Theo tin tức cổ phiếu trên báo Người lao động, ngày 26/10, nhiều nhà đầu tư đã trải qua một phiên biến động rất mạnh của thị trường chứng khoán khi VN-Index rơi tự do, có lúc mất tới 52 điểm trước khi thu hẹp đà giảm 46 điểm (-4,19%) vào cuối phiên và chốt tại 1.055,45 điểm; HNX-Index và Upcom-Index cũng lần lượt giảm 5,3% và 3,25%. Đây là những mức giảm mạnh trên thế giới trong ngày hôm qua.
Ba sàn HoSE, HNX và UpCoM ghi nhận gần 1.000 cổ phiếu giảm giá, trong đó 164 mã rơi hết biên độ. Các công ty chứng khoán nhận định thị trường phản ứng với những thông tin liên quan Tập đoàn Vingroup.
Sáng 26/10, theo thông tin từ Bloomberg, tập đoàn Vingroup đang chào bán số trái phiếu có thể hoán đổi bằng đồng USD trị giá 300 triệu USD, đáo hạn vào năm 2028.
Vingroup sẽ được cung cấp số tiền cơ bản 250 triệu USD với tùy chọn tăng thêm 50 triệu USD trong cùng ngày. Lãi suất có thể giao động từ 9,5% đến 10%/năm, trả hàng quý. Đặc biệt, số trái phiếu có thể hoán đổi thành cổ phiếu của CTCP Vinhomes (mã chứng khoán: VHM)…
Ngay sau thông tin này, trên nhiều diễn đàn, các hội, nhóm đầu tư chứng khoán… bắt đầu xuất hiện những bình luận nhận định tiêu cực về thông tin liên quan đến trái phiếu Vingroup. Thậm chí, một số tài khoản facebook có lượng lớn nhà đầu tư theo dõi còn đăng những tin đồn, nhận định việc cổ phiếu VHM có thể bị pha loãng khiến cổ phiếu này bị dư bán sàn hơn 31 triệu cổ phiếu; cổ phiếu họ nhà Vingroup gồm VIC, VRE, VHM giảm sàn…
Những thông tin khiến nhà đầu tư hoang mang, từ đó kích hoạt làn sóng bán tháo cổ phiếu khi thị trường liên tục đi xuống mà không có điểm hồi phục bất chấp việc Tập đoàn Vingroup đã lên tiếng về tin đồn thất thiệt, thông tin rõ tối 25/10 tập đoàn đã hoàn thành giao dịch chào bán 250 triệu USD trái phiếu quốc tế. Trái phiếu này có thể hoán đổi thành cổ phiếu Vinhomes do Vingroup sở hữu chứ không phải phát hành thêm dẫn đến pha loãng.
Vingroup cho biết đây là trái phiếu hoán đổi trên thị trường quốc tế đầu tiên của một doanh nghiệp Việt Nam trong năm 2023 và đánh dấu sự quan tâm của nhà đầu tư quốc tế đến Vinhomes nói riêng và ngành bất động sản Việt Nam nói chung.
"Sáng 26/10, một số nhà đầu tư quốc tế tham gia giao dịch Vingroup phát hành trái phiếu hoán đổi đã bán cổ phần Vinhomes để hoàn tất giao dịch đầu tư vào trái phiếu (thực hiện hedging - phòng vệ giá). Đây là việc bán hedging giữa các nhà đầu tư với một số lượng hạn chế và Vinhomes không phát hành thêm cổ phần mới nên không có pha loãng", Vingroup khẳng định.
Về phía Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, đại diện cơ quan này khẳng định thị trường chứng khoán đang duy trì hoạt động ổn định, thể hiện qua thanh khoản cải thiện cũng như số lượng tài khoản nhà đầu tư mở mới liên tục gia tăng trong thời gian qua.
Cơ quan quản lý khuyến nghị nhà đầu tư cần nhìn nhận, đánh giá toàn diện về kinh tế vĩ mô, cũng như tiếp nhận các thông tin chính thống, cẩn trọng với tin đồn thất thiệt.
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng khuyến nghị các nhà đầu tư cần nhìn nhận, phân tích và đánh giá toàn diện về các yếu tố kinh tế vĩ mô, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, cũng như tiếp nhận các thông tin chính thống từ doanh nghiệp, đặc biệt là việc cẩn trọng với tin đồn thất thiệt, thiếu kiểm chứng, ảnh hưởng với quyết định đầu tư.
"Cơ quan quản lý Nhà nước sẽ giám sát chặt chẽ các giao dịch bất thường, kiểm tra các hành vi có dấu hiệu trục lợi, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật đối với các đối tượng tung tin đồn thất thiệt, giả tạo trên thị trường, gây ảnh hưởng tiêu cực tới tâm lý nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán", báo Vietnam Plus dẫn lời đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
Vân Anh (T/h)