Sau thông báo thu phí SMS Banking lên 11.000 đồng và một số dịch vụ khác của Vietcombank, nhiều khách hàng của ngân hàng này bày tỏ quan ngại và muốn chuyển sang nhà băng khác có mức phí rẻ hơn.
Từ hôm nay (1/3), Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã điều chỉnh một loạt biểu phí với khách hàng cá nhân. Trước đó, nhà băng đã thông báo về việc thay đổi này từ trước Tết nguyên đán.
Cụ thể, theo thông tin từ ngân hàng Vietcombank, bắt đầu từ ngày 1/3/2018, ngân hàng này áp dụng biểu phí dịch vụ mới, trong đó tăng phí một số dịch vụ.
Vietcombank tăng phí dịch vụ SMS Banking lên 11 nghìn đồng. Ảnh: Cafebiz |
Đối với dịch vụ SMS Banking, phí hàng tháng sẽ tăng từ 8.800 đồng lên 11.000 đồng. Cách đây hơn nửa tháng, Vietcombank đã gặp sự cố khi khách hàng nhận được tin nhắn thu phí tự động 11.000 đồng, cho dù chưa đến thời hạn áp dụng biểu phí mới.
Một khách hàng tỏ ra bức xúc vì Vietcombank tăng phí dịch vụ. |
Bên cạnh đó, khách hàng của Vietcombank khi chuyển tiền trong cùng hệ thống cũng sẽ luôn mất phí. Nếu lựa chọn chuyển tiền qua Internet Banking, phí sẽ thay đổi từ 3.300 đồng thành 2.200 đồng với giao dịch dưới 50 triệu đồng và 5.500 đồng với giao dịch trên 50 triệu đồng.
Nếu lựa chọn chuyển tiền qua Mobile Banking, trước đây khách hàng không mất phí nhưng từ ngày 1/3 sẽ chịu phí 2.200 đồng/giao dịch. Khi chuyển tiền liên ngân hàng, số tiền dưới 10 triệu đồng sẽ chịu phí 7.700 đồng/giao dịch, còn số tiền trên 10 triệu đồng sẽ chịu phí 0,02% tổng số tiền.
Nhiều khách hàng của Vietcombank bày tỏ mong muốn chuyển ngân hàng khác có mức phí rẻ hơn. Ảnh: Cafebiz |
Lý giải thêm về việc điều chỉnh phí chuyển khoản nội bộ và liên ngân hàng, một đại diện của Vietcombank cho rằng, cách tính mới có lợi cho phần lớn khách hàng bởi 70% các giao dịch chuyển khoản qua Vietcombank hiện nay đều với giá trị nhỏ (dưới 10 triệu đồng).
Không riêng Vietcombank, một số ngân hàng gần đây cũng rục rịch tăng phí. Việc cải thiện tỷ trọng thu từ dịch vụ đang được nhiều nhà băng đặt ra trong năm 2018 bởi đây được xem là nguồn thu bền vững và ít rủi ro hơn từ tín dụng.
Nhân Văn (T/h)