+Aa-
    Zalo

    Võ sư “con nhà nòi” và lớp học truyền “lửa sống” cho võ sinh khuyết tật

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Nhiều năm qua, võ đường của thầy Hà Trọng Khánh là nơi đào tạo những võ sinh đặc biệt. Các võ sinh ở đây không bị tàn tật khuyết bàn tay, bàn chân thì cũng là trẻ mồ côi.

    (ĐSPL) - Nhiều năm qua, võ đường của thầy Hà Trọng Khánh là nơi đào tạo những võ sinh đặc biệt. Các võ sinh đặc biệt ở đây không bị tàn tật khuyết bàn tay, bàn chân thì cũng là trẻ thiểu năng, mồ côi. Tất cả đều được thầy Khánh truyền “lửa sống” và sự tự tin hòa nhập cộng đồng.

    Gieo tiếng thơm cho đời

    Trước đây, vùng đất miền Trung nắng gió vang danh vị võ sư được mệnh danh là “hùm xám” với vô số lần thượng đài bất bại. Thời đó, hễ nghe đến “hùm xám” Hà Trọng Sơn, bao võ sĩ đã lạnh sống lưng, ám ảnh bởi những cú đấm sấm sét, đôi chân nhanh như cắt. Võ sư Hà Trọng Sơn là người làng An Hòa, nay là xã Phước An, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định.

    Cho tới bây giờ, người ta vẫn còn nhắc đến “hùm xám miền Trung” Hà Trọng Sơn. Ít ai biết, con trai ông, võ sư Hà Trọng Khánh, cũng gây dựng tiếng thơm để đời khi đào tạo nhiều lớp võ sinh đặc biệt. Các võ sinh ông đào tạo với tất cả tấm lòng thiện nguyện đều là những võ sinh bị khiếm khuyết cơ thể, thiếu tự tin trong cuộc sống.

    Võ sư Hà Trọng Khánh bên các võ sinh khuyết tật.

    Võ sư Hà Trọng Khánh sớm được tiếp xúc với võ thuật từ năm 6 tuổi. Là “con nhà nòi” cộng với năng khiếu thiên bẩm, võ sư Khánh sớm thành danh trong làng võ Việt Nam lúc bây giờ. Giống như cha, những trận thượng đài trên khắp các võ đài từ Bắc chí Nam đã đưa tên tuổi võ sư Hà Trọng Khánh lên một tầm cao mới. Và sau cùng, giống như tất cả vị võ sư từng vang bóng một thời, sau những ngày tháng ngao du, ông “rửa tay, gác kiếm”. Dù vậy, niềm đam mê võ thuật cùng ý thức gìn giữ môn phái Tây Sơn cổ truyền đã thôi thúc ông mở lớp dạy võ ở nhiều nơi và cũng đã có không biết bao đệ tử thuần thục từng đòn đánh, đường quyền của Tây Sơn Võ Đạo.

    Bây giờ đã 58 tuổi, võ sư Khánh trở về sống an bình tại ấp 5, xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn, TP.HCM. Hàng ngày, ông vẫn đứng lớp “múa roi, đi quyền” bằng niềm đam mê và sự tận tụy đáng nể. Võ sư Hà Trọng Khánh chính là vị sư phụ đứng lớp võ miễn phí của hơn 40 võ sinh khuyết tật, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đang theo học. Đó là lớp võ sinh tại trung tâm Dạy nghề cho người khuyết tật và trẻ em mồ côi TP.HCM (trụ sở tại ấp 6, xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn). Lớp võ sinh ấy dĩ nhiên không phải là nơi dành cho các em ham thích võ thuật hay ước mơ thi đấu, biểu diễn lấy huy chương. Đó là nơi những người thầy tâm huyết truyền “lửa sống” cho những đứa trẻ kém may mắn thông qua võ thuật.

    Những ưu tư thiện nguyện

    Các võ sinh của võ sư Hà Trọng Khánh gồm 40 đứa trẻ là 40 hoàn cảnh gia đình, những số phận đáng thương khác nhau. Sau khi nhận dạy các em, để tiện cho việc giảng dạy, tập luyện, võ sư Khánh đã phải chia ra thành 3 lớp: Lớp khuyết tật các bộ phận cơ thể, lớp bại liệt ngồi xe lăn và lớp thiểu năng. Mỗi lớp có một huấn luyện viên đảm trách. Riêng ông đứng 1 lớp.

    Võ sư Khánh phân tích: “Nếu những động tác võ thuật hay những bài quyền với một em có năng khiếu thì nó quá đỗi bình thường nhưng với những học viên khuyết tật thì đó là cả một sự cố gắng, nỗ lực bởi từ nhỏ, các em không hề vận động mạnh. 6, xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn). Lớp võ sinh ấy dĩ nhiên không phải là nơi dành cho các em ham thích võ thuật hay ước mơ thi đấu, biểu diễn lấy huy chương. Đó là nơi những người thầy tâm huyết truyền “lửa sống” cho những đứa trẻ kém may mắn thông qua võ thuật.

    Võ sư Hà Trọng Khánh với những chiếc bằng khen của mình.

    Võ sư kể, khoảng 4 năm trước, khi dạy võ ở võ đường quận 12, ông vô tình bắt gặp một cô bé cụt tay đứng lấp ló ở ngoài cửa xem các bạn học. Tiếp xúc với cô bé, võ sư Khánh nhận thấy niềm đam mê võ học cháy bỏng trong ánh mắt đứa bé khuyết tật này. Thế rồi ông nhận cô bé vào học. Bằng sự nỗ lực, đam mê bản thân và sự tận tình chỉ dạy của ông, chỉ 1 năm sau, cô bé đã thành thạo các bài quyền, múa... dù cụt tay. Nhưng rồi những khó khăn trong cuộc sống đã khiến cô bé phải rời Sài Gòn về lại quê ở miền Tây cùng mẹ.

    Võ sư Hà Trọng Khánh chia sẻ: “Bé rất có năng khiếu. Bị tai nạn mất một tay phải, chỉ với một tay trái nhưng em học rất nhanh và múa quyền rất đẹp. Mới học chỉ chưa đầy 1 năm mà em đã làm tôi ngạc nhiên về khả năng võ thuật của bé. Tôi vui mừng vì nhận được một võ sinh có năng khiếu, nhiệt huyết và ham mê võ thuật như vậy. Điều mà tôi ít thấy ở những học viên cùng tuổi bé mà cơ thể lành lặn bình thường. Thế rồi một ngày, tôi không còn thấy em đến lớp học nữa. Hỏi thăm các bạn cũng không biết bé đi đâu. Tôi vội vàng điện thoại cho mẹ bé thì mới hay vì cuộc sống ở Sài Gòn khó khăn nên người mẹ đã đưa bé về quê miền Tây sinh sống. Vì sợ thầy buồn, bản thân em cũng buồn nên em về quê mà không dám chào tạm biệt thầy...”.

    Canh cánh nỗi niềm đó trong lòng, ông quyết định cùng nhiều võ sư khác mở lớp dạy võ từ thiện cho các trẻ em khuyết tật với gần 40 học viên. Võ sư Khánh nói rằng, khi có ý định thành lập trung tâm, ông chỉ nghĩ đến các em khuyết tật và không vì một mục đích nào khác. Có nhiều người đặt câu hỏi, sao phải dạy võ cho các em mà không dạy một cái nghề gì đó để các em tự kiếm tiền? Có ai đánh những người khuyết tật đâu mà dạy võ? Với ông, dạy võ cũng là cách để mình truyền lửa yêu thương cho các em, là cách để mình thổ lộ tình cảm với các em. Riêng phần các em, học võ là cách để khẳng định mình rằng các em cũng có thể làm được và làm hơn những gì người bình thường có thể làm, để các em không phải mặc cảm, hụt hẫng vì bản thân thua kém những người khác.

    Võ sư Khánh cũng hy vọng trong tương lai, nếu có điều kiện, ông sẽ mở một võ đường riêng để dạy võ cho các em khuyết tật giúp nâng cao thể lực, rèn luyện sức khỏe và quan trọng nhất là hòa nhập cộng đồng. Ngoài ra, ông cũng mong muốn mở được 1 phòng tranh để tạo công ăn việc làm lâu dài cho những em tàn tật. Dự tính là vậy, thế nhưng muốn làm từ thiện vấn đề cốt lõi vẫn là điều kiện kinh tế. Bước đầu Trung tâm đang từng bước đi vào hoạt động nên gặp phải những vấn đề nhất định về nhân sự và kinh tế. Tuy nhiên, vì những đứa trẻ khiếm khuyết, võ sư Khánh hy vọng khó khăn rồi sẽ qua...

    Nỗi lòng võ sư chuyên dạy người khuyết tật

    Võ sư Hà Trọng Khánh tâm niệm: “Có nhiều em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và chúng ta nên chung tay giúp đỡ. Nhiều em vì sự khó khăn ấy mà tự ti, mặc cảm nên tôi nghĩ ai đó phải vực dậy tinh thần cho các em. Bằng việc đào tạo võ thuật và truyền đạt kinh nghiệm sống, tôi hy vọng sẽ gieo vào trong các em tư tưởng không gì là không thể để sống tốt hơn”.

    HOÀNG MINH

    Xem thêm video:

    [mecloud]a4OwYkyeeI[/mecloud]

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/vo-su-con-nha-noi-va-lop-hoc-truyen-lua-song-cho-vo-sinh-khuyet-tat-a168221.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.