Thủ tướng Hun Sen đã phát biểu: "Đại diện cho người dân Campuchia, tôi gửi lời cảm ơn sâu sắc đến Đảng, Chính phủ, Quân đội và người dân Việt Nam đã đáp lại lời kêu gọi của Mặt trận Đoàn kết Dân tộc Cứu nước Campuchia trong quá trình đấu tranh để giải phóng đất nước thoát khỏi chế độ diệt chủng Pol Pot”.
Trước đó, vào ngày 16/11/2018, Tòa án quốc tế xét xử tội ác Khmer Đỏ tại Campuchia (ECCC) phán quyết rằng 2 cựu lãnh đạo hàng đầu của Khmer Đỏ là Khieu Samphan và Nuon Chea đã phạm tội “diệt chủng” trong thời gian từ năm 1975-1979. Đây là phán quyết lịch sử của tòa án quốc tế đối với chế độ này sau gần 4 thập kỷ chính quyền tàn ác này bị lật đổ. Theo tòa án trên, Nuon Chea, 92 tuổi được coi là cánh tay phải của Pol Pot, lãnh đạo số 1 của chế độ diệt chủng Khmer Đỏ, và Khieu Sampan, 87 tuổi từng là chủ tịch nước Campuchia thời Khmer Đỏ đã phạm các tội ác chống lại loài người và tội diệt chủng nhằm vào người Hồi giáo Chăm và người Việt Nam. Đây là những lãnh đạo đầu tiên của Khmer Đỏ bị kết tội diệt chủng và bị tuyên án tù chung thân trong Vụ án 002/02.
Những hố chôn người hàng loạt được khai quật ở Campuchia sau ngày 7/1. Hơn 3 triệu người Campuchia đã bị giết hại một cách man rợ dưới chế độ cai trị của Pol Pot. (Ảnh: TTXVN)
Trong gần 2 năm (1978 - 1979) chủ động tiến hành gây hấn rồi tấn công xâm lược biên giới Tây Nam của Việt Nam, quân phản động Pol Pot đã giết hại và bắt hơn 30.000 dân thường tại các xã biên giới của Việt Nam, làm cho 400.000 người dân mất nhà cửa, trên 3.000 nhà bị bỏ hoang, nhiều nhà thờ, chùa chiền, trường học bị chúng đốt phá.
Từ các tư liệu lịch sử cho thấy, từ năm 1975 đến năm 1978, quân Pol Pot đã sát hại gần 3 triệu người Campuchia. Chế độ Pol Pot đã để lại cho đất nước Campuchia gần 142 ngàn người tàn tật, hơn 200.000 trẻ mồ côi; gần 640.000 nhà cửa bị phá hủy…; những hành động diệt chủng tàn bạo của chúng là không thể dung tha.
Theo GS. TS Võ Văn Sen, nguyên Hiệu trưởng Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh phân tích khẳng định dưới chế độ Pol Pot, Campuchia là một đất nước đầy tang tóc, bị biến thành một lò sát sinh khổng lồ, kinh khủng nhất trong thế kỷ này, một địa ngục trần gian chìm trong máu và nước mắt. Pol Pot đã thực thi chính sách diệt chủng tàn khốc, cưỡng bức lao động khổ sai, tra tấn hành hạ dã man người dân Campuchia; chúng áp dụng các biện pháp hành hình tàn bạo thời trung cổ, chẳng hạn dùng cuốc xẻng đập nát sọ nạn nhân.
Chủ tịch Quốc hội Vương quốc Campuchia, Chủ tịch danh dự Đảng CPP Samdech Heng Samrin cũng đã khẳng định: Chế độ diệt chủng Pol Pot là chế độ tàn bạo chưa từng có trên thế giới. Dưới sự cầm quyền của chế độ vô cùng dã man này, nhân dân Campuchia đã phải hứng chịu muôn vàn thống khổ không khác gì súc vật, bị cấm đoán quyền tự do, bị tàn sát hàng loạt. Chúng đem chính nhân dân mình ra làm thí nghiệm để thực hiện cho học thuyết chính trị đen tối của mình.
Sự hi sinh cao thượng của Việt Nam
Sự thực là vậy, nhưng phải mất nhiều thập kỷ năm sau nạn diệt chủng do Tập đoàn Pol Pot gây ra ở Campuchia bị tiêu diệt hoàn toàn vào năm 1989, thế giới mới có cái nhìn toàn diện, khách quan về vấn đề Campuchia. Lịch sử đã minh xét đúng tinh thần dân tộc trong sáng, chủ nghĩa Quốc tế cao cả khi Quân đội Việt Nam bị kẻ thù buộc phải cầm súng để tự vệ chính đáng theo luật pháp quốc tế và kịp thời giải cứu nhân dân Campuchia cũng như đồng bào mình thoát khỏi nạn diệt chủng ghê tởm nhất của lịch sử nhân loại do Tập đoàn Pol Pot, kẻ thù không đội trời chung của nhân dân hai nước gây ra!
Một đơn vị chiến đấu của quân tình nguyện Việt Nam; Ảnh Vũ Xuân Bân (TTXVN)
Cũng trong dịp này, nhiều nhà nghiên cứu, nhà sử học, nhà báo và các Hội thảo khoa học Quốc tế đã phải thừa nhận một thực tế không thể chối cãi rằng: 40 năm trước Quân tình nguyện Việt Nam đã hi sinh cả xương máu của mình để giải cứu nhân dân Campuchia khỏi nạn diệt chủng của Tập đoàn Pol Pot nhưng lại bị xuyên tạc trắng trợn vu khống Việt Nam "xâm lược" nước láng giềng...!
Sau 40 năm sự thật mới được phơi bày, nhân loại tiến bộ yêu chuộng hòa bình trên khắp thế giới đã thừa nhận: Thế giới đã nợ Việt Nam một lời xin lỗi và cảm ơn về vấn đề Campuchia mà trong quá khứ đã từng bị hiểu sai. Đồng thời họ thẳng thừng lên án sự lừa dối, che đậy tội ác tày trời của chính quyền Pol Pot. Họ cho rằng, dù là với động cơ gì, bị "lừa" hay không, sự tuyên truyền sai lạc của các nhà báo, chính trị gia nước ngoài được chính quyền Pol Pot lựa chọn, đã góp phần che giấu sự thật khủng khiếp về cuộc diệt chủng tàn bạo nhất trong lịch sử loài người.
Giáo sư người Australia thuộc Học viện Quốc phòng Australia lý giải, dù muộn màng, nhưng sau hàng chục năm thế giới đã có cái nhìn đúng đắn về những hy sinh của các chiến sĩ Quân tình nguyện Việt Nam trong những ngày bão lửa ở Campuchia. Trước hết theo ông Thayer, không thể phủ nhận một sự thật rằng người Việt Nam đã giúp giải phóng nhân dân Campuchia khỏi nạn diệt chủng Khmer Đỏ. Tuy nhiên, trong quá khứ, nhiều người từng dùng thuật ngữ “xâm lược” để nói về những ngày bão lửa mà quân đội Việt Nam hiệp lực cùng quân dân Campuchia tiêu diệt chế độ diệt chủng Pol Pot.
Nguyên nhân của nhận định sai lầm này theo vị Giáo sư Australia là vào cuối những năm 1970, những người chống lại chủ nghĩa xã hội Việt Nam luôn một mực tin rằng Việt Nam đang tìm cách tạo ra một Liên Bang chủ nghĩa/cộng sản Đông Dương đặt dưới quyền kiểm soát của Việt Nam. Trong khi đó, thế giới bên ngoài lại không biết nhiều về cuộc thảm sát người Campuchia dưới thời Khmer Đỏ hay chuỗi những cuộc tấn công liên tục của Khmer Đỏ vào các làng mạc Việt Nam ở biên giới với Campuchia.
Khi tiến vào Campuchia để giúp người dân nước bạn lật đổ chế độ diệt chủng Pol Pot, quân đội Việt Nam đã tiến tới gần biên giới Thái Lan. Khi đó, Thái Lan lo sợ bị tấn công nên đã kêu gọi sự hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế. “Nhưng trên thực tế Việt Nam đã can thiệp quân sự vào Campuchia chỉ là để tự vệ, ngăn chặn sự bao vây của TQ và giúp giải phóng người Campuchia khỏi chế độ Khmer Đỏ tàn bạo”, ông Thayer khẳng định.
Tuy nhiên, những đánh giá, những định kiến sai lầm đó đã tồn tại trong hàng chục năm, từng phủi sạch hoàn toàn những hy sinh của các chiến sĩ Quân tình nguyện Việt Nam trong những ngày bão lửa ở Campuchia. Mặc dù vậy, theo ông Thayer, cộng đồng quốc tế trong 40 năm qua đã và đang dần thay đổi quan điểm và các chính trị gia từng chỉ trích nặng nề Việt Nam vào cuối những năm 1970 cũng đã nhận ra những sai lệch trong nhận định của họ. Ví dụ như chính phủ Australia sau khi Đảng Lao Động giành lại quyền lãnh đạo chính quyền vào năm 1983 đã tìm cách chấm dứt sự cô lập với Việt Nam và tìm cách thúc đẩy hòa bình.
Bà Chey Beaupha, Đại tướng, Phó Tổng Thư ký Ủy ban quốc gia Campuchia về phòng, chống và kiểm soát ma túy
Nghĩa tình cao cả còn sáng mãi
Nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày quân tình nguyện Việt Nam giải cứu nhân dân Campuchia lật đổ chế độ diệt chủng Pol Pot, bà Chey Beaupha, Đại tướng, Phó Tổng Thư ký Ủy ban quốc gia Campuchia về phòng, chống và kiểm soát ma túy đã có bức thư xúc động gửi những người bạn Việt Nam, cán bộ TTXVN đã từng tham gia chiến đấu và giúp đỡ Campuchia trong những ngày "bão lửa", điêu tàn của nạn diệt chủng do chính những thành phần cực đoan, cơ hội chính trị của đất nước Campuchia gây ra.
Bức thư của Đại tướng Chey Beaupha, cô bé may mắn sống sót trong nạn diệt chủng 40 năm trước đã viết trong nước mắt và tình yêu thương trân trọng sự hy sinh vô bờ bến của quân tình nguyện Việt Nam năm xưa và khẳng định nghĩa tình cao cả của Việt Nam với Campuchia còn sáng mãi: "Dù hồi đó cháu còn nhỏ chưa hiểu chuyện nhưng với tất cả những gì cháu được chứng kiến cùng lịch sử và qua lời kể của ba mẹ, cháu thấy mình thật may mắn khi được sinh ra và lớn lên cùng với sự hồi sinh của đất nước và sự giúp đỡ chí tình cũng như sự hy sinh và mất mát cao cả của Đảng và nhân dân Việt Nam nói chung, và của Thông tấn xã Việt Nam nói riêng..."
Nhà báo Đỗ Phượng và cô bé Chey Beaupha những ngày đầu giải phóng (1979)
Lịch sử đã minh xét sau 40 năm, Việt Nam đổ cả máu của mình giải cứu Campuchia khỏi nạn diệt chủng. Đúng như cố nhà báo Đỗ Phượng, nguyên Tổng giám đốc TTXVN, nguyên Trưởng đoàn chuyên gia của TTXVN tại Campuchia giai đoạn (1979 - 1981) sinh thời đã nhiều lần nhấn mạnh: "Cùng với sự giúp đỡ trên các mặt trận, các lĩnh vực khác, TTXVN đã giúp nước bạn toàn bộ, toàn diện, ngay từ đầu với tinh thần Quốc tế cao cả trong sáng. Campuchia từng bước hồi sinh. Lịch sử nhân loại sẽ minh xét cho tinh thần Cộng sản trong sáng đó của Việt Nam. Một thực tế không thể phủ nhận được rằng, Dân tộc Việt Nam, Nhân dân Việt Nam và Quân tình nguyện Việt Nam đã đổ máu, nước mắt của mình để xả thân cứu bạn khỏi nạn diệt chủng tàn bạo không thể nào quên trong lịch sử nhân loại...".
Nhà báo Vũ Xuân Bân nguyên đặc phái viên TTXVN tại biên giới Tây Nam 1977, chuyên gia TTXVN giúp Thông tấn xã SPK trong các năm (1978-1979), sau 40 năm gắn bó trọn đời với TTXVN, vẫn vấn vương một trong những kỷ niệm sâu sắc nhất trong đời làm phóng viên, sau chiến thắng vang dội 30/4/1975, lại tiếp tục đưa tin đất nước trong những ngày sôi động, quyết liệt, một lần nữa hành quân ra trận bảo vệ biên giới Tây Nam và làm chuyên gia giúp nước bạn Campuchia. Ông tin rằng đất nước Campuchia sẽ hồi sinh mạnh mẽ sau những năm tháng thoát khỏi họa diệt chủng, xứng danh với truyền thống vẻ vang của đất nước Chùa Tháp với sự quyến rũ của Angkor Thom, Angkor Wat. Tình hữu nghị thủy chung giữa nhân dân hai nước tiếp tục được phát huy để sự hi sinh của các thế hệ cha anh mãi tô thắm lịch sử hai nước trong bước đường đi tới tương lai!
Vương Xuân Nguyên/Sức Khỏe 365
* Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả