+Aa-
    Zalo

    Vụ 13 cán bộ, chiến sỹ hy sinh: Nhân viên trạm kiểm lâm 67 "lạnh người" khi chứng kiến hiện trường

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Liên quan vụ 13 cán bộ, chiến sỹ hy sinh khi cứu hộ thủy điện Rào Trăng 3, nhân viên trạm 67 đã kể lại giây phút "lạnh người" khi trước mặt ông là bãi bùn đất.

    Liên quan vụ 13 cán bộ, chiến sỹ hy sinh khi cứu hộ thủy điện Rào Trăng 3, nhân viên trạm 67 đã kể lại giây phút "lạnh người" khi trước mặt ông khu nhà nghỉ, nhà làm việc chỉ là một bãi đất tan hoang.

    Theo báo Tiền Phong, ông Hà Phước Đông, nhân viên quản lý và bảo vệ rừng của xã Phong Xuân, cho biết, trạm bảo vệ rừng 67 mà đoàn công tác Quân khu 4 và tỉnh Thừa Thiên - Huế dừng chân đêm 12/10 bị núi lở khiến 13 người gặp nạn là nơi ông thường lưu lại khi vào rừng.

    Ông Đông cho biết, mới đợt bão số 5 vừa qua, ông đã ngủ tại Trạm Kiểm lâm số 7, mà không thấy bất cứ hiện tượng gì, không có tiếng ì ầm của nứt núi. Tuy nhiên, đêm xảy ra thảm họa 12/10 khiến 13 người bị vùi lấp, ông đã không ngủ lại tại đây.

    Nhân viên trạm bảo vệ rừng 67 kể lại giây phút có mặt tại hiện trường. Ảnh: Tiền Phong

    Ông Đông cũng cho biết, vào sáng sớm ngày 12/10, ông và đồng nghiệp mang theo thực phẩm lên khu vực trạm bảo vệ rừng 67 để trực. Tuy nhiên khi cách trạm khoảng 10km thì thấy mực nước lũ dâng cao không thể qua được. Cùng lúc này, lãnh đạo gọi điện thông báo mưa lũ diễn biến phức tạp và yêu cầu quay trở về để đảm bảo an toàn.

    Chia sẻ với PV báo Vietnamnet, ông Đông cho biết, nếu không nhận được cuộc gọi của Trạm trưởng trạm bảo vệ rừng 67, chắc số người gặp nạn vào rạng sáng hôm sau không dừng ở con số 13.

    Theo ông Đông, trưa ngày 13/10, ông bất ngờ nhận được tin, đoàn cán bộ cứu hộ gồm lãnh đạo địa phương, lực lượng quân đội trên đường vào cứu hộ các công nhân bị vùi lấp tại thủy điện Rào Trăng 3 đã gặp nạn trong đêm khi đang dừng chân tại khu nhà nghỉ của Trạm bảo vệ rừng 67, hiện đang có 13 người mất tích. Ngay sau đó, ông lên đường cùng lực lượng chức năng tiếp cận, xác định hiện trường gặp nạn.

    Sau nhiều giờ băng đèo, lội suối, ông Đông cùng mọi người tiếp cận hiện trường Trạm bảo vệ rừng 67 – nơi có 13 cán bộ cứu hộ gặp nạn.

    “Tôi đã lạnh người khi tận mắt nhìn thấy cảnh hoang tàn, đổ nát. Châm vội điếu thuốc đưa lên miệng và trấn tĩnh lại, tôi mới nhận ra rằng, mình đã may mắn thoát nạn.

    Là người có hơn 4 năm sống và làm việc tại đây, chưa bao giờ tôi chứng kiến cảnh tượng kinh hoàng như vậy. Nó chẳng khác gì hậu quả của một trận động đất có cường độ lớn”, ông Đông chia sẻ.

    Hiện trường bãi bùn đất, đá đổ nát nơi nhà nghỉ của trạm bảo vệ rừng 67. Ảnh: Vietnamnet

    Theo ông Đông, trước mặt ông lúc này là một đống bùn đất, đá đổ nát. Khu nhà nghỉ, nhà làm việc của các nhân viên bảo vệ rừng trong phút chốc chỉ còn là một bãi đất tan hoang, không còn vết tích.

    Sau đó, ông Đông đã định hình và đánh dấu vị trí của ngôi nhà của trạm- nơi đang vùi lấp 13 cán bộ, chiến sĩ của đoàn cứu hộ để lực lượng chức năng tìm kiếm nạn nhân.

    Đến 18h20 ngày 15/10, lực lượng chức năng đã hoàn tất công tác tìm kiếm, đưa thi thể 13 cán bộ hy sinh về tại Bệnh viện Quân y 268.

    Trình Thủ tướng cấp Bằng "Tổ quốc ghi công" cho 13 người hy sinh khi cứu hộ thủy điện Rào Trăng 3

    Chiều 16/10, Bộ trưởng bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Đào Ngọc Dung đã ký tờ trình số 106 gửi Thủ tướng Chính phủ về việc cấp Bằng "Tổ quốc ghi công" đối với 13 cán bộ hy sinh khi thực hiện nhiệm vụ cứu nạn tại thuỷ điện Rào Trăng 3.

    Đề xuất của bộ LĐ-TB&XH căn cứ theo đề nghị của bộ Quốc phòng tại Công văn số 3895 và của UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế tại Tờ trình số 9249, về việc đề nghị truy tặng Bằng "Tổ quốc ghi công" đối với 11 quân nhân và 2 cán bộ hy sinh ngày 13/10 trong thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai tại Thuỷ điện Rào Trăng 3, tỉnh Thừa Thiên-Huế.

    Được biết, căn cứ đề xuất cấp Bằng "Tổ quốc ghi công" cho các trường hợp trên theo quy định tại điểm l khoản 1 Điều 17 Nghị định số 31/2013/NĐ-CP ngày 09/4/2013 của Chính phủ, trường hợp trực tiếp làm nhiệm vụ huấn luyện chiến đấu hoặc diễn tập phục vụ quốc phòng, an ninh có tính chất nguy hiểm: Bắn đạn thật, sử dụng thuốc nổ; huấn luyện, diễn tập của không quân, hải quân, cảnh sát biển và đặc công; chữa cháy; chống khủng bố, bạo loạn; giải thoát con tin; cứu hộ, cứu nạn, ứng cứu thảm họa thiên tai sẽ được xem xét, xác nhận là liệt sĩ.

    Hoàng Yên (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/vu-13-can-bo-chien-sy-hy-sinh-nhan-vien-tram-kiem-lam-67-lanh-nguoi-khi-chung-kien-hien-truong-a342863.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan