(ĐSPL)- Vấn đề Công hàm 1958 của Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng gây ra nhiều luồng ý kiến tranh luận khác nhau trong tuần qua.
PV báo Đời sống và Pháp luật đã có cuộc trò chuyện với Luật gia Đặng Đình Thịnh (Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật – Trung ương Hội Luật gia Việt Nam) và Luật gia Trần Đình Thu (Chuyên gia pháp lý cao cấp của Trung tâm), bàn luận xung quanh vấn đề này.
Điểm mới trong cuộc chiến pháp lý
Vừa qua, một số học giả Trung Quốc có đưa vấn đề Công hàm của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng gửi cho Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai vào năm 1958 để lập luận rằng chúng ta đã đồng ý với việc Trung Quốc xác lập chủ quyền ở Hoàng Sa nói riêng, và một số khu vực ở Biển Đông nói chung. Website của Chính phủ cũng đề cập đến. Ông có ý kiến gì về sự kiện này?
Luật gia Đặng Đình Thịnh: Theo Luật quốc tế, công hàm là một loại văn bản ngoại giao đơn phương của chính phủ nước này gửi chính phủ nước khác, để nêu lập trường quan điểm của mình về một vấn đề nào đó giữa hai nước, hoặc là một vấn đề quốc tế mà hai nước cùng quan tâm. Nó không có ý nghĩa xác lập bất cứ vấn đề gì nói chung và xác lập biên giới lãnh thổ nói riêng giữa hai nước. Công hàm 1958 của Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã ký cũng không ngoại lệ. Cụ thể với Công hàm 1958, nó chỉ có ý nghĩa rằng Chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa khi ấy, ủng hộ việc Chính phủ Trung Quốc tuyên bố về hải phận 12 hải lý của họ mà thôi.
Vậy Công hàm 1958 có ý nghĩa như thế nào trong việc xác lập chủ quyền biển đảo một số vùng ở Biển Đông?
Luật gia Trần Đình Thu: Vấn đề này thực ra đã được các bên nói đến từ rất lâu trên mạng tự do. Phía các học giả Trung Quốc muốn lấy nó làm cái cớ để biện minh cho sự xâm chiếm Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Rất nhiều ý kiến phản bác luận điệu của các học giả Trung Quốc, nhưng cũng có một số ít ý kiến khác đổ lỗi cho chúng ta đã ký công hàm ấy. Tuy nhiên lâu nay ở góc độ chính thức, chưa có một cơ quan chức năng nào của Việt Nam lên tiếng. Nay cổng thông tin điện tử của Chính phủ cũng chính thức đăng tải bài viết về vấn đề này, nghĩa là Chính phủ cũng đã xem đây là vấn đề cần làm rõ. Đây là một điểm mới trong cuộc chiến pháp lý giữa chúng ta và Trung Quốc về biển đảo.
Luật Gia Trần Đình Thu |
Nhưng thưa ông, ủng hộ thì cũng có nghĩa là đồng ý rồi? Vậy chúng ta giải thích chỗ này như thế nào?
Luật gia Đặng Đình Thịnh: Ủng hộ, đồng ý hay hoan nghênh, chỉ là những biểu hiện về mặt lập trường quan điểm. Đó không phải là những giao kết, xác lập về biên giới lãnh thổ. Tôi lấy ví dụ so sánh thế này cho dễ hiểu. Thí dụ có hai công ty muốn làm ăn buôn bán gì đó với nhau, ban đầu họ sẽ gửi thư qua lại để thông báo cho nhau biết lập trường quan điểm của mỗi bên về thương vụ sắp diễn ra. Việc gửi thư giao dịch ở đây cũng tương tự như hai chính phủ gửi công hàm cho nhau. Sau đó hai công ty phải đi tới mức độ tiến hành ký hợp đồng thì mới xác lập xong thương vụ.
Vậy muốn xác lập thì phải như thế nào?
Luật gia Đặng Đình Thịnh: Đối với vấn đề biên giới lãnh thổ, các bên cần phải ký hiệp ước, hiệp định thì mới có ý nghĩa xác lập. Đấy là loại văn bản song phương hoặc đa phương, với nhiều điều khoản rất chi tiết và phức tạp. Chứ còn một công hàm thì là một văn bản giản đơn, có khi chỉ vài dòng như Công hàm 1958, nêu quan điểm chung chung của Chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa khi ấy thôi. Nó hầu như chỉ mang tính chất xã giao: “Chính phủ nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ghi nhận và tán thành bản tuyên bố...”, “Chính phủ nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa tôn trọng quyết định ấy...”.
Nên gửi một công hàm tới chính phủ Trung Quốc
Nhưng dù sao thì chúng ta cũng đã ký công hàm rồi và công hàm cũng đã nói rằng chúng ta tôn trọng hải phận 12 hải lý của Trung Quốc rồi. Liệu chúng ta có thể thay đổi được không?
Luật gia Trần Đình Thu: Khác với hiệp ước, hiệp định, một khi chính phủ tiền nhiệm đã ký rồi thì các chính phủ sau đó phải theo đó mà thực hiện. Còn với công hàm, do tính chất đơn phương của nó nên nó không ràng buộc. Do hoàn cảnh mỗi giai đoạn mỗi khác, đường lối chính sách của mỗi chính phủ mỗi khác, nên chính phủ sau, có thể không giữ nguyên quan điểm lập trường của chính phủ trước về vấn đề mà hai quốc gia quan tâm.
Như vậy chúng ta có nên gửi một công hàm khẳng định lại lập trường quan điểm của chúng ta hiện nay như thế nào không?
Luật gia Đặng Đình Thịnh: Chính phủ nên gửi ngay công hàm vào lúc này, nhắc lại Tuyên bố năm 1958 của chính phủ Trung Quốc trước đây, nhắc lại Công hàm 1958 của Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng trước đây, và nói rõ, Chính phủ hiện nay không giữ nguyên lập trường như Chính phủ của Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng vào năm 1958 nữa.
Luật Gia Đặng Đình Thịnh |
Luật gia Trần Đình Thu: Theo tôi thì chúng ta rất nên làm điều này. Vì trước đây Chính phủ của Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã gửi công hàm ủng hộ rồi, nếu nay ta không có động tác gì thì vô tình chúng ta cũng bị coi là ủng hộ.
Nhưng cũng có một số ý kiến nói rằng, do Thủ tướng Phạm Văn Đồng không được ủy quyền bởi quốc hội hoặc chủ tịch nước, nên Công hàm 1958 là vô hiệu, nên chúng ta không cần quan tâm đến nó.
Luật gia Đặng Đình Thịnh: Công hàm 1958 không vô hiệu, không nên đi theo hướng lập luận như vậy.Theo Luật quốc tế, các chức danh như Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng ngoại giao, Đại sứ, Trưởng đoàn đàm phán có đủ thẩm quyền để ký các văn bản liên quan mà không cần văn bản ủy quyền.
Còn ý kiến cho rằng Hoàng Sa khi ấy thuộc quyền quản lý của miền Nam tức Việt Nam Cộng Hòa, nên phía miền Bắc không có quyền giao cho Trung Quốc, do đó công hàm này cũng vô hiệu?
Luật gia Đặng Đình Thịnh: Công hàm 1958 đâu có giao cho Trung Quốc cái gì đâu mà cần lập luận của miền Bắc hay miền Nam? Ở đây công hàm nói tôn trọng tuyên bố hải phận 12 hải lý của Trung Quốc, thì chúng ta hiểu, như vậy mỗi khi tàu hải quân, tàu đánh cá hoặc các phương tiện khác của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa đi qua vùng biển này, hoặc khi máy bay đi qua không phận này, thì phải xin phép Trung Quốc. Tôi cũng xin nói thêm, ngay cả các nước hoàn toàn không liên quan gì đến biển Đông như Lào chẳng hạn, cũng có thể gửi công hàm cho Trung Quốc về vấn đề này mà!
Luật gia Trần Đình Thu: Cần nhớ là công hàm không có giá trị xác lập biên giới lãnh thổ, nên chúng ta không nên đi sâu vào khía cạnh Hoàng Sa khi ấy thuộc về bên nào. Nếu đi theo hướng đó chúng ta dễ rơi vào sai đường.
Không có giá trị xác lập biên giới Có một số ý kiến trên mạng phê phán công hàm 1958, ông có phát biểu gì về vấn đề này? Luật gia Đặng Đình Thịnh: Như đã phân tích, công hàm 1958 không có giá trị xác lập biên giới lãnh thổ mà chỉ mang tính chất xã giao, nên không có lý do gì để phê phán. Tôi cho rằng, trong hoàn cảnh của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa vào năm 1958, việc ký công hàm là chẳng đặng đừng. Nhưng cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng đã rất khôn khéo khi cài vào trong công văn những nội dung khá chung chung, không chỉ rõ phạm vi đường lưỡi bò cũng như các đảo, quần đảo mà Trung Quốc nhắc đến trong Tuyên bố 1958. Còn việc Trung Quốc lấy công hàm ra để làm nguyên cớ nhằm cưỡng chiếm biển đảo của Việt Nam, thì đó là việc sai trái của họ. Theo tôi lúc này người Việt Nam chúng ta không nên tìm cách đổ lỗi cho quá khứ, mà phải đoàn kết một lòng để tìm ra phương cách đấu tranh hiệu quả nhất với những kẻ chiếm biển, chiếm đảo quê hương. |