh nhân tại Bệnh viện đa khoa Trí Đức ngày 25/12 là gì?

    Bà Trần Thị Nhị Hà: Với hai ca tử vong xảy ra tại Bệnh viện đa khoa Trí Đức vào ngày 25/12, phía bệnh viện đã thực hiện phương pháp tiền mê cách nhau khoảng 20 phút. Sau khi tiền mê xong sau 30 giây, bệnh nhân có biểu hiện tím tái, khó thở, tụt huyết áp, tinh thần lú lẫn, lơ mơ... Bệnh viện đã thực hiện hồi sức cấp cứu ngay tại phòng mổ và chuyển bệnh nhân tới khoa A9 của Bệnh viện Bạch Mai. Sau khoảng 2 tiếng đồng hồ cả hai bệnh nhân đều tử vong.

    Thạc sĩ Trần Thị Nhị Hà – Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội.

    Với những triệu chứng như vừa chia sẻ, các bác sĩ tại Bệnh viện đa khoa Trí đức cũng như Bệnh viện Bạch Mai đều tiên lượng nguyên nhân ban đầu dẫn tới tai biến y khoa này là sốc phản vệ. Nguyên nhân chính thức phải chờ kết luận của cơ quan thẩm quyền. Kết quả pháp y phải 4 tuần nữa mới có.

    PV: Bà có thể cung cấp những thông tin liên quan tới lô thuốc được sử dụng gây mê cho hai bệnh nhân này?

    Bà Trần Thị Nhị Hà: Các loại thuốc sử dụng trong ca phẫu thuật này đều nằm trong danh mục sử dụng của Bộ Y tế. Tại thời điểm kiểm tra, bệnh viện Trí Đức đã xuất trình được đầy đủ hóa đơn, chứng từ liên quan đến số thuốc này, lô thuốc này cũng đã được sử dụng cho các bệnh nhân khác mà không gây ra hiện tượng gì. Hai bệnh nhân này sử dụng thuốc gần giống nhau chỉ khác số lượng vì chỉ định còn dựa vào cân nặng.

    Tại thời điểm kiểm tra, Sở Y tế Hà Nội đã có đội chuyên môn kiểm tra về điều kiện bảo quản của thuốc tại BV Đức Trí, bệnh viện cũng đã đáp ứng được những điều kiện đó.

    Quy trình gây mê hồi sức, hồ sơ đều thể hiện được đúng quy trình và hồ sơ đã được niêm phong gửi cơ quan chức năng tiến hành điều tra. Ngay sau khi có kết quả từ cơ quan công an Sở Y tế Hà Nội sẽ thành lập một Hội đồng chuyên môn thẩm định việc trên.

    Theo báo cáo tường trình của bệnh viện với hai lô thuốc sử dụng cho hai bệnh nhân này đã sử dụng cho các bệnh nhân khác và không xảy ra tai biến. Với những thuốc này chúng tôi đã làm việc với các nhà cung cấp xin ý kiến về mặt chuyên môn y tế.

    Bệnh viện Đa khoa Trí Đức. 

    PV: Theo hồ sơ lưu lại Sở Y tế do Bệnh viện Đa khoa Trí Đức gửi báo cáo Danh sách cán bộ, nhân viên làm việc thường xuyên tại Bệnh viện tháng 12/2015, trong đó chưa có tên của kỹ thuật viên gây mê Phạm Thị Hương và nhân viên dụng cụ Bùi Thị Kim Oanh nhưng họ vẫn tham gia kíp mổ?Bà có chia sẻ gì về điều này?

    Bà Trần Thị Nhị Hà: Chị Bùi Kim Oanh  (24 tuổi), bằng cấp là điều dưỡng viên, có chứng chỉ hành nghề là kĩ thuật viên dụng cụ mổ. Chị Phạm Thị Hương (25 tuổi), bằng cấp điều dưỡng viên có chứng nhận điều dưỡng gây mê.

    Tại thời điểm kiểm tra, Sở Y tế Hà Nội đã làm việc nghiêm túc và minh bạch trong nội dung này, đối chiếu báo cáo nhân lực chưa thấy có tên hai cán bộ y tế đó trong danh sách báo cáo cỉa Sở. Sở Y tế Hà Nội cũng báo cáo nghiêm túc với Bộ Y tế và UBND thành phố Hà Nội.

    Tôi khẳng định đây là hai cán bộ không thực hiện kĩ thuật trực tiếp cho bệnh nhân. Chị Oanh làm rửa dụng cụ. Hai cán bộ này từ phía bệnh viện xuất trình hợp đồng thử việc và họ đều xuất trình được bằng nhân viên y tế là điều dưỡng viên. Tuy nhiên, chúng tôi nghiêm túc việc này vì không có tên trong danh sách báo cáo sở.

    PV: Có thông tin cho rằng, bệnh nhân Hoàng Văn Tr. mổ amidan được chỉ định gây mê mà không phải bằng các phương pháp khác. Theo quan điểm của bà chỉ định này như thế nào?

    Bà Trần Thị Nhị Hà: Bệnh nhân Hoàng Văn Tr. (34 tuổi, Phú Xuyên, Hà Nội) được chẩn đoán: Viêm Xoang mãn – Viêm Amidal lệch vách ngăn – Sùi vòm, có chỉ định phẫu thuật: Nội soi xoang – Cắt Amidal – Chỉnh hình vách ngăn – Nạo sùi vòm. Vô cảm bằng gây mê nội khí quản, về góc độ chuyên môn các bác sĩ đã chỉ định đúng trong trường hợp bệnh nhân nam này. Bởi trước khi đưa ra một chỉ định nào thì bệnh nhân phải trải qua một quá trình thăm khám, chụp chiếu.

    PV: Có thông tin cho rằng còn có thêm 1 bệnh nhân khác cũng bị cấp cứu sau gây mê trong cùng ngày với hai bệnh nhân trên? Ý kiến từ phía Sở Y tế như thế nào?

    Bà Trần Thị Nhị Hà: Trong buổi sáng xảy ra sự việc (25/12), theo báo cáo từ phía bệnh viện thì chỉ thực hiện hai ca phẫu thuật đã tử vong trên.

    Điều 99. Tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính (Bộ luật Hình sự 1999, sửa đổi bổ sung 2009)

    1. Người nào vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính, thì bị phạt tù từ một năm đến sáu năm.

    2. Phạm tội làm chết nhiều người thì bị phạt tù từ năm năm đến mười hai năm.

    3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm".

    Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/vu-2-nguoi-tu-vong-o-benh-vien-tri-duc-so-y-te-ha-noi-noi-gi-a175808.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan