+Aa-
    Zalo

    Vĩnh biệt nhạc sỹ An Thuyên - Người cả đời nặng lòng với dân ca, với xứ Nghệ

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Ngày 3/7, những người dành tình cảm đặc biệt cho nhạc sỹ An Thuyên – cây đại thụ trong làng âm nhạc VN không muốn tin rằng, tác giả của nhiều ca khúc nổi tiếng đã ra đi..

    Ngày 3/7, những người dành tình cảm đặc biệt cho nhạc sỹ An Thuyên – cây đại thụ trong làng âm nhạc VN không muốn tin rằng, tác giả của nhiều ca khúc nổi tiếng đã ra đi...

    An Thuyên là một nhạc sĩ nổi tiếng, gắn liền với làng quê Việt Nam. Ông gây ấn tượng cho bạn bè, đồng chí, đồng nghiệp và học trò bởi sự hồn hậu, dung dị nhưng cũng đầy phong trần, rất nghệ sỹ. Ông là người thầy lớn, đã đào tạo thành danh nhiều lớp ca sỹ nổi tiếng như: Thu Hiền, Trọng Tấn, Tố Nga, Anh Thơ, Quang Linh...

    An Thuyên sáng tác khá đều tay. Công chúng biết đến ông và mến mộ ông qua các ca khúc như: Em chọn lối này, Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác, Hành quân lên Tây Bắc, Khi xe tăng qua miền quan họ, Thơ tình của núi, Chín bậc tình yêu, Huế thương, Hà Tĩnh mình thương, Neo đậu bến quê, Mẹ Việt Nam anh hùng, Ca dao em và tôi...

    Tuy nhiên, An Thuyên chiếm trọn được trái tim của mọi người yêu nhạc Việt Nam bằng những bài viết đầy âm hưởng và chất liệu của Xứ Nghệ: Neo đậu bến quê, Hà Tĩnh mình thương, Ca dao em và tôi...

    Ở nhạc sỹ An Thuyên toát lên nét dung dị, hồn hậu, đầy phong trần mà rất nghệ sỹ

    Sinh thời, ông từng chia sẻ: “Tôi đã được lớn lên trong dòng sữa âm nhạc dân gian. Nhưng điều đấy không có nghĩa là chất liệu đó sẽ tự vào trong sáng tác của mình. Ðiều cốt lõi là người nhạc sỹ phải biết nâng niu, gọt giũa, kết hợp cái thuần t​úy thắm đượm của âm nhạc dân gian, cái tri thức âm nhạc dân gian với tri thức âm nhạc bác học hiện đại. Có như vậy mới tạo ra được những tác phẩm tân thời hiện đại mà đậm đà chất liệu dân ca”.

    Trước sự ra đi của một cây đại thụ trong làng âm nhạc Việt Nam, những nghệ sĩ đã thành danh hôm nay, từng trưởng thành dưới sự dạy dỗ và gắn bó với An Thuyên không nén nổi những buồn đau, xúc động...

    Từ TP Hồ Chí Minh, nghệ sỹ Tố Nga đã khóc nức nở: “Không có thầy (nhạc sỹ An Thuyên – PV) thì không có em của ngày hôm nay. Đây là cú sốc quá lớn đối với bản thân em và bạn bè em – những học trò ruột của thầy”.

    Ca sỹ Tố Nga, một trong những thế hệ học trò may mắn được nhận sự dìu dắt, dạy dỗ của người thầy An Thuyên

    Tố Nga kể rằng: Năm 1998, Nga bắt đầu vào học ở Trường Cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật Quân đội (nay là Đại học Văn hóa - Nghệ thuật Quân đội). Năm 1999, hồi đó Nga nhỏ gầy nên được thầy An Thuyên gọi là “bé hạt tiêu”. Biết Nga là người Hà Tĩnh, có giọng hát trong trẻo, trữ tình nên tác giả An Thuyên đã chọn để thể hiện bài Hà Tĩnh mình thương. Đây là bài hát đặc biệt khi ca sỹ vừa thể hiện, nhạc sỹ vừa viết lời.

    Nga kể: “Em vừa thu thanh lời 1, thầy ngồi viết lời 2 cho bài Hà Tĩnh mình thương”. Và rồi, em đã bắt đầu thành công trên con đường âm nhạc từ bài hát đó. Ca khúc này, về sau em từ chối thu thanh trở lại; đơn giản là vì lần đầu tiên ấy, nó đầy ắp kỷ niệm với em. Sau này nữa, ca khúc Ca dao em và tôi cũng là do thầy chọn. Đây là bài hát tiếp nối các ca khúc của nhạc sỹ An Thuyên sáng tác mà gắn với các giải thưởng âm nhạc lớn em đạt được.. Nhớ có một lần, đang thể hiện ca khúc, chợt phát hiện thầy An Thuyên ngồi dưới lắng nghe, em đã cảm động mà quên mất một đoạn lời. Đó có lẽ là kỷ niệm không bao giờ em quên trong sự nghiệp ca hát. Hình ảnh người thầy đáng kính chắc chắn sẽ luôn ở đó, thôi thúc em phấn đấu hơn nữa. Bởi em biết, học trò nên người, thành công, thầy chắc chắn sẽ mỉm cười...".

    “Thầy mất, đó là cú sốc lớn, quá đau buồn với cá nhân em”, nghẹn ngào nên Nga xin dừng cuộc trò chuyện. Chúng tôi chỉ có thể có được cuộc tiếp xúc ngắn khi Tố Nga đang làm các thủ tục để hủy bỏ một số Show diễn ở TP Hồ Chí Minh và Cà Mau để kịp về Hà Nội dự lễ tang người thầy khả kính của mình.

    Nghệ sỹ nhân dân Hồng Lựu (Phó Giám đốc Trung tâm bảo tồn và phát huy di sản dân ca xứ Nghệ) tạm dừng tiết mục trong một đêm diễn, để lau nước mắt. Chị vẫn còn chưa hết bàng hoàng khi nhận tin dữ sau buổi tập luyện ở sân khấu nhà hát dân ca. NSND Hồng Lựu nén lòng tâm sự: “Buồn lắm em ạ! Chú An Thuyên mất, nghe tin này, nhiều người trong đoàn bất ngờ và đau xót. Chú là con người nhiệt tình, nhiệt tâm vô cùng. Ngày trước, chú là một trong những người đầu tiên đi điền giã, sưu tầm, nghiên cứu: ví, giặm. Thời đó, được nghe chú kể về các bác, các chú vất cả, khổ cực đi điền giã, sưu tầm…, những nghệ sĩ bé nhỏ như chị đây tự hào lắm. Chính chú An Thuyên đã tiếp thêm sức mạnh để bản thân chị thêm yêu, thêm cố gắng cống hiến cho bộ môn này. Thế mà, chú ra đi đột ngột quá!”.

    Sự ra đi đột ngột của nhạc sĩ An Thuyên khiến NSND Hồng Lựu bàng hoàng

    Kể về kỷ niệm với Thiếu tướng An Thuyên, nghệ sỹ Hồng Lựu cho biết: Năm ngoái, khi hay tin Trung Quốc gây hấn ở Biển Đông, nhạc sỹ An Thuyên đã gọi điện thoại cho chị và hát chị nghe bài “Bắc cầu ra Trường Sa, Hoàng Sa”. Cũng từ cái ý tưởng đó, nghệ sỹ Hồng Lựu đã dựng hẳn một chương trình mang tên “Lời biển gọi”. Đó là chương trình thành công ngoài mong đợi.

    Sự ra đi quá đỗi bất ngờ của Thiếu tướng, nhạc sỹ An Thuyên là sự mất mát lớn lao vô hạn của làng âm nhạc Việt Nam; sự đau xót chung của rất nhiều những thế hệ học trò, những người mến mộ dành tình cảm đặc biệt cho nhạc sỹ.

    Vĩnh biệt nhạc sỹ An Thuyên - Nhạc sỹ của thôn ca

    An Thuyên, một người con sinh ra ở xứ Nghệ. Ông là người đã tạo nên tên tuổi mình, những sản phẩm âm nhạc, bằng chính những chất liệu dân dã của quê hương mình, đó là: Muối mặn, gừng cay, con cá mát, bát chè xanh, áo tơi, ruộng đồng, bãi ngô…

    Hôm nay, đâu đó vẫn còn văng vẳng lời ca, tiếng ru và tiếng khóc nghĩa tình trong trích đoạn Ca dao em và tôi: “Một ngày bằng mấy trăm năm…hỡi người”. Vĩnh biệt nhạc sỹ An Thuyên!

    Nhạc sỹ An Thuyên tên đầy đủ là Nguyễn An Thuyên, sinh ngày 15/8/1949 tại xã Quỳnh Thắng, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An).

    Ông bắt đầu công tác ở Ty Văn hoá Nghệ An từ năm 1967 và đã được trực tiếp tham gia công tác sưu tầm nghiên cứu dân ca dưới sự chỉ đạo của các lãnh đạo ngành. Năm 1977, An Thuyên công tác ở Đoàn Văn công Quân khu IV. Từ năm 1981 đến năm 1988, ông được cử đi học ở Nhạc viện Hà Nội, môn Sáng tác âm nhạc (bậc đại học). Sau khi tốt nghiệp, năm 1988, ông về Phòng Văn nghệ Quân đội và đến tháng 8/1992, nhạc sỹ này về công tác ở Trường Nghệ thuật Quân đội.

    An Thuyên nguyên là Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa - Nghệ thuật Quân đội, Thiếu tướng QĐND Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhạc sỹ Việt Nam.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/vinh-biet-nhac-sy-an-thuyen---nguoi-ca-doi-nang-long-voi-dan-ca-voi-xu-nghe-a100863.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.