(ĐSPL) - Theo HĐXX kháng cáo của Huyền Như “đòi” biệt thự 43 tỷ là không có căn cứ. Đơn “đòi” biệt thự của bà Lang cũng không có cơ sở.
VKS bác kháng cáo “đòi” biệt thự 43 tỷ đồng
Sáng nay 24/12, Tòa phúc thẩm, TAND Tối cao tại TP. HCM bước vào phần tranh luận, vị đại diện VKSND tối cao tại phiên tòa phúc thẩm đã đề nghị HĐXX hủy một phần bản án sơ thẩm, điều tra lại theo hướng Huỳnh Thị Huyền Như thêm tội “Tham ô tài sản” và kiến nghị khởi tố vụ án và bị can đối với 2 người.
Tin tức trên VOV, đối với kháng cáo của bà Lê Thị Ngọc Nga và bà Nguyễn Thị Lang – mẹ Huyền Như liên quan đến căn biệt thự 43 tỷ đồng, VKS nêu quan điểm rằng, chứng cứ cho thấy, Huyền Như mua của công ty đã thanh toán hơn 40 tỷ bằng tiền Như vay cá nhân và ngân hàng. Khi mua Như ký tên mẹ nhưng không nói cho bà biết. Sau đó Như cầm cố cho bà Nga.
Bà Nguyễn Thị Lang cũng khai nhà này do Như mua. Như vậy bà Lang chỉ đứng tên để cho Như mua biệt thự.
Việc cấp sơ thẩm tuyên duy trì kê biên là hoàn toàn đúng pháp luật. Mọi tranh chấp giữa Huyền Như và Nga nếu có sẽ giải quyết trong vụ án khác. Kháng cáo đòi giải tỏa kê biên của bà Nga không có căn cứ.
Bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như tại tòa phúc thẩm. (Ảnh Lao động) |
Vị đại diện VKSND tối cao giữ quyền công tố tại phiên tòa phúc thẩm cũng đã đề nghị HĐXX chấp nhận kháng cáo của 5 đơn vị gồm: Công ty chứng khoáng SBBS, Phương Đông, Công ty An Lộc, Hưng Yên và Bảo hiểm Toàn Cầu gửi hơn 1.000 tỷ đồng và đã bị Huyền Như lợi dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt.
Video tham khảo:
Siêu Lừa Huyền Như lãnh án chung thân, Vietinbank không phải bồi thường
VKS cho rằng bị cáo Như chỉ chiếm đoạt sau khi tiền đã vào tài khoản của Vietinbank, như vậy 5 công ty không có lỗi trong việc này. Việc bị cáo Như chiếm đoạt được là do lỗi của Vietinbank.
Theo VKS, Vietinbank là đơn vị quản lý nên phải có trách nhiệm bồi thường cho 5 công ty. VKS xác định, trong trường hợp này Vietinbank mới là bên bị hại, do đó Vietinbank phải yêu cầu bị cáo Như bồi thường tiền. Như vậy Vietinbank phải là nguyên đơn dân sự còn 5 công ty chỉ có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.
Cũng tại phần này VKS đã đưa ra những lập luận cho thấy bị cáo Như là người có chức vụ quyền hạn, và việc Như chiếm đoạt số tiền của 5 công ty trên được thực hiện trong thời điểm này.
Do đó VKS cho rằng hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn, sử dụng các con dấu, chữ ký giả để chiếm đoạt tài sản có thể truy tố Huyền Như với tội danh “tham ô tài sản”. Theo đó, ngoài tội danh mà bản án sơ thẩm đã tuyên Huyền Như “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, VKS đề nghị hủy một phần bản án sơ thẩm, điều tra lại theo hướng Huyền Như thêm tội danh “Tham ô tài sản”.
Từ các lập luận trên, VKS cho rằng HĐXX sơ thẩm đã xác định sai tư cách tố tụng của các bên liên quan.
VKS bác bỏ kháng cáo của hai ngân hàng ACB, Navibank
Liên quan đến kháng cáo của hai ngân hàng ACB và Navibank, Infornet thông tin cho hay, theo quan điểm của VKS, hoạt động ủy thác gửi tiền và ký hợp đồng cho nhân viên Navibank đi gửi tiền sang Vietinbank là vi phạm pháp luật, vi phạm quy định của NHNN, vi phạm chính sách tiền tệ của Nhà nước.
Bản thân nhân viên của hai ngân hàng này đã không có trách nhiệm, có thái độ bỏ mặc dẫn tới việc Huyền Như chiếm đoạt tiền.
Cũng theo VKS thì ACB và Navibank đã vi phạm các chính sách tiền tệ của nhà nước, do đó phải chịu trách nhiệm về hành vi sai trái của mình và trong trường hợp của hai ngân hàng này Vietinbank không có lỗi.
Do đó, quan điểm của VKS tại tòa phúc thẩm là bác bỏ kháng cáo của hai ngân hàng ACB, Navibank và nhân viên của các ngân hàng này.
Theo VKS, trong trường hợp này, Vietinbank không có lỗi, bản án sơ thẩm đã tuyên đúng pháp luật. Việc xác định hai ngân hàng ACB và Navibank tham gia tố tụng với tư cách nguyên đơn dân sự là hoàn toàn đúng pháp luật. Huyền Như phải bồi thường cho Navibank, và ACB.