Cách đây không lâu, fanpage Nghệ An chia sẻ hình ảnh gia đình đông con, thu hút sự quan tâm đặc biệt của dân mạng. Theo đó, tổ ấm nhỏ của cặp vợ chồng Nghệ An, Hoàng Văn Thịnh và Nguyễn Thị Sâm (sinh năm 1972, huyện Diễn Châu Nghệ An) trong hơn 30 năm qua chưa từng vắng tiếng cười trẻ thơ.
"Ở độ tuổi U50, khi đã lên chức ông bà ngoại, vợ chồng ông Thịnh vẫn chào đón một cặp sinh đôi vào năm 2017. Tổng cộng, hai vợ chồng có 15 người con: 9 gái, 6 trai", trang mạng cho hay.
Kèm theo bài viết là bức ảnh vợ chồng ông Thịnh, bà Sâm quây quần bên con cháu. Netizen không khỏi bất ngờ trước đại gia đình đông thành viên, đồng thời nể phục cặp vợ chồng dám sinh nhiều con.
Chia sẻ trên báo Thanh Niên, ông Hoàng Văn Thịnh cho biết, 15 người con là con ruột của vợ chồng. Gia đình ông theo đạo Công giáo nên suy nghĩ con cái là món quà, càng đông con càng vui. Năm 1991, họ sinh con trai đầu lòng nhưng hiện người này đã mất. Năm 1993, vợ chồng đón con thứ hai, kể từ đó cứ cách một, hai năm lại sinh thêm một đứa.
Đến ngày 20/6/2017, bà Sâm sinh đôi hai bé gái tại Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM) trong lúc cả gia đình vào Sài Gòn du lịch, nâng tổng con số lên 15, gồm: 9 gái và 6 trai, hai bé út học lớp 2. Khi ấy cặp đôi đã khiến dư luận cả nước, nhất là các mẹ bỉm sữa choáng váng bởi thực tế nuôi 1-2 đứa trẻ đã khó khăn, nuôi tận 15 đứa thì cực đến nhường nào.
"Vợ chồng tôi đông con nên rất vất vả. Tuy nhiên, vì tình thương dành cho các con, gia đình đều cố gắng làm lụng, nuôi nấng trưởng thành. Tôi có 6 đứa con đã lập gia đình, đã có 16 người cháu. Vợ bằng tuổi tôi, đã ngoài 50 nên đã hết tuổi sinh nở nên chúng tôi quyết định dừng lại", ông Thịnh nói.
Và không để mọi người phải tò mò, ông Thịnh đã kể về nỗi cơ cực khi nuôi dạy “đàn con” dù đủ điều kiện kinh tế. Ông bảo nhà đông con có khó khăn nhưng cũng có niềm vui. Mỗi tháng, ông phải bỏ ra 15 triệu đồng để trang trải mọi chi phí sinh hoạt, học tập cho các con.
“Hồi đầu cuộc sống khó khăn, gia đình chỉ có mấy sào ruộng nhưng chúng tôi không bao giờ bỏ bê lũ trẻ. Sau đó tôi mới vay vốn ngân hàng tập tành kinh doanh, cuộc sống khá giả nên các con được ăn uống đầy đủ hơn. Bởi vậy những bé sau cao lớn và thông minh hơn các anh chị của chúng”, người đàn ông xứ Nghệ nói.
Nhà đông con, mỗi bữa cơm, ông Thịnh phải nấu khoảng 2kg gạo, mỗi lần mua sữa là mua vài thùng. Em nhỏ mặc lại quần áo của anh chị, dùng sách giáo khoa cũ.
“Đứa lớn phải trông đứa bé, phụ bố mẹ việc nhà. Con tôi tập tính tự lập từ bé, 8-9 tuổi đã biết chăm sóc các em. Khi các con còn nhỏ, vợ tôi thường dùng chiếc chuông nhỏ để đánh thức và tập hợp ăn cơm. Nghe tiếng chuông, các con chạy vào bếp, ngồi xuống ăn cơm. Ăn xong, mấy con lớn chia nhau dọn dẹp, rửa chén…”, ông Thịnh kể.
Buổi tối, các con lớn học bài, con nhỏ chơi cùng bố mẹ. Những con nhỏ được ngủ với bố mẹ. Với các con lớn hơn, chị em gái ngủ chung 1 phòng, anh em trai ngủ chung phòng khác.
"30 năm lấy nhau, sinh con đẻ cái, làm lụng cùng nhau mọi khó khăn vợ chồng đều vượt qua được. Ở quê ai cũng biết câu chuyện về gia đình tôi, nhiều người cũng ngưỡng mộ việc sinh con, chăm sóc của hai vợ chồng. Dù vất vả nhưng cũng có nhiều niềm vui, tôi vẫn nhớ hết tên của mấy đứa. Tuy nhiên, mỗi lần làm giấy tờ phải xem lại giấy khai sinh vì đông quá không nhớ chính xác được", ông Thịnh nói.
Dù qua nhiều lần sinh nở nhưng bà Nguyễn Thị Sâm (52 tuổi), vợ ông Thịnh sức khỏe vẫn ổn định. Ông Thịnh có nghề chính là kinh doanh bất động sản, bà Sâm ở nhà nội trợ, phụ việc kinh doanh cùng chồng.
Hiện tại, gia đình có đầy đủ điều kiện vật chất lẫn tinh thần. Cả nhà sống trong cơ ngơi khang trang, có ô tô. Ông Thịnh là chủ đầu tư của một loạt dự án bất động sản tại TP.HCM. Gia đình còn sở hữu các khách sạn ở Lâm Đồng, TP.HCM.
Khi các con đi vào nề nếp, bà Sâm không thích cảnh "ngồi mát ăn bát vàng". Bà làm trang trại trồng hàng trăm cây ăn trái, đào ao nuôi ốc, chăn thả gà vịt...
Những con lớn đã lập gia đình đều được bố mẹ cấp vốn, nhà, xe. Từ nền tảng đó, các con nỗ lực lao động, xây dựng mái ấm riêng hạnh phúc.
Theo Vietnamnet, ông bà có 6 người con đã lập gia đình, 1 người con không may mất sớm. Ngoại trừ 1 con gái định cư nước ngoài, các con còn lại đều sống gần bố mẹ.
Hoàng Tuyết (SN 2001) - người con gái thứ 5 của anh Thịnh và chị Sâm cho biết, hiện tại, trong 15 người con đã có 6 người con lập gia đình, sinh con đẻ cái. Ngoài một chị gái định cư ở Mỹ, hầu hết chị em của Tuyết đều sống gần cha mẹ.
“Nhà đông con nhưng chị em mình vẫn được lớn lên trong sự đủ đầy cả về vật chất lẫn tinh thần. Bố mẹ mình bận rộn đến đâu cũng dành sự quan tâm chu đáo cho từng đứa con”, Tuyết kể.
Bản thân Tuyết sau khi tốt nghiệp cấp 3 cũng kết hôn, sinh con. Bố mẹ luôn là tấm gương sáng của cô trong việc chăm sóc con cái, vun vén gia đình. Điều khiến Tuyết tự hào nhất ở bố mẹ là tấm lòng thiện lương. Bố mẹ cô hiện tại có 3 mái ấm với tổng số hơn 400 thành viên, chuyên cưu mang trẻ em bị bỏ rơi, người lang thang, cơ nhỡ.
“Mọi chi phí của ba mái ấm đều do bố mẹ mình chi trả. Còn việc trông nom, chăm sóc mọi người thì có các thầy, các bà hỗ trợ. Cứ đi đâu, gặp người lang thang, không có nơi ăn chốn ở, bố mình lại dẫn về mái ấm, cho họ ăn mặc đầy đủ”, Tuyết cho hay.