Sáng 7/7, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) đã chính thức ký hợp đồng vay tín dụng trị giá 4.000 tỷ đồng với 3 ngân hàng thương mại, gồm: Ngân hàng Đông Nam Á (SeABank), Ngân hàng Hàng Hải Việt Nam (MSB) và Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB).
Tổng số tiền cho vay 4.000 tỷ đồng, lãi suất ưu đãi theo hình thức tái cấp vốn từ Ngân hàng Nhà nước.
Số tiền vay trên là một phần trong gói tài chính trị giá 12.000 tỷ đồng đã được Quốc hội, Chính phủ chấp thuận để hỗ trợ Vietnam Airlines vượt qua khó khăn do dịch COVID-19 gây ra, khi tình hình tài chính của hãng rất khó khăn.
Hiện cổ đông nhà nước vẫn nắm cổ phần chi phối tại hãng hàng không này (86,19% cổ phần).
Như vậy, sau hơn nửa năm được Quốc hội chấp thuận chủ trương cấp gói tín dụng hỗ trợ vượt qua khó khăn do dịch COVID-19, Vietnam Airlines đã được giải ngân.
Dù được cấp vốn vay theo hình thức tái cấp vốn từ Ngân hàng Nhà nước, nhưng Vietnam Airlines vẫn trả lãi cho nhà nước qua hình thức quy đổi tiền lãi sang cổ phiếu (dự kiến khoảng 4%/năm).
Số tiền vay này, hãng chỉ được sử dụng để làm vốn lưu động phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, trả một số khoản nợ tới hạn, không dùng đầu tư phát triển.
Số tiền còn lại của gói hỗ trợ trên trị giá 8.000 tỷ đồng sẽ thông qua hình thức phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ, hãng cho biết có thể hoàn tất thủ tục phát hành vào cuối quý III/2021.
Năm 2020, do dịch COVID-19, hoạt động bay thương mại bị gián đoạn khiến Vietnam Airlines đã lỗ khoảng 14.000 tỷ đồng. Trong nửa đầu năm nay, hãng dự kiến lỗ thêm 10.000 tỷ đồng.
Trước tình hình đó, Vietnam Airlines đã kiến nghị gói trợ cấp trị giá 12.000 tỷ đồng, gồm việc cho vay tái cấp vốn (4.000 tỷ đồng) và phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ (8.000 tỷ đồng) để tháo gỡ khó khăn vì COVID-19.
Trong giai đoạn trung và dài hạn, Chính phủ bảo lãnh cho Vietnam Airlines phát hành trái phiếu 10 năm, quy mô 10.000 tỷ đồng để thực hiện dự án đầu tư đội bay giai đoạn 2021-2025.
Bạch Hiền (t/h)