Vụ vỡ đê tại sông Trường Giang xảy ra sau khi khu vực trên hứng chịu mưa lớn kéo dài liên tục trong nhiều ngày, khiến hơn 9.000 người dân Trung Quốc phải sơ tán.
Đập Tam Hiệp của Trung Quốc xả nước hôm 29/6. Ảnh minh họa |
Theo Tân Hoa Xã, một đoạn đê dài khoảng 50 mét của sông Trường Giang, tại địa bàn huyện Phiên Dương, tỉnh Giang Tây, bị vỡ vào khoảng 20h35 tối 8/7 sau nhiều ngày mưa lũ ở Trung Quốc.
Vụ việc đã khiến hơn 9.000 người dân Trung Quốc phải sơ tán. Hiện chưa có thương vong nào được ghi nhận.
Đến 1h ngày 9/7, mực nước vẫn đang dâng cao, nhấn chìm toàn bộ đất nông nghiệp của làng Daocao ở khu vực lân cận.
Kể từ tháng trước, mưa với cường độ lớn kéo dài trong nhiều ngày đã khiến nhiều tỉnh, thành phố Trung Quốc đối mặt với tình trạng lũ lụt. Tại một số con sông, nước dâng cao ở mức báo động.
Giới chức Trung Quốc hôm qua tuyên bố rằng đập thủy điện lớn nhất Trung Quốc là Tam Hiệp vẫn đủ sức ứng phó với đợt lũ thậm chí lớn hơn trên sông Trường Giang.
Theo Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV), tính đến sáng 8/7, mưa lũ ở Trung Quốc đã khiến 132 người chết hoặc mất tích.
Giới chức thời tiết Trung Quốc cảnh báo, mưa lớn có thể tiếp diễn ở nhiều khu vực của nước này trong vài ngày tới.
Trung Quốc có hệ thống cảnh báo thời tiết gồm 4 tầng, được mã hóa bằng màu sắc. Màu đỏ tượng trưng cho sự khắc nghiệt nhất, tiếp theo là màu cam, vàng và xanh.
Trung tâm khuyên chính quyền địa phương nên cảnh giác lũ lụt, lở đất và khuyến nghị tạm dừng các hoạt động ngoài trời ở khu vực nguy hiểm.
Theo Tân Hoa Xã, hồ chứa sông Tây Nam ở Chiết Giang, dự án kiểm soát lũ lớn nhất tại phía đông Trung Quốc hôm 8/7 đã phải mở toàn bộ 9 cửa xã lũ. Đây là lần thứ 2 trong lịch sử toàn bộ các cửa xả lũ được mở kể từ khi công trình này hoàn tất vào năm 1959. Lần đầu tiên hồ này phải mở cả 9 cửa là vào năm 1966, khi hồ này được vận hành thử nghiệm.
Trong một diễn biến khác cùng ngày, hôm 8/7, Trung Quốc yêu cầu thực hiện nghiêm lệnh cấm đánh bắt cá trong lưu vực sông Dương Tử và đảm bảo sinh kế của ngư dân bị ảnh hưởng - theo thông tư của Văn phòng Hội đồng Nhà nước.
Vì lệnh cấm đánh bắt cá trong lưu vực sông Dương Tử là một biện pháp quan trọng để bảo vệ dòng sông và cải thiện môi trường sinh thái, chính quyền địa phương và các bộ phận liên quan cần đưa ra các chính sách và biện pháp cụ thể để đảm bảo thực hiện, thông tư cho biết.
Mộc Miên(T/h)