Lịch sử dịch tễ của Virus Nipah
Vào những năm 1998-1999, Malaysia và Singapore là 2 quốc gia ghi nhận đợt bùng phát đầu tiên của virus Nipah 9 trên người và heo.
Sau đó, đến Bangladesh, Tây Bengal (Ấn Độ) năm 2001; Philippines năm 2014; Kerala (Ấn Độ) năm 2018 và tái phát như hiện nay.
Sự bùng phát virus Nipah tại bang Kerala miền nam Ấn Độ, có 6 ca nhiễm virus, trong đó có 2 ca tử vong, 1 ca thở máy - là bé trai 9 tuổi. Hơn 700 người bao gồm cả nhân viên y tế đã được xét nghiệm.
Con đường lây nhiễm của Virus Nipah
Virus Nipah có thể lây nhiễm qua 3 con đường, trực tiếp từ dơi sang người, hoặc qua trung gian từ thức ăn của dơi, từ dơi sang động vật khác qua người, từ người mắc bệnh qua người qua nước tiểu, nước bọt, dịch hầu họng, qua giọt bắn, trực tiếp hoặc gián tiếp qua quá trình tiếp xúc chăm sóc, vật dụng lây nhiễm...
Vật chủ mang mầm bệnh chủ yếu là ở một loài dơi ăn quả, virus từ loài dơi này sẽ lây truyền sang một số động vật khác như chó, mèo, lợn, dê… Khi chúng ta tiếp xúc trực tiếp hoặc ăn uống những thực phẩm có chất dịch của động vật mang mầm bệnh, khả năng cao bản thân đã bị nhiễm virus Nipah. Ngoài ra, bệnh còn có thể lây từ người sang người.
Triệu chứng và mức độ nguy hiểm của Virus Nipah
Người nhiễm virus Nipah có biểu hiện triệu chứng chủ yếu ở hệ thần kinh và hô hấp. Một số bệnh nhân không có triệu chứng. Thời gian ủ bệnh từ 7-40 ngày nên dễ bỏ sót trong khâu giám sát.
Triệu chứng khởi phát thường sốt đột ngột, nhức đầu, đau cơ, buồn nôn, nôn ói, dấu hiệu não như cổ cứng, sợ ánh sáng, ho khó thở, đau ngực, X-quang tổn thương phổi. Ngoài ra, người bị nhiễm có thể bị tổn thương tim, thay đổi chức năng cơ bóp cơ tim.
Khoảng 60% diễn tiến nhanh, xấu dần, rơi vào hôn mê trong vòng 5-7 ngày, co giật toàn thân xảy ra ở 20% các bệnh nhân.
Khi bệnh trở nặng sẽ xuất hiện các triệu chứng như: các cơn rung giật cơ như cơ chi trên, cơ cổ, cơ hoành, rối loạn tiểu não (mất điều hòa phối hợp động tác, loạng choạng, rung chi, mất phản xạ, tổn thương cuống não, gây đồng tử co nhỏ không phản ứng với ánh sáng, bất thường phản xạ mắt búp bê), nhịp tim nhanh, tăng huyết áp...
Một số trường hợp ban đầu không có biểu hiện triệu chứng hoặc nhẹ, sau đó biểu hiện thần kinh muộn, sốt nhức đầu co giật, chụp cộng hưởng từ (MRI) ghi tổn thương dạng mảng rải rác khắp não, người bệnh có tình trạng mệt mỏi kéo dài, rối loạn giấc ngủ.
Đừng chủ quan với Virus Nipah
Bệnh nhân nhiễm virus Nipah sẽ được lấy dịch mẫu tủy xét nghiệm PCR tìm tác nhân và xét nghiệm sinh hóa ghi nhận tế bào tăng (đa số lympho), đạm tăng...
Bệnh dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác với các triệu chứng không điển hình như đau họng, ho, sốt, khó thở, nhức đầu, nôn mửa.
Khi ở giai đoạn nặng, người bệnh sẽ gặp các triệu chứng nghiêm trọng như rối loạn tri giác, co giật, hôn mê, suy hô hấp, viêm não và có thể dẫn đến tử vong trong vòng 24-48 giờ tiếp theo.
Hiện nay, bệnh do virus Nipah gây ra chưa có vaccine phòng ngừa và thuốc điều trị đặc hiệu. Do đó công tác giám sát ngăn ngừa nguồn lây đóng vai trò quan trọng.
Trước tình hình này, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho hay bệnh chưa ghi nhận tại Việt Nam. Ngành y tế TP tiếp tục tăng cường giám sát các trường hợp đi về từ vùng dịch, thông tin từ báo Tuổi Trẻ.
Cụ thể vẫn thực hiện giám sát 24/24 người nhập cảnh tại các cửa khẩu quốc tế (cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất và cảng hàng hải TP.HCM) nhằm phát hiện sớm các trường hợp sốt hoặc có dấu hiệu nghi bệnh truyền nhiễm nguy hiểm để cách ly, xử trí kịp thời ngay tại cửa khẩu.
HCDC cũng lưu ý hành khách đi về từ vùng dịch, nếu có các triệu chứng nghi mắc bệnh như sốt, nhức đầu từ 3-14 ngày cùng với các dấu hiệu hô hấp (ho, đau họng và khó thở) cần liên hệ ngay với cơ sở y tế để được tư vấn và điều trị kịp thời.
Nguyễn Linh(T/h)