(ĐSPL) - Nhà máy đóng tàu Gorky ở Zelenodolsky sẽ hoàn tất việc chuyển giao cho Việt Nam 2 tàu khu trục mới Gepard-3.9, đề án 11661E, vào năm 2017.
Theo đài Tiếng nói nước Nga, trước đó có thông báo rằng chiếc tàu Gepard-3.9 đầu tiên của lô mới sẽ được giao cho khách hàng vào năm 2016.
|
Tàu khu trục hộ tống Gepard-3.9 của Hải quân Việt Nam |
Việc chế tạo các tàu tuần tra này được tiến hành theo hợp đồng ký kết năm 2011. Theo ông Sergei Rudenko - phó giám đốc về hoạt động kinh tế đối ngoại của nhà máy Zelenodolsky, lô tàu Gepard-3.9mới sẽ được chế tạo với thiên hướng “chống tàu ngầm”. Sau đó, Tổng Giám đốc xí nghiệp Renat Mistakhov công bố rằng chiếc tàu khu trục đầu tiên sẽ được bàn giao cho khách hàng vào năm 2016, chiếc thứ hai vào năm 2017.
Hiện thời, Hải quân Việt Nam đã có hai tàu khu trục Gepard-3.9, đề án 11661E.
Đôi nét về tàu hộ vệ Gepard
Tàu hộ tống Gepard được thiết kế nhằm thay thế cho các tàu hộ tống nhỏ lớp Koni, Grisha và Parchim trước đây. Hai tàu Gepard-3.9 thuộc đề án 11661E mang số tàu 954 và 955 đã được bàn giao cho Việt Nam.
Tàu hộ tống Gepard-3.9 lớp 11661 có cấu trúc hạn chế khả năng bị phát hiện bởi các radar phản xạ thông thường. Hệ thống khoang tàu với 10 khoang kín nước, bên ngoài được trang bị vây ổn định và các bánh lái kép giúp tàu có độ ổn định cao. Động cơ của tàu gồm 2 động cơ diesel 61D (công suất 8.000 mã lực) để đi đường trường và 2 động cơ turbine khí (29.300 JP) để tăng tốc trong chiến đấu lên đến 28 hải lý/giờ. Tàu có 3 máy phát điện diesel công suất 600 KW.
|
Tàu hộ tống Gepard-3.9 lớp 11661 có cấu trúc hạn chế khả năng bị phát hiện bởi các radar phản xạ thông thường. |
Hệ thống vũ khí của tàu hộ tống Gepard-3.9 lớp 11661 được thiết kế mở, cho phép kết hợp các hệ thống vũ khí linh hoạt về phòng không,chống ngầm và hỏa lực tấn công.
Hệ thống radar bao gồm radar phát hiện mục tiêu trên không MR-352 Poritiv có tầm phát hiện lên đến 130 km, radar điều khiển cụm hỏa lực Monolit, radar điều khiển tên lửa phòng không MPZ-301 Baza, radar điều khiển pháo phòng không MR-123 Vympel.
Hệ thống tác chiến điện tử có thể được trang bị cho tàu gồm các thiến bị gây nhiễu chủ động và thụ động, cũng như 2 bệ phóng 8 ống tên lửa phản công PK-16.
Ngoài ra, tùy vào cấu hình mà tàu hộ tống Gepard-3.9 có thể được trang bị:
- Hệ thống pháo-tên lửa phòng không hạm tàu tự động hoá phòng thủ tầm gần Palma-SU.
- 8 hoặc 16 tên lửa chống tàu SS-N-25 Switchblade (2 hoặc 4 bệ phóng, mỗi bệ gồm 4 ống phóng).
- Một hệ thống tên lửa đất đối không Osa-M (một bệ phóng kép, 20 tên lửa SA-N-4 Gecko)
- Tên lửa phòng không 2 Igla-M
- Hai pháo 6 nòng cỡ 30 mm AK-630 (2,000 viên đạn mỗi khẩu)
- 4 ống phóng ngư lôi 533 mm (hai bệ phóng kép)
- 1 bệ phóng tên lửa RBU-6000 12 ống chống tàu ngầm
- 12 đến 20 ngư lôi
- Sàn đáp cho trực thăng Ka-28
- Thiết bị định vị thủy âm ở độ sâu khác nhau VDS.
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/viet-nam-sap-co-them-2-khu-truc-ham-gepard-a28415.html