(ĐSPL) - Các luật sư cho rằng, “Chuyển động 24h” của VTV công bố thông tin cá nhân của Công Phượng mà chưa được phép của cầu thủ này hoặc cơ quan có thẩm quyền là vi phạm pháp luật.
Sau 4 số của chương trình Chuyển động 24h do VTV24 thực hiện nhằm làm rõ tuổi thật sự của cầu thủ bóng đã Công Phượng đã gây xôn xao dư luận.
Đặc biệt, trong phần cuối của chương trình Chuyển động 24h trưa ngày 16/11, biên tập viên kết lại: "Công Phượng ngay trong lúc này, nếu em ngồi trước màn hình tivi thì tôi muốn nói với em rằng đây là giây phút có thể giải thoát cho em khỏi sự mập mờ, hãy lên tiếng... Chúng tôi là những nhà báo và chúng tôi buộc phải tìm ra sự thật... Sau sự kiện này em sẽ được đá bóng trong sự trung thực và thanh thản". Điều này càng khiến nhiều người xem bày tỏ sự phẫn nộ trước cách làm của VTV24.
|
BTV Chương trình Chuyển động 24h trưa ngày 16/11 đã yêu cầu Công Phượng lên tiếng. |
Xét từ góc độ pháp lý, luật sư Phạm Hoài Nam, Hãng luật Bến Nghé – Sài Gòn nhận định: “Trước hết, tôi nhận thấy VTV có cái lý để làm việc này, bởi việc đi tìm sự thật về độ tuổi của một vận động viên là tạo sự công bằng và minh bạch trong thi đấu thể thao. Hơn nữa đó cũng là một phần trách nhiệm của truyền thông báo chí trong việc ngăn chặn và đưa ra ánh sáng những vụ việc gian lận, đồng thời có thể chuyển cơ quan chức năng xử lý những tiêu cực đối với căn bệnh thành tích của những cá nhân và tổ chức liên quan.
Tuy nhiên, đối với việc đi tìm độ tuổi thật của cầu thủ Công Phượng là 19 hay 21 tuổi trong chương trình “Chuyển động 24h” là một việc làm đáng tiếc. Bởi hành vi công bố thông tin cá nhân của Công Phượng như: Giấy khai sinh, Sổ học bạ, Sổ kê khai nhân khẩu…, các đoạn clip phỏng vấn những người có trách nhiệm tại địa phương và kèm theo những đánh giá không khách quan là không đúng. Rõ ràng VTV không phải là cơ quan có thẩm quyền điều tra và công bố thông tin của một cá nhân. Hơn nữa những thông tin này chưa thực sự rõ ràng, chưa được kiểm chứng hoặc xử lý bởi những cơ quan có thẩm quyền mà VTV vội vàng có những bình luận hướng tới việc quy kết Công Phượng gian lận tuổi và yêu cầu cầu thủ này lên tiếng là hành vi sai trái.
Cụ thể là vi phạm điều 21 Hiến pháp quy định về “Quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình, quyền bảo vệ danh dự và uy tín của mình”. Đồng thời, hành vi đó cũng vi phạm điều 38 Bộ luật Dân sự cũng quy định về “Quyền bí mật đời tư” của cá nhân là bất khả xâm phạm.
|
Luật sư Phạm Hoài Nam, Hãng luật Bến Nghé Sài Gòn. |
Chương trình này đã nhầm lẫn về trách nhiệm, sứ mệnh “đi tìm sự thật” của truyền thông báo chí mà quên mất nghĩa vụ phải “tuân thủ pháp luật” và chức năng nhiệm vụ của mình trước những thông tin công bố ra công chúng. Rõ ràng, VTV có quyền tìm hiểu và giúp các cơ quan chức năng điều tra xử lý các vi phạm, nhưng tuyệt đối không được xâm phạm đến uy tín, danh dự và nhân phẩm của Công Phượng; hành vi của bình luận nhằm chỉ trích và thách thức cầu thủ này lên tiếng thật phản cảm, gây bức xúc trong dư luận. Đây là cú sốc đối với một cầu thủ trẻ và nó có thể "giết chết" sự nghiệp của một tài năng bóng đá.
Theo tôi, để tránh sự việc đi quá xa và có những hậu quả đáng tiếc xảy ra thì chương trình “Chuyển động 24h” của VTV cần phải có đính chính và công khai xin lỗi Công Phượng trước khi quá muộn. Việc xác định tuổi và dấu hiệu nghi vấn liên quan tới tuổi của cầu thủ này (nếu có) cần chuyển cho cơ quan Công an và Tư pháp làm việc. Và thực sự nếu có hành vi gian lận về độ tuổi thì cầu thủ Công Phượng cũng không phải là người chịu trách nhiệm trước pháp luật, trách nhiệm phải là một người khác bởi tại thời điểm đó Công Phượng… không tự mình đi khai sinh được!!! Có chăng thì Công Phượng sẽ bị tước các danh hiệu (nếu có) khi tham gia các giải bóng đá với lứa tuổi U19 và em sẽ thi đấu đúng với độ tuổi thật của mình. Rất mong VTV cùng những người có trách nhiệm cần có những hành động cụ thể để trả lời công chúng”.
|
Luật sư Nguyễn Kiều Hưng, Hãng luật Giải Phóng. |
Cùng quan điểm đó, luật sư Nguyễn Kiều Hưng, Hãng luật Giải Phóng chia sẻ: “Tôi hơi bất ngờ khi xem xong chương trình này. Việc cơ quan báo chí có nhiệm vụ đấu tranh với mọi hành vi vi phạm pháp luật là rất đáng được hoan nghênh, nhưng rõ trong vụ này, VTV24 đã đi quá lố, vượt quá ranh giới của sự cho phép. VTV24 như trong vai một điều tra viên để tiến hành điều tra vụ việc, và kiêm luôn là kiểm sát viên thực hiện việc luận tội một cách đanh thép, cuối cùng là trong vai một thẩm phán – chủ toạ phiên toà động viên, thuyết phục Công Phượng lên tiếng (như nói lời cuối cùng trong một phiên xử hình sự) để đưa ra phán quyết. Điều đó gây ra một cú sốc lớn về tinh thần cho một thanh niên trẻ, một tài năng bóng đá được xã hội thừa nhận.
Việc đi điều tra nhân thân của Công Phượng như công việc của một cơ quan điều tra và công bố thông tin nhân thân đó trên phương tiện truyền thông, phổ biến rộng rãi ra công chúng là có dấu hiệu vi phạm quyền nhân thân được bảo vệ bởi pháp luật, cụ thể là Bộ luật Dân sự. Thiết nghĩ, VTV24 nên có một lời xin lỗi với Công Phượng trong khi chờ đợi kết luận cuối cùng của các cơ quan chức năng”.
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/vtv-vi-pham-quyen-rieng-tu-cua-cong-phuong-a69677.html