Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) vừa trình phương án cổ phần hóa lên Bộ Giao thông Vận tải, với mức giá khởi điểm (mức giá ban đầu bán ra bên ngoài) là 22.300 đồng/cổ phần.
Theo phương án cổ phần hóa, hình thức cổ phần hóa của Tổng công ty là giữ nguyên phần vốn Nhà nước và phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ. Ngoài 75\% cổ phần nhà nước (phần vốn nhà nước được giữ nguyên), 25\% số cổ phần sẽ được bán ưu đãi cho cán bộ nhân viên, chào bán cho nhà đầu tư chiến lược và bán đấu giá công khai.
Cụ thể, 11,3 triệu cổ phần sẽ được bán ưu đãi cho cán bộ nhân viên theo thâm niên công tác; 9,6 triệu cổ phần bán ưu đãi cho cán bộ nhân viên mua theo cam kết làm việc lâu dài; 282 triệu cổ phần bán cho nhà đầu tư chiến lược (chiếm 20\% vốn điều lệ); 48,8 triệu cổ phần sẽ được bán đấu giá công khai…
Số cổ phiếu phát hành lần đầu là 1.410 triệu, mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu (giá trị danh nghĩa theo quy định). Vốn điều lệ dự kiến của Vietnam Airlines là 14.101 tỉ đồng.
Dự kiến sau cổ phần, thặng dư vốn của Vietnam Airlines sau cổ phần hóa là 1.043 tỉ đồng, phần thặng dư của cổ đông nhà nước giữ lại để tăng vốn đầu tư của nhà nước là 3.129 tỉ đồng, quy mô vốn điều lệ sau cổ phần của Vietnam Airlines là 15.144 tỉ đồng.
Tại cuộc họp thẩm định phương án cổ phần hóa Vietnam Airlines ngày 20/6, tại Bộ Giao thông Vận tải, ông Phạm Ngọc Minh, Tổng giám đốc Vietnam Airlines cho biết, trong giai đoạn 1 thực hiện trong năm 2014, với tổng khối lượng phát hành lần đầu cho nhà đầu tư chiến lược và các nhà đầu tư khác 25\% vốn điều lệ (tỷ lệ nhà nước sở hữu là 75\% vốn điều lệ sau cổ phần hóa).
Tuy nhiên, đến giai đoạn 2 sẽ phát hành thêm cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài hoặc phát hành thêm cổ phiếu trên thị trường trong nước và quốc tế để giảm dần tỷ lệ sở hữu của Nhà nước xuống không thấp hơn 65\%.
Theo phương án cổ phần hóa, Vietnam Airlines sẽ tổ chức đấu giá công khai thông qua Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM, thời gian trong 3 tháng kể từ ngày phương án cổ phần hóa công ty mẹ Vietnam Airlines được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đơn vị tư vấn bán đấu giá cổ phần là Công ty Cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam.
Đối với nguồn vốn thặng dư sau cổ phần hóa, Vietnam Airlines kiến nghị được phép giữ lại toàn bộ để để tăng vốn điều lệ làm cơ sở bổ sung nguồn vốn mua máy bay.
Hãng này cũng kiến nghị tiếp tục được thực hiện cơ chế Chính phủ bảo lãnh miễn phí 100\% vốn mua máy bay, động cơ máy bay…; cho phép miễn áp dụng quy định về tài sản thế chấp với các khoản vay để thực hiện mua máy bay A350 và B787.
Khi thực hiện cổ phần hóa, Vietnam Airlines cũng đề nghị giữ lại tên Tổng công ty Hàng không Việt Nam và tên viết tắt Vietnam Airlines.
Tại cuộc họp trên, ông Minh cho biết, tại thời điểm công bố giá trị doanh nghiệp Tổng công ty không có lao động nào thuộc diện dôi dư cần phải sắp xếp lại. Số lao động 10.180 người vẫn giữ nguyên sau cổ phần hóa.
Ông Minh cũng cho biết, để đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa cũng như đảm bảo sự thành công trong công tác cổ phần hóa, Tổng công ty sẽ triển khai đồng thời công tác bán chiến lược và bán đấu giá công khai.
Ngay sau khi phương án cổ phần hóa được phê duyệt, Tổng công ty sẽ tổ chức triển khai bán chiến lược theo quy trình bán chiến lược do tư vấn tài chính quốc tế Morgan Stanley, Citigroup xây dựng và quản lý cho Vietnam Airlines.
Tuy nhiên, thời điểm phát hành cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược cụ thể sẽ phụ thuộc rất lớn vào tiến trình đàm phán với các nhà đầu tư chiến lược tiềm năng.