+Aa-
    Zalo

    Vợ Việt - chồng Tây: Những nàng dâu Việt khiến chồng "ngả nón chào"

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Vượt qua rào cản văn hóa, lối sống, ngôn ngữ, những người phụ nữ Việt lấy chồng Tây đã nỗ lực để khẳng định mình, có một sự nghiệp trong môi trường khắc nghiệt ở xứ người

    Dù có bỡ ngỡ về văn hóa, lối sống, hạn chế về ngôn ngữ, nhưng những người phụ nữ Việt lấy chồng Tây đã nỗ lực để khẳng định mình, có một sự nghiệp riêng trong môi trường khắc nghiệt ở xứ người.

    Nỗ lực nơi xứ người

    Có lẽ, người phụ nữ Việt khi lấy chồng ngoại quốc ai cũng nghĩ “chuột sa chĩnh gạo”. Nhưng vẫn có những phụ nữ phải đi lên từ hai bàn tay trắng.

    Nhìn vào cuộc sống hiện tại của chị Phương Thy (39 tuổi), ít người nghĩ rằng chị đã từng trải qua quãng thời gian khó khăn vất vả khi lấy chồng Tây. Chị đã làm bồi bàn, phục vụ, nhân viên làm bánh... Nhưng đó cũng là khoảng thời gian giúp chị tích lũy được nhiều kinh nghiệm, vốn sống để khởi nghiệp trên đất Mỹ.

    Gia đình hạnh phúc của chị Phương Thy.

    Nói chuyện với chúng tôi, chị Phương Thy kể, 17 năm trước, chị được chính mẹ đẻ mai mối với anh Robert Hart, người Mỹ. Mẹ Phương Thy là một thông dịch viên, giỏi cả tiếng Anh lẫn tiếng Pháp, vì thế bà muốn con gái mình nâng cao trình độ ngoại ngữ, hơn nữa là để có người nói chuyện, làm bạn. Thời đó, Thy đen, xấu xí và bản tính nhút nhát, nhưng nhờ những lời động viên của Robert Hart mà Thy mạnh dạn hơn và nói được tiếng Anh tốt hơn. Cứ thế, hai người có một tình cảm đặc biệt với nhau.

    Chị theo anh Robert Hart về Mỹ với hai bàn tay trắng. Thời gian đầu sống xa gia đình, chị rất buồn, nhớ nhà. Rồi chị Thy quyết định đi làm và nhờ có sự giúp đỡ của mẹ chồng, chị được vào làm tại một công ty địa ốc rất lớn ở Oklahoma nơi mẹ chồng chị làm phó giám đốc. Chị được phân công làm trợ lý một khu chung cư gồm 156 hộ, tên Bright Place Apartment. Khi đó, chị vừa làm, vừa học nghề, học tiếng Anh.

    Sau đó, khi thông thạo hơn, chị được giao quản lý thêm sổ sách. Điều này với chị Thy cũng không quá khó khăn, vì trước đây chị đã từng học đại học kinh tế ở Việt Nam. Không chỉ làm việc ở công ty, để có thêm thu nhập chị Thy làm thêm chả giò bán cho bạn bè.

    Những tưởng mọi thứ sẽ xuôi chèo mát mái. Nhưng bỗng một ngày chị nhận được quyết định không được làm việc dưới quyền mẹ chồng. “Khi đó mẹ chồng tôi đang làm quản lý của tôi. Tinh thần tôi lại bắt đầu suy sụp, mất việc làm thì lấy đâu tiền để trả tiền nhà và xe mới mua? Lương chồng cũng không thể nào đủ được. Tôi nghĩ mình không thể bỏ cuộc như vậy. Tôi lại mải miết nộp đơn xin việc khắp nơi. Thật may mắn tôi được nhận vào làm quản lý của một chung cư khác với 220 căn hộ, đây là khu chung cư cho thuê chứ không bán. Tôi được kiêm luôn nhiệm vụ đi đòi nợ”, chị Thy kể.

    Nhanh nhẹn, chăm chỉ làm được việc nên chị Thy đã được cấp trên tín nhiệm giao cho một khối lượng công việc rất lớn. Cũng nhờ có công việc này mà chị Thy quen được với các chủ chung cư, nhà đất và những cán bộ Nhà nước, nơi xét duyệt những hồ sơ trợ cấp cho người có thu nhập thấp... Vậy là chị xin nghỉ việc và mạnh dạn nộp đơn vào cơ quan Nhà nước Oklahoma City Housing Authority, nơi xét duyệt trợ cấp, giúp tiền nhà và nhiều chương trình hỗ trợ cho sinh viên, lính, giúp đỡ phụ nữ bị bạo hành, những người sa ngã, cai nghiện... Để được vào làm tại cơ quan này, chị Thy đã phải vượt qua rất nhiều người có kinh nghiệm lâu năm, có bằng đại học ở Mỹ.

    Lấy chồng ngoại quốc không phải để “ăn bám”

    Chị Thy tâm sự, trong khoảng thời gian chờ đợi công việc ở Oklahoma City Housing Authority, chị cũng không chịu để bản thân ngơi nghỉ mà kiếm việc làm thêm. Chị làm tất cả những việc gì có thể kiếm ra tiền như làm móng tay móng chân, bồi bàn, bán hàng...

    “Ông trời không phụ lòng người, tôi đã được gọi đi làm cho Nhà nước. Ở đó, tôi luôn cố gắng khẳng định bản thân mình. Tôi không ngại những việc khó sếp giao, nếu không biết tôi sẽ có tinh thần cầu thị chịu khó học hỏi nên mọi thứ đều hoàn thành, hiện giờ tôi quản lý hơn 600 hồ sơ”, Phương Thy nói.

    Làm Nhà nước, lương cao, ổn định hơn nhưng Phương Thy vẫn không dừng lại. Ngày chị hoàn thành công việc được giao, buổi tối lại chạy bàn cho một cửa hàng người Việt từ 17h30 tới 21h, nhận tiền boa mỗi tối khoảng 70-100 đôla.

    Chị Phương Thy chia sẻ: “Quả thực, tôi đi làm tối ngày không có thời gian chăm sóc cho gia đình, nhưng được gia đình nhà chồng thông cảm. Thậm chí, chồng còn khuyên tôi nên nghỉ ngơi buổi tối nhưng tôi không thích cuộc sống an nhàn. Bất cứ thứ gì cũng phải trải qua khó khăn, thử thách mới có được”.

    Hiện giờ, Phương Thy, đã có công việc ổn định, chỗ đứng trong xã hội nhưng chị vẫn không ngừng học hỏi và tiếp tục phát huy khả năng của mình. Giờ đây, chị tận hưởng hạnh phúc bên chồng và hai con nhỏ.

    Cũng giống như chị Phương Thy, chị Nguyễn Thị Hương (36 tuổi, tên tiếng Pháp, là Huong Decourcell) lấy chồng và sang Pháp đã được 3 năm. Từ người không biết tiếng Pháp giờ chị đã thành một phiên dịch viên và mở được nhà hàng chuyên các món ăn Việt trên quê hương chồng.

    Chị Nguyễn Thị Hương đã thành công bên xứ người và có một người chồng yêu thương mình.

    Nói về mối lương duyên với người chồng ngoại quốc, chị Hương cho biết, cách đây hơn 3 năm, chị làm nghề cắt tóc ở Sài Gòn. Cô đơn, buồn chán chị lên mạng tìm kiếm bạn nói chuyện và chị đã gặp được anh Sebastien người Pháp.

    Anh chị yêu nhau được hơn 1 năm thì quyết định kết hôn. Ngày “theo chàng về dinh” chị không biết tiếng Pháp, không biết đường đi lối lại, cuộc sống thay đổi hoàn toàn khiến bản thân chị sốc. Nhờ sự động viên của chồng, chị Hương bắt đầu học tiếng Pháp.

    Không muốn ở nhà để chồng nuôi, chị bắt đầu lên mạng tìm hiểu xem người Việt ở Pháp đang cần những gì. Thứ duy nhất chị phát hiện ra chính là đồ ăn Việt, vì thế chị bắt đầu nghĩ tới việc làm món ăn Việt ở nhà để bán cho người Việt đang sinh sống tại Pháp. Khéo tay, làm đồ ăn ngon vì thế khách hàng của chị bắt đầu tìm đến ngày một nhiều.

    “Thông thạo tiếng Pháp giúp tôi rất nhiều trong việc kinh doanh. Cũng nhờ thế mà tôi quen được nhiều người, họ đã giới thiệu cho tôi làm phiên dịch. Tôi cũng muốn giúp đỡ những bạn người Việt lấy chồng Pháp khi họ chưa biết tiếng Pháp và mới sang xứ người. Quả thực, ở Pháp công việc rất khó kiếm. Như bản thân tôi khi làm phiên dịch formation, họ cho tôi một tập tài liệu về tiếng Pháp, văn hóa Pháp. Sau đó tôi dịch ra và đi dạy lại những cô dâu mới sang Pháp, tôi phải dạy họ cả phong tục tập quán, văn hóa người Pháp. Cứ thế, tôi dần có nhiều mối quan hệ và khẳng định vị trí của mình hơn”, chị Hương chia sẻ.

    Chị Hương kể, khi sang Pháp, chị dường như phải bắt đầu lại mọi thứ. Nhưng giờ chị đã nói được tiếng Pháp khá thành thạo, có một công việc trong xã hội, tự mở được cửa hàng. Điều này khiến chồng và những người bạn của chị đều khá ngạc nhiên. Vì có người sang Pháp đến tận 5 năm cũng không nói được tiếng Pháp và có công việc ổn định.

    “Ở Pháp, xin bất kỳ việc gì cũng cần có bằng cấp chứng chỉ nên tôi đã vừa làm đồ ăn nhanh ở nhà vừa nỗ lực đi học để có bằng cấp. Tôi không ngại khó, ngại khổ mà chỉ sợ không có thời gian. Tôi chạy đua từng ngày một. Sau khi học xong bằng nấu ăn, tôi lại tiếp tục nung nấu mở một chuỗi cửa hàng cho người Việt tại Pháp. Nhờ sự hỗ trợ của ông xã, tôi đã làm được. Cửa hàng tôi có tên NON LA và được rất nhiều người Việt tìm đến. Hiện tại tôi vẫn duy trì công việc dịch thuật. Tôi muốn mọi người biết về khả năng của phụ nữ Việt. Chúng tôi sang đây không phải để ăn bám chồng, có nhiều người cũng đã tạo lập được sự nghiệp riêng”, chị Hương tâm sự.

    Nếu nhiều người nghĩ lấy chồng Tây không phải lo nghĩ về mặt kinh tế thì đó là quan niệm sai lầm. Bởi, tình yêu có bền chặt cần sự cố gắng, nỗ lực và vun đắp từ cả hai phía. Với chị Phương Thy, chị Hương cũng vậy, họ không muốn trở thành gánh nặng trong mắt chồng. Ngược lại luôn muốn để chồng, họ hàng, bạn bè của chồng bên trời Tây phải ngưỡng mộ, trầm trồ về nghị lực, khả năng của những người phụ nữ Việt Nam dù nhỏ bé nhưng vẫn khiến người khác phải ngước nhìn.

    Mai Thu

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/vo-viet---chong-tay-nhung-nang-dau-viet-khien-chong-nga-non-chao-a203136.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Sự thật bi hài chuyện vợ chồng Tây - Ta

    Sự thật bi hài chuyện vợ chồng Tây - Ta

    Những người Việt kết hôn với người nước ngoài đi tiên phong trong hòa nhập nhưng vấn đề về giới lại ảnh hưởng lớn đến độ bền của những cặp đôi Tây - Ta này.