Theo các chuyên gia, khả năng lây nhiễm Covid-19 từ thực phẩm đông lạnh vẫn có nhưng không cao.
Giáo sư Dale Fisher, cố vấn cấp cao về bệnh truyền nhiễm của Bệnh viện Đại học Quốc Gia Singapore cho biết chủng virus Corona gây nên đại dịch Covid-19 có thể tồn tại ít nhất 3 tuần ở nhiệt độ 4oC.
Đây là kết luận ông đưa ra sau khi thực hiện một nghiên cứu đưa virus Sas-CoV-2 vào tôm, cá hồi và thịt lợn trong vòng 3 tuần – một khoảng thời gian đủ dài để các thực phẩm này được mang đi xuất khẩu hoặc bán ra.
Vị giáo sư này nhắc nhở mọi người nhớ rửa tay và nấu đồ ăn cẩn thận, đồng thời cảnh báo rằng, “người đầu tiên lấy thịt đông lạnh ra khỏi hộp và đưa lên chạm vào miệng" có thể sẽ trở thành bệnh nhân mới.
Giáo sư Dale Fisher (bên phải) trong cuộc gặp với Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus tháng 3/2019. Ảnh: Twitter |
Lây nhiễm Covid-19 qua thực phẩm đông lạnh trở thành chủ đề nóng những ngày qua sau khi New Zealand ghi nhận những ca lây nhiễm mới trong cộng đồng sau 102 ngày không có ca mắc Covid-19 nào. Việc này khiến thành phố Auckland bị phong tỏa 12 ngày.
Điều đáng nói là, 4 trong số những ca nhiễm mới là nhân viên làm việc tại một kho đông lạnh, dấy lên nghi ngờ họ bị mắc Covid-19 do tiếp xúc với hàng đông lạnh nhập khẩu trước khi lây cho những người khác.
Mới đây, Trung Quốc cũng phát hiện virus corona trên cánh gà đông lạnh nhập khẩu từ Brazil cũng như trên bao bì đựng tôm của Ecuador. Vào thàng 6 vừa qua, chủng virus này cũng được tìm thấy trên một chiếc thớt dùng để thái cá hồi nhập khẩu ở một khu chợ tại Bắc Kinh (Trung Quốc). Hơn 200 ca nhiễm được phát hiện sau đó đều liên quan đến khu chợ này.
Giáo sư Ooi Eng Eong, phó giám đốc Dự án Các bệnh truyền nhiễm của Trường Y khoa Duke-NUS (Singapore) cho biết: “Tôi cảm thấy rằng mặc dù Covid-19 vẫn có thể lây nhiễm thông qua các thực phẩm không được xử lý đúng cách nhưng nguy cơ lây lan không cao”. Giáo sư này giải thích rằng, tiêu chuẩn tối thiểu được quốc tế chấp nhận về việc xử lý thực phẩm nhằm ngăn chặn mầm bệnh cũng có thể “chặn đứng” chủng virus này.
Các chuyên gia nhận định khả năng lây nhiễm Covid-19 từ thực phẩm vẫn có nhưng không cao. |
Giáo sư Hsu Li Yang, một bác sĩ về bệnh truyền nhiễm tại Trường Y tế công đồng Saw Swee Hock cũng đồng tình với ông Ooi Eng Eong khi đưa ra ý kiến: “Xác suất lây nhiễm từ thực phẩm vô cùng nhỏ, trong khi nguy cơ lây bệnh từ những người không có hoặc có triệu chứng nhẹ lại cao hơn rất nhiều”.
Trong khi đó, giáo sư Teo Yik Ying, hiệu trưởng Trường Y tế cộng đồng Saw Swee Hock, nhận định nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2 từ thực phẩm cho người tiêu dùng bình thường là rất thấp, nhưng có thể sẽ cao hơn đối với những người làm việc trong các cơ sở thực phẩm đông lạnh chuyên xử lý hàng nhập khẩu mỗi ngày.
Cơ quan quản lý thực phẩm Singapore cho biết họ hiện đang theo dõi sát sao tình hình và sẽ có những hành động cần thiết để bảo vệ an toàn thực phẩm ở nước này, dù chưa có bằng chứng nào cho thấy virus Corona có thể truyền từ người sang thực phẩm hoặc bao bì chứa thực phẩm.
Đinh Kim(Theo The Straits Times)