(ĐSPL) - Trong tương lai Việt Nam có thể sẽ trở thành một nền kinh tế phát triển, thành một "con hổ Châu Á" mới, tờ The Economist nhận định.
Báo Infonet dẫn nguồn tin từ tờ The Economist cho biết, trong một phần tư thế kỷ qua, có một quốc gia đã thoát khỏi cảnh đói nghèo, có nền kinh tế ngày càng tăng trưởng và trong tương lai có thể sẽ trở thành một nền kinh tế phát triển. Đó chính là Việt Nam, theo nhận định của The Economist.
Với dân số trên 90 triệu người, Việt Nam có tốc độ tăng trưởng GDP đầu người nhanh thứ hai trên thế giới kể từ năm 1990, chỉ sau Trung Quốc. Nếu trong thập kỷ tới Việt Nam có thể đảm bảo tỉ lệ tăng trưởng kinh tế là 7\%, rất có thể đất nước sẽ trở thành một “con hổ châu Á” như Hàn Quốc và Đài Loan. Đó sẽ là một thành tựu vĩ đại đối với một quốc gia đã phải trải qua nhiều thập kỷ chiến tranh và có tỉ lệ nghèo ngang Ethiopia vào những năm 1980.
Chính sách mở cửa kinh tế đã mang lại nhiều lợi ích cho Việt Nam. Vào thập niên 1990, Việt Nam đã đơn giản hóa luật thương mại của mình, và giờ đây thương mại chiếm khoảng 150\% tổng sản phẩm quốc nội của nước này. Nhiều công ty nước ngoài đã tìm đến Việt Nam để mở chi nhánh kinh doanh, và sản phẩm của họ chiếm 2/3 kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.
Trong tương lai Việt Nam có thể sẽ trở thành một nền kinh tế phát triển, thành một "con hổ Châu Á" mới, tờ The Economist nhận định. (Ảnh minh họa). |
Thông tin trên báo Zing.vn, không chỉ mở cửa kinh tế, Việt Nam còn áp dụng chính sách linh hoạt. Chính phủ khuyến khích 63 tỉnh, thành cạnh tranh với nhau. Thành phố Hồ Chí Minh là "đầu tàu kinh tế" với các khu công nghiệp, Đà Nẵng lập các khu công nghệ cao và miền bắc đang thu hút các hãng sản xuất muốn rời Trung Quốc. Nhờ đó Việt Nam trở thành một nền kinh tế đa dạng có thể chống chịu các cú sốc, bao gồm đợt vỡ bong bóng bất động sản năm 2011.
Giống như Trung Quốc, Việt Nam ý thức rõ lộ trình họ phải theo và đang tập trung vào giáo dục. Học sinh 15 tuổi của Việt Nam có thể giải toán và hiểu khoa học tương đương học sinh Đức. Chính phủ cũng dành ngân sách lớnhơn cho các trường học so với hầu hết quốc gia cùng trình độ phát triển. Các yếu tố nền tảng - khuyến khích học sư phạm và đào tạo giáo viên - cũng được ưu tiên.
Hướng đầu tư này rất cần thiết để tận dụng các cơ hội thương mại. Nhà máy có thể tự động hóa nhiều hơn, nhưng vẫn cần người vận hành. Vì thế, công nhân phải biết chữ, thạo số và có khả năng nắm vững các chỉ dẫn phức tạp. Việt Nam đang tập trung vào những kỹ năng hợp lý - việc mà Thái Lan, Indonesia và Malaysia chưa làm được.
Là quốc gia có thu nhập trung bình, Việt Nam phải vượt qua chặng đường dài nữa để đạt mức nhập cao. Rất nhiêu thách thức đang chờ đợi ở phía trước. Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) vẫn có thể bị cản trở ở Mỹ. Hiệu quả của khối công ty quốc doanh vẫn thấp. Cạnh tranh giữa các tỉnh thành lại thành gánh nặng khi cơ sở hạ tầng chồng chéo. Gây dựng chuỗi cung ứng nội địa và sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng cao cũng là thách thức lớn đối với Việt Nam.
Mặc dù vậy, thành tựu trong 25 năm qua cho thấy Việt Nam vẫn có nhiều cơ hội. Ít ra, Việt Nam đang cải cách doanh nghiệp nhà nước, đàm phán các hiệp định thương mại với châu Á và châu Âu. Chính phủ cũng muốn tăng tỷ lệ nội địa hóa trong quy trình sản xuất nhưng không muốn doanh nghiệp nước ngoài lo ngại. Quả thực, Việt Nam đang là hình mẫu cho các nước muốn phát triển. Nếu may mắn, Việt Nam còn có thể là tấm gương cho các quốc gia muốn tăng trưởng.
Tuyết Mai (Tổng hợp)
Nguồn: Người đưa tin