+Aa-
    Zalo

    Việt Nam và Nhật Bản đẩy mạnh quan hệ đối tác chiến lược

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Trong chuyến công tác tại Nhật, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đã có các cuộc trao đổi với nhiều quan chức cấp cao nước này nhằm thúc đẩy quan hệ đối tác

    (ĐSPL) - Trong chuyến công tác tại Nhật, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đã có các cuộc trao đổi với nhiều quan chức cấp cao nước này nhằm thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam – Nhật Bản.

    Việt Nam và Nhật Bản đẩy mạnh quan hệ đối tác chiến lược

    Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ (bến trái) trong buổi trao đổi với quan chức cấp cao Nhật Bản.

    Nhân chuyến công tác nghiên cứu và trao đổi kinh nghiệm tại Nhật Bản về phát triển kinh tế - xã hội của Đoàn công tác Ban Kinh tế Trung ương, GS.TS Vương Đình Huệ, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đã có các cuộc trao đổi với nhiều quan chức cấp cao của Nhật Bản về mô hình kinh tế Abenomics, mối quan hệ đối tác chiến lược hợp tác sâu rộng giữa Việt Nam và Nhật Bản trong lĩnh vực kinh tế - xã hội.

    Chuyến công tác của Ban Kinh tế Trung ương lần này nhằm tăng cường, thúc đẩy mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện sâu rộng giữa Việt Nam và Nhật Bản; nghiên cứu và trao đổi kinh nghiệm với các cơ quan bộ, ngành, viện nghiên cứu của Nhật Bản trong việc xây dựng và thực thi mô hình kinh tế Abenomics qua ba mũi tên của chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và chính sách tăng trưởng kinh tế; thảo luận về tác động của Abenomics tới kinh tế thế giới, khu vực và kinh tế Việt Nam, đề xuất các cơ hội hợp tác phát triển kinh tế trong các lĩnh vực hai bên cùng coi trọng; khảo sát thực tiễn phát triển kinh tế và cơ hội hợp tác với Việt Nam tại các địa phương tiêu biểu của Nhật Bản và hoạt động sản xuất, kinh doanh của các tập đoàn đa quốc gia Nhật Bản.

    Tại Nhật Bản, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương và Đoàn công tác đã có các buổi làm việc, trao đổi với nhiều quan chức cấp cao của Nhật Bản: trong đó có Phó Chủ tịch Đảng Dân chủ Tự do LDP Masahiko Komura; Chủ tịch Uỷ ban Ngân sách Hạ viện Nhật Bản kiêm Chủ tịch liên minh nghị sỹ hữu nghị Nhật - Việt Toshihiro Nikai; Bộ Trưởng Bộ Nông lâm ngư nghiệp ông Yoshimasa Hayashi; Giáo sư Etsuro Honda, Cố vấn đặc biệt của Thủ tướng Abe về kinh tế; Chủ tịch Ủy ban Dịch vụ Tài chính Nhật Bản Kiyoshi Hosomizo; Thứ trưởng Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Yoshihiko Isozaki; Chủ tịch JICA Akihiko Tanaka; Viện trưởng Viện nghiên cứu chính sách (GRIPS) Shiraishi Takashi và nhiều lãnh đạo các tập đoàn kinh tế lớn của Nhật Bản. Đoàn công tác cũng có các cuộc làm việc và khảo sát thực tế tại hai khu kinh tế lớn của Nhật bản là tỉnh Kanagawa - là một trong sáu tỉnh đặc khu chiến lược quốc gia của Nhật Bản nhằm thực hiện mũi tên thứ 3 của mô hình kinh tế Abe, GDP của tỉnh hiện nay trên 300 tỷ USD/năm và tỉnh Fukuoka - tỉnh miền Nam Nhật Bản có GDP trên 160 tỷ USD/năm; khảo sát thực tiễn hoạt động sản xuất, kinh doanh của Tập đoàn Nissan Motor, Tập đoàn Sumimoto và Tập đoàn Sozitsu, đây là các tập đoàn đa quốc gia của Nhật Bản đang có mối quan hệ hợp tác, đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.

    Tại các buổi làm việc, các nhà lãnh đạo, cơ quan bộ, ngành, địa phương của Nhật Bản đã trao đổi sâu sắc, cụ thể về mô hình kinh tế Abenomics, tác động tích cực của mô hình này đối với nền kinh tế Nhật Bản, thế giới và khu vực trong hai năm qua; những kinh nghiệm có thể áp dụng đối với Việt Nam trong đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế; các biện pháp thúc đẩy, hiện thực hóa quan hệ đối tác chiến lược hợp tác sâu rộng giữa Việt Nam và Nhật Bản trong lĩnh vực kinh tế theo nội dung tuyên bố chung Việt Nam - Nhật Bản mà Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Thủ tướng Nhật Bản Abe đã ký kết vào tháng 3.2014.

    Các nhà lãnh đạo và cơ quan của Nhật Bản đề nghị Ban Kinh tế Trung ương tham mưu Trung ương Đảng, các cơ quan Nhà nước sớm thực hiện các thỏa thuận mà hai bên đã ký kết; thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực kinh tế, thương mại và công nghiệp. Nhật Bản mong muốn hợp tác phát triển công nghiệp như điện tử, máy nông nghiệp; chế biến nông lâm, thủy, hải sản; chế tạo ô tô; đóng tầu...; phát triển nông nghiệp và kinh tế biển; mở rộng đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ, tài chính, ngân hàng; khuyến khích mở rộng đầu tư nước ngoài của các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Nhật Bản; phát triển, nuôi dưỡng và kết nối các doanh nghiệp của hai nước qua thúc đẩy cơ chế trao đổi tu nghiệp sinh kỹ thuật, có trình độ đào tạo cao sang làm việc tại Nhật Bản trong thời gian tới đây.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/viet-nam-va-nhat-ban-day-manh-quan-he-doi-tac-chien-luoc-a45069.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan