Tại thông báo kết luận thanh tra số 2323/TB-TTCP của Thanh tra Chính phủ (TTCP) về việc mua sắm trang thiết bị, kit xét nghiệm, vaccine, thuốc phòng, chống dịch COVID-19 tại Bộ Y tế và một số đơn vị thuộc Bộ tron giai đoạn từ 1/1/2020 đến 31/12/2021, TTCP cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được, một số gói thầu mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, kít xét nghiệm, vaccine, thuốc phòng, chống dịch COVID-19 còn có nhiều thiếu sót, sai phạm.
Đáng chú ý, theo TTCP, Bộ Y tế quản lý không chặt chẽ việc tiếp nhận vaccine từ Công ty TNHH AstraZeneca Việt Nam và việc tổ chức tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 của Công ty cổ phần vaccine Việt Nam (VNVC), dẫn đến VNVC giữ lại 73.504 liều vaccine để tiêm chủng (đã tổ chức tiêm 58.974 liều cho 68.099 người) không có trong kế hoạch tiêm chủng được phê duyệt của Bộ Y tế, không có sự kiểm soát của Bộ Y tế về đối tượng, quy trình theo Quyết định số 3588/QĐ-BYT ngày 26/7/2021 và mục đích tiêm phi thương mại theo quy định của Chính phủ.
Ngoài ra, Bộ Y tế chỉ đạo Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (VSDTTW) có văn bản đồng ý để VNVC được giữ lại 73.504 liều vaccine và tiếp nhận, phân bổ 1.067.700 liều vaccine (có hạn sử dụng ngắn đến 31/3/2022) cho các tỉnh, thành phố có nhu cầu để triển khai tiêm chủng là chưa phù hợp với chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 77/TB-VPCP ngày 19/3/2022. Nội dung này đang được Bộ Y tế tiếp tục báo cáo và xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Về VNVC, doanh nghiệp thành lập ngày 11/11/2016, ngành nghề kinh doanh chính là hoạt động y tế dự phòng và tiêm phòng. Thời điểm mới thành lập, vốn điều lệ của VNVC là 10 tỷ đồng, trong đó bà Nguyễn Thị Hà góp 3 tỷ đồng (30%), Nguyễn Thị Xuân góp 3 tỷ đồng (30%) và ông Ngô Chí Dũng góp 4 tỷ đồng (40%). Ông Ngô Chí Dũng (SN 1974) đồng thời cũng là Người đại diện Pháp luật kiêm HĐQT Công ty. Tại thời điểm 10/7/2020, vốn điều lệ của VNVC được tăng lên 140 tỷ đồng.
Sau 3 năm thành lập, VNVC trở thành hệ thống tiêm chủng tư nhân số 1 với doanh thu, lợi nhuận tăng theo cấp số nhân. Cụ thể, công ty lỗ thuần 1 triệu đồng trong năm 2016, lỗ 7,5 tỷ đồng năm 2017 và lỗ 39 tỷ đồng trong năm 2018. Tuy nhiên, bước sang năm 2019, VNVC gây ấn tượng mạnh với doanh thu 2.333 tỷ đồng, tăng gấp 5,2 lần so với năm 2018; lợi nhuận thuần VNVC ở mức 79,5 tỷ.
Trong năm 2020, doanh thu của VNVC tiếp tục tăng lên mức hơn 3.800 tỷ đồng, lãi hơn 90 tỷ đồng. Đến năm 2021, thời điểm đại dịch Covid-19 bùng phát, VNVC là doanh nghiệp đầu tiên nhập 117.600 liều vaccine từ hãng AstraZeneca.
Được biết, VNVC là thành viên trong "hệ sinh thái" của đại gia ngành dược Ngô Chí Dũng.
Doanh nhân sinh năm 1974 trước đó được biết đến nhiều với vai trò sáng lập và điều hành CTCP Dược phẩm Eco (Eco Pharma) - một tên tuổi lớn trong lĩnh vực nhập khẩu, phân phối thực phẩm chức năng. Eco Pharma và các sản phẩm mà nhãn này phân phối (Sâm Alipas Platinum, Sâm Angela Gold, Jex Max, Qik Hair,...) có độ phủ dày đặc trên các loại hình truyền thông.
Đây cũng là doanh nghiệp sở hữu chuỗi nhà thuốc đầu tiên tại Việt Nam đạt đủ 3 tiêu chuẩn WHO-GSP, GDP và GPP (Eco Pharmacy) và là pháp nhân lõi, "gà đẻ trứng vàng" trong "hệ sinh thái" của ông Dũng.
Năm 2019, công ty này báo doanh thu 1.681,4 tỷ đồng, tuy nhiên lợi nhuận chỉ ở mức 12,4 tỷ đồng, tương ứng biên lợi nhuận khiêm tốn 0,73%.
Trong lĩnh vực bệnh viện, gia đình ông Ngô Chí Dũng sở hữu Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh (Hoàng Như Tiếp, Bồ Đề, Long Biên, Hà Nội). So với 2 pháp nhân khác là VNVC và Eco Pharma, sự "hiện diện" của ông Ngô Chí Dũng tại Bệnh viện Tâm Anh kín đáo hơn rất nhiều khi không trực tiếp nắm giữ cương vị Tổng Giám đốc hay người đại diện theo pháp luật dù sở hữu 50% cổ phần trực tiếp (theo ĐKKD thay đổi ngày 1/12/2016).
Trong năm 2019, CTCP Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh ghi nhận doanh thu đạt 660,6 tỷ đồng, tăng 26% so với năm 2018, tuy nhiên lãi chỉ vỏn vẹn 1,1 tỷ đồng, giảm tới 97,3% so với năm trước đó.
Bên cạnh đó, tháng 7/2019 vừa rồi, ông Ngô Chí Dũng cùng vợ (bà Hà Thu Nga) và một người thân khác (bà Nguyễn Thị Tập) đã góp vốn sáng lập Công ty cổ phần Dinh dưỡng NutriHome (NutriHome).
Ông Dũng trực tiếp nắm giữ vị trí Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc công ty, đồng thời cũng là người góp vốn lớn nhất với 60% cổ phần; 40% cổ phần còn lại được chia đều cho bà Nga và bà Tập.
Bạch Hiền (t/h)