(ĐSPL) - Vòng xoáy của “nàng tiên nâu” đã cuốn cả hai vợ chồng trẻ vào vòng lao lý để lại gánh nặng là những đứa con thơ cho mẹ già gần 80 tuổi trông nom. Khoảng thời gian trong tù cải tạo cũng là khoảng thời gian day dứt của nữ phạm nhân về gánh nặng mình đã đẩy lên vai người mẹ già yếu ở nhà.
Vợ chồng nối gót vào tù
Ngồi trước mặt tôi là một nữ phạm nhân với nước da trắng, khuôn mặt rất hiền lành với những câu nói nhỏ nhẹ khi trả lời. Nữ phạm nhân đó tên Phạm Thị Xuân (SN 1970, trú tại khối Trường Xuân, thị trấn Tuần Giáo, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên), đang thụ án vì tội Mua bán trái phép chất ma túy. Xuân bị bắt ngày 3/7/2004, trong một chuyên án ma túy của cơ quan điều tra- Công an tỉnh Điện Biên. Với tội danh đó, Xuân bị kết án 20 năm và vào trại 5 – Yên Định, bộ Công an thụ án từ năm 2007.
Không chỉ có mình Xuân mà cả chồng của Xuân cũng thụ án tại đây với mức án chung thân. Hai vợ chồng Xuân đều nằm trong đường dây ma túy do ông trùm Chu Văn Hiếu cầm đầu đình đám một thời. Đây là vụ án ma túy lớn nhất năm 2006, được TAND TP.Hà Nội đưa ra xét xử với số lượng bị cáo bị tuyên án tử và án chung thân nhiều nhất. Những năm đó, huyện Tuần Giáo là một điểm nóng về ma túy. Và ông trùm Chu Văn Hiếu đã tổ chức một đường dây ma túy từ Sơn La, Điện Biên, về Hà Nội hết sức tinh vi, quy mô. Hiếu đã lôi kéo rất nhiều cặp vợ chồng tham gia vào đường dây này. Do hám lời, làm giàu bất chính, vợ chồng Xuân đã bị cuốn vào vòng xoáy kim tiền đó.
Chu Văn Hiếu ở thị trấn Tuần Giáo, Ðiện Biên là một tay anh chị về ma túy. Thường xuyên bán heroin cho vợ chồng Hiếu, Lý là Bùi Ðức Thiện, lái xe ở thị trấn Tuần Giáo và Bùi Ðức Thuận, nguyên là bộ đội biên phòng ở cửa khẩu Tây Trang (Ðiện Biên), giá trung bình 4.200 USD/bánh. Có lần, Thuận mang tới 20 bánh heroin đến nhà Hiếu "tiếp thị", nhưng Hiếu chỉ có 20.000 USD nên chỉ lấy 4 bánh heroin hết 17.000 USD.
Từ một người giúp việc vặt trong nhà, sau vài lần thử đi áp tải "hàng trắng", Trần Thị Nhớn đã được vợ chồng Hiếu, Lý đào tạo trở thành một kẻ buôn ma túy chuyên nghiệp. Sau khi nắm bắt mánh lới và quen biết các đối tác cung cấp “hàng trắng", Nhớn tách ra buôn riêng. Biết Thiện thường xuyên bán hàng cho Hiếu, Nhớn đã đặt mua của Thiện và Nguyễn Ðức Thịnh, một con nghiện ở xã Quài Cang, Tuần Giáo 4 bánh heroin. Ðể mua bán trót lọt tổng cộng 29 bánh heroin, Nhớn đã cấu kết với Mai Anh Văn, một tay anh chị làm bảo kê. Ngoài tham gia buôn 7 bánh heroin cùng Nhớn, Văn còn nhận làm "cò" môi giới chạy tội cho đồng bọn khi bị bắt.
Từ năm 1996 đến 2001, Trần Thị Nhớn, Mai Thị Hồng Luân cùng đồng bọn đã mua bán trái phép số lượng lớn ma túy liên quan đến đường dây ở tỉnh Điện Biên, Sơn La, Hà Tây và Hà Nội. Ngoài những hành vi phạm tội đã bị kết luận tại phần 1, quá trình điều tra, CQĐT đã tiếp tục làm rõ thêm đường dây ma túy do Chu Văn Hiếu, Mai Thị Hồng Luân, Trần Thị Nhớn, Lê Thị Thêm, Trần Thị Tiến
và đồng bọn là những kẻ cầm đầu tổ chức đã móc nối với các đối tượng là người ở vùng cao biên giới Việt - Lào, cán bộ biên phòng tại cửa khẩu Tây Trang để mua ma túy từ biên giới về Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên. Sau đó, chúng thuê vận chuyển về Hà Nội giao cho Hiếu, Luân, Tùng, Khánh để tiêu thụ tổng cộng 46 bánh heroin và 3,5kg thuốc phiện.
Sau hơn 1 tuần xét xử, chiều 15/12/2006, Hội đồng xét xử TAND TP.Hà Nội đã tuyên phạt đối với 23 bị cáo trong vụ án gồm 6 án tử hình, 12 án tù chung thân. Trong đó chồng của Xuân bị án chung thân, còn Xuân và 3 bị cáo khác mỗi bị cáo bị phạt 20 năm tù giam.
Nỗi day dứt để lại gánh nặng cho mẹ già
Ngày vợ chồng Xuân dính vào vòng lao lý, hai đứa con của Xuân còn nhỏ dại. Đứa lớn lúc đó mới chỉ 11 tuổi, còn đứa nhỏ thì mới 6 tuổi. Vợ chồng Xuân bị bắt, hai đứa trẻ phải nay đây mai đó để sinh sống.
Và khoảng thời gian thụ án cũng là khoảng thời gian mà Xuân day dứt nhất. Không phải vì mức án 20 năm tù còn kéo dài, mà nỗi day dứt của Xuân khi 2 đứa con thơ ở bên ngoài thiếu đi bàn tay chăm sóc của mẹ. Hai đứa trẻ phải nương tựa vào bà ngoại và bà nội lúc đó đều đã già. Mấy bà cháu hàng ngày phải rau cháo nuôi nhau qua ngày. Vì thế nỗi lo của Xuân về hai đứa con không bao giờ dứt.
Tâm sự về quãng thời gian những ngày đầu vào trại, Xuân cho biết: “Đó là khoảng thời gian mà tôi gặp khủng hoảng nhiều nhất. Có lẽ còn lo sợ hơn cả những ngày mới bị bắt và đưa ra xét xử. Lúc vào đây tôi nghĩ rằng cuộc sống thế là chấm hết, thế nên tôi đâm ra chán nản, suy sụp”. Nắm bắt được tâm lý những phạm nhân mới vào trại nên các cán bộ trại đã thường xuyên thăm hỏi, động viên, dần dần Xuân đã lấy lại được thăng bằng và cải tạo tốt. Xuân nói: “Nhờ những lời động viên của các cán bộ mà tôi đã nhận ra được sai lầm và yên tâm cải tạo tốt”.
Khi nói về những đứa con của mình, nét mặt của Xuân dường như giãn ra một chút. Xuân cho biết hai con ở cùng với các bà nhưng khá ngoan ngoãn. Do không có điều kiện nên đứa con trai lớn của Xuân chỉ học hết lớp 11 đã phải nghỉ học để đi làm nuôi em và bà. Hiện tại con trai Xuân đã lấy vợ, Xuân khẽ mỉm cười hạnh phúc: “Tôi đã được làm bà rồi, đó là niềm hạnh phúc rất lớn có được trong khoảng thời gian này”.
Ánh mắt nữ phạm nhân cũng thoáng buồn khi nhắc đến hoàn cảnh gia đình và những người mẹ già đang còn phải còng lưng kiếm sống cùng những đứa cháu: “Mẹ chồng và mẹ đẻ của tôi năm nay cũng đã già, đều gần 80 tuổi. Hoàn cảnh gia đình rất khó khăn nên không rõ cuộc sống thế nào. Hơn 6 năm nay tôi cũng chưa được gặp các con vì xa xôi và điều kiện kinh tế eo hẹp quá”.
Và nỗi day dứt nhất của Xuân trong bằng ấy năm cải tạo chính là nỗi ân hận về hành động của mình đã làm để rồi dính vào vòng lao lý. “Giá như không tham lam những đồng tiền kiếm được từ công việc bất chính thì những người thân của tôi không phải chịu đau khổ. Đáng lẽ vợ chồng tôi là những người chăm sóc con cái, phụng dưỡng mẹ già lúc tuổi xế chiều. Thế nhưng, ngược lại khi mẹ già phải thay chúng tôi nuôi các cháu ăn học. Khi già yếu cũng không có bàn tay của con cái phụng dưỡng bên cạnh”, và từ khóe mắt của Xuân những giọt nước mắt lăn xuống.
Nói về những dự định trong tương lai khi hết hạn cải tạo Xuân nói: “Khi được ra tù điều đầu tiên tôi muốn làm và nung nấu trong lòng là sẽ tự tay chăm sóc hai mẹ già, các con các cháu. Tôi muốn bù lại những tháng ngày mình không làm tròn bổn phận với những người thân. Chỉ có làm như vậy thì tôi mới bớt day dứt trong lòng khi để lại gánh nặng cho mẹ già và các con”. Xuân nói lời từ đáy lòng mình: “Tôi muốn xin lỗi mẹ và các con vì lỗi lầm của tôi. Mọi người hãy giữ gìn sức khỏe chờ ngày tôi về để làm lại tất cả”. Nói rồi, Xuân đưa tay gạt những giọt nước mắt lăn dài trên gò má thay cho những lời nhớ nhung.
Có lẽ có nhiều phạm nhân như Xuân sẽ phải mang nỗi day dứt đó khi dính vào vòng lao lý vì những việc làm vi phạm pháp luật và phải trả giá. Họ chỉ hiểu được giá trị của cuộc sống bên ngoài khi mất tự do. Giá như trước khi làm những việc phi pháp họ biết được hậu quả mà mình phải trả thì đâu có...
Thiên Long – Hàn Phong
[mecloud]tNgHckBgIj[/mecloud]