6 tháng đầu năm 2023, trong môi trường kinh doanh đầy thách thức, doanh thu của ngành FMCG (hàng tiêu dùng nhanh) tiếp tục giảm. Trong đó, quý đầu năm là quý giảm mạnh nhất do áp lực lạm phát gia tăng và hiệu ứng dự trữ trong năm 2022. Theo báo cáo của Kantar Worldpanel, công ty nghiên cứu thị trường hàng đầu thế giới, niềm tin của người tiêu dùng đang quay trở lại kể từ quý II/2023.
Nửa đầu năm nay, ngành hàng tiêu dùng có mức độ phục hồi còn khá chậm, đặc biệt chịu ảnh hưởng bởi Vĩnh Hoàn (giảm 48%), Sabeco (giảm đến 30%). Tuy nhiên, riêng Vinamilk (VNM) lại duy trì tốc độ tăng trưởng 1 chữ số, tăng 6% so với cùng kỳ.
Trong báo cáo mới nhất, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết, việc tăng giá bán chính là nguyên nhân giúp biên lợi nhuận gộp của một số công ty cải thiện. Do nguyên liệu giá thấp vẫn chưa được đưa vào sử dụng trong nửa đầu năm.
Theo giới phân tích, việc giảm giá sữa bột nguyên liệu đầu vào đã khiến cho biên lợi nhuận gộp của Vinamilk được cải thiện. VDSC nhận định, việc cải thiện về chi phí sẽ thúc đẩy lợi nhuận ròng của VNM chuyển sang tăng trưởng dương trong năm 2023.
Bên cạnh đó, Vinamilk đã cho ra mắt nhận diện thương hiệu mới với hy vọng lấy lại đà tăng trưởng trong bối cảnh kinh tế vĩ mô nhiều biến động.
Về tình hình tài chính, Vinamilk công bố báo cáo tài chính Quý II/2023 với tổng doanh thu hợp nhất đạt 15.213 tỷ đồng, tăng 1,7% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu thuần nội địa đạt 12.789 tỷ đồng, tăng trưởng nhẹ 2,5% so với cùng kỳ.
Một điểm sáng khác trong bức tranh kinh doanh của Vinamilk là sự cải thiện về biên lợi nhuận. Biên lợi nhuận gộp (LNG) hợp nhất Quý II/2023 đạt 40,5%, tăng 170 điểm cơ bản so với quý trước và tương đương với cùng kỳ 2022.
Chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp hợp nhất Quý II/2023 là 3.630 tỷ đồng, tương đương 23,9% trên doanh thu thuần. Chi phí này xấp xỉ bằng với cùng kỳ 2022, trong khi doanh thu có sự tăng trưởng, cho thấy hiệu quả đầu tư trong các hoạt động bán hàng và các hoạt động khác.
Doanh thu tài chính hợp nhất Quý II/2023 đạt 384 tỷ đồng, tăng 42 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước. Các biến động thu nhập trong hoạt động tài chính chủ yếu đến từ lãi tiền gửi và chi phí lãi vay cao hơn so với cùng kỳ.
Kết quả, lợi nhuận sau thuế hợp nhất của doanh nghiệp này đạt 2.229 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ 2022 và tăng nhanh hơn so với mức tăng trưởng của doanh thu nhờ biên LNG cải thiện đáng kể và các chi phí được quản lý hiệu quả.
Lũy kế 6 tháng, tổng doanh thu và lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt lần lượt 29.167 tỷ đồng và 4.135 tỷ đồng, tương ứng hoàn thành 46% và 48% kế hoạch cả năm.
Trong Quý II, Vinamilk cũng công bố thông tin mang tính điểm nhấn trong chiến lược phát triển bền vững khi có Nhà máy sữa và Trang trại bò sữa đầu tiên đạt trung hòa Carbon tại Việt Nam, đồng thời công bố lộ trình để đạt Net Zero vào năm 2050. Đây cũng là một mũi nhọn chiến lược được ban lãnh đạo công ty xác định đẩy mạnh trong thời gian tới và sẽ tạo ra nhiều chuyển đổi lớn trong sản xuất, kinh doanh theo hướng bền vững.