Ba quốc gia có tốc độ gia tăng sử dụng kháng sinh nhanh nhất là Tunisia, Thổ Nhĩ Kỳ và Việt Nam. Trong đó, số liệu của Việt Nam mới được thống kê trong 10 năm, từ 2005-2015.
Tổng lượng kháng sinh sử dụng trên toàn thế giới tăng 65% trong giai đoạn 2000-2015, theo nghiên cứu đăng trong Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Mỹ (PNAS).
Trong năm 2015, có gần 35 tỷ liều thuốc kháng sinh xác định trong ngày (Defined Daily Doses-DDD) được tiêu thụ ở 76 quốc gia. Tỷ lệ sử dụng kháng sinh tăng 39%, từ 11,3 lên 15,5 DDD trên 1.000 người dân mỗi ngày.
Ảnh: Medicalxpress |
DDD là đơn vị chỉ số lượng liểu kháng sinh được các nhà khoa học chuẩn hóa trên 76 quốc gia. Đơn vị này cho phép họ phân tích và tìm ra những thay đổi về sử dụng thuốc theo thời gian và so sánh giữa các quốc gia.
Báo cáo trong PNAS, các tác giả cho biết tổng lượng kháng sinh được sử dụng cho con người trên toàn thế giới đã gia tăng từ 21,1 tỷ liều xác định trong ngày vào năm 2000, lên 34,8 tỷ liều vào năm 2015. Tốc độ gia tăng là 65% trong vòng 15 năm. Tỷ lệ tiêu thụ kháng sinh cũng tăng 39%, từ 11,3 lên 15,7 DDD trên 1.000 người dân/ngày.
Đóng góp phần lớn vào xu hướng này là sự gia tăng sử dụng kháng sinh ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, được gọi là nhóm LMIC. Tổng lượng kháng sinh ở các quốc gia LMIC tăng 114%. Trong khi đó, tỷ lệ tiêu thụ trên 1.000 người dân/ngày tăng 77%.
Ba quốc gia có tốc độ gia tăng nhanh nhất là Tunisia, Thổ Nhĩ Kỳ và Việt Nam. Trong đó, số liệu của Việt Nam mới được thống kê trong 10 năm, từ 2005-2015.
Tỷ lệ sử dụng kháng sinh trên 1.000 người dân/ngày của Việt Nam năm 2015 là hơn 30 DDD, xếp thứ 11 và là một trong những quốc gia thuộc nhóm LMIC có tỷ lệ sử dụng kháng sinh vượt trội so với các nước có thu nhập cao.
Gia tăng tỷ lệ sử dụng kháng sinh dường như gắn liền với tăng trưởng kinh tế của các quốc gia LMIC. Mặc dù vậy, nhiều quốc gia nhóm này vẫn có mức tiêu dùng kháng sinh bình quân đầu người thấp hơn đáng kể so với các nước có thu nhập cao.
Tunisia, Thổ Nhĩ Kỳ và Việt Nam là ba quốc gia có tỷ lệ bình quân sử dụng kháng sinh tăng mạnh nhất - Ảnh: Medicalxpress |
Tỉ lệ tiêu thụ penicillin phổ rộng, lớp kháng sinh phổ biến nhất, tăng 36% trong giai đoạn 2000 đến 2015 trên toàn cầu. Sự gia tăng lớn nhất vẫn ở nhóm LMIC, nơi tỷ lệ tiêu thụ penicillin tăng 56%, so với 15% ở các nước có thu nhập cao.
Các lớp kháng sinh mới và mạnh nhất như linezolid, carbapenems, và colistin gia tăng đáng kể ở hầu hết các quốc gia. Đó là một dấu hiệu của cơn khủng hoảng kháng kháng sinh đang diễn ra trên quy mô toàn cầu.
Kháng kháng sinh xảy ra khiến các loại thuốc cũ mất tác dụng điều trị. Đó là một vấn đề sức khỏe toàn cầu, bởi khi vi khuẩn kháng kháng sinh xuất hiện ở một nơi, nó sẽ nhanh chóng lan đến các vùng khác trên thế giới.
Các nhà nghiên cứu nhấn mạnh sự cần thiết của việc giám sát sử dụng kháng sinh trên toàn cầu, nhằm hạn chế các đơn thuốc được kê vô tội vạ. Kháng kháng sinh được thúc đẩy bởi việc lạm dụng kháng sinh, sử dụng đơn kê không phù hợp và không có tác dụng cải thiện sức khoẻ.
"Việc tìm kiếm các giải pháp khả thi là rất cần thiết. Và bây giờ chúng tôi đã có được những dữ liệu quan trọng để đi tìm kiếm các giải pháp đó”, Eili Klein, một trong số các tác giả nghiên cứu mới đến từ CDDEP cho biết.
Kháng kháng sinh được thúc đẩy bởi việc lạm dụng kháng sinh - Ảnh: Internet |
Mặc dù tỷ lệ sử dụng kháng sinh trên toàn cầu tăng lên, kết quả nghiên cứu cho thấy việc giảm tiêu thụ là khả thi trong tương lai. Trong suốt giai đoạn nghiên cứu, tiêu thụ kháng sinh ở một số quốc gia thu nhập cao đã giảm nhẹ.
Nhưng có điểm cần lưu ý. Một mặt, giảm sử dụng kháng sinh ở các quốc gia thuộc nhóm LMIC là cần thiết. Mặt khác, họ phải được tăng cường tiếp cận với kháng sinh. Vì ở các nước thu nhập thấp, tỷ lệ mắc và tử vong do các bệnh truyền nhiễm rất cao.
Giám đốc CDDEP, đồng tác giả nghiên cứu Ramanan Laxminarayan lưu ý đã hơn một năm trôi qua kể từ khi Đại hội đồng Liên hợp quốc công nhận kháng kháng sinh là mối đe dọa toàn cầu. Tuy nhiên, đã có rất ít hành động kể từ đó.
"Chúng ta phải hành động dứt khoát và chúng ta phải hành động một cách toàn diện để bảo vệ tính hiệu quả của thuốc kháng sinh. Điều đó bao gồm các giải pháp giảm tiêu thụ kháng sinh, như vắc-xin, cải thiện cơ sở hạ tầng, đặc biệt là ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình ", Laxminarayan nói.
NGUYỄN QUỲNH (T/h)