Có mặt từ 3-4h sáng để xếp hàng
Theo thông tin từ Báo Kinh tế và Đô thị, mới 5h sáng ngày 28/8, tại cổng KTX, Đại học Bách khoa Hà Nội đã có hàng trăm người xếp hàng đăng ký chỗ ở KTX. Nhiều người cho biết, họ đã có mặt từ 3-4h sáng để xếp hàng, mong đăng ký được 1 chỗ ở ký túc cho con. 6h sáng, lượng người ùn ùn dồn về, ngày càng đông hơn. Cho đến hơn 7h sáng, một khung cảnh hỗn loạn, chen lấn nhau thật đáng sợ, tất cả đều muốn ùa lên quầy xếp phiếu đăng ký.
Ông Nguyễn Văn H., một phụ huynh có con vừa trúng tuyển Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, bố con ông từ quê ra Hà Nội, gia đình rất lo lắng và muốn đăng ký chỗ ở KTX cho yên tâm. “Sáng nay, tôi đưa con qua trường từ rất sớm để làm thủ đăng ký KTX nhưng rất thất vọng vì cách đón tiếp, giải quyết thủ tục của trường”, ông H. nói.
Ông H.cho hay, lịch là 7h30 trường mới làm việc, bố con ông đến lúc 6h đã có hàng trăm người chờ sẵn. Hóa ra, nhiều người nóng ruột, muốn thực hiện sớm thủ tục nên đến từ 3 – 4h sáng. Những tưởng ai đến sớm sẽ được giải quyết trước nhưng khi cán bộ làm việc, không khí trở nên hỗn loạn, người đến sau cũng xông lên. Đã vậy, không hề có cán bộ nào ra hướng dẫn, giải thích.
Cũng theo phản ánh, thông thường ở các trường sẽ có lực lượng thanh niên tình nguyện hoặc bộ phận hướng dẫn cho phụ huynh và tân sinh viên trong ngày đầu nhập học. Tuy nhiên, tại Đại học Bách khoa Hà Nội, dù đông hồ sơ đăng ký nhưng lại không có ai hướng dẫn, sắp xếp.
"Em không nghĩ ở một ngôi trường đại học top đầu cả nước mà khâu tổ chức lại thiếu khoa học, lộn xộn như vậy. Đến một cái loa phát đi thông báo giải thích cho phụ huynh, học sinh và dẹp trật tự cũng không có. Cứ mặc phụ huynh xô đẩy, chen lấn, phàn nàn như vậy, thật là buồn", một sinh viên kể lại.
Trước đó, nhiều tân sinh viên cũng cho biết, không thể đăng ký online theo hướng dẫn được vì mạng internet của trường bị "lỗi cả ngày". Chỉ một số ít sinh viên trong số hàng nghìn sinh viên có nhu cầu ở ký túc xá đăng ký thành công.
Khâu tổ chức tiếp đón của trường thiếu khoa học
Liên quan đến vấn đề trên, chia sẻ trên VTC News, PGS.TS Đinh Văn Hải, Giám đốc Trung tâm truyền thông, Đại học Bách khoa Hà Nội xác nhận sự việc.
Năm nay, Đại học Bách khoa Hà Nội dành hơn 1.000 chỗ cho tân sinh viên ở ký túc xá. Trước đó, trường đã mở cổng đăng ký online và tiếp nhận đăng ký của khoảng 500 sinh viên. Số còn lại, trường nhận đăng ký trực tiếp khi sinh viên đến làm thủ tục nhập học tại trường.
"Trước đó, trong thông báo, Đại học Bách khoa Hà Nội cũng nêu rõ các thông tin về diện tân sinh viên đủ điều kiện đăng ký vào ở ký túc xá. Tuy nhiên do tân sinh chưa đọc rõ nội quy nên đăng ký vào ở đông, vượt quá số chỉ tiêu", vị này nói.
PGS.TS Đinh Văn Hải cũng cho biết, năm nay nhu cầu ở ký túc xá cao hơn hẳn mọi năm. Thống kê sơ bộ cho thấy, số sinh viên có nguyện vọng ở ký túc xá lên đến 3.000- 4.000 em, gồm cả nhiều sinh viên nhà cách trường không quá xa.
"Nhà trường thông báo tiếp nhận đăng ký ký túc xá và làm việc lúc 7h30 nhưng nhiều thí sinh và người nhà đến từ rất sớm. Ban đầu xếp hàng trật tự nhưng về sau, số lượng người đông lên dẫn đến không giữ hàng lối, mất trật tự. Đây là điều chúng tôi không mong muốn...", PGS Hải cho hay.
Ngay sau đó, bộ phận tiếp nhận hồ sơ đăng ký nguyện vọng ở ký túc xá đã rà soát, lần lượt giải quyết và xếp chỗ cho đối tượng chính sách trước theo đúng thông báo và đúng khả năng cung ứng thực tế của nhà trường.
Vị này cũng cho biết thêm, năm nay, giá thuê nhà trọ quanh khu vực trường tăng cao, cùng tâm lý lo lắng về công tác phòng cháy chữa cháy nên số lượng sinh viên đăng ký vào ở ký túc xá tăng. Nhiều trường hợp không nằm trong diện chính sách cũng đăng ký xin vào ở ký túc xá.
Để hỗ trợ tân sinh viên, Đại học Bách khoa Hà Nội cũng liên hệ với Ban quản lý khu ký túc xác sinh viên Pháp Vân để có phương án hướng dẫn đăng ký và đảm bảo ổn định chỗ ăn ở trước ngày đi học
Điều đáng nói, với số sinh viên có nhu cầu đăng ký ở KTX quá lớn, nhà trường đã nắm rất rõ. Nhưng việc để xảy ra sự hỗn loạn như sáng 28/8, là do khâu tổ chức tiếp đón của trường thiếu khoa học, chuyên nghiệp, thiếu cầu thị. Hi vọng phụ huynh, sinh viên sẽ không còn chứng kiến thêm cảnh “vỡ trận” ở các hoạt động tiếp theo của nhà trường.