Tuy nhiên, WEF đánh giá xu hướng chung của Việt Nam là môi trường kinh doanh ngày càng được cải thiện...
Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) vừa công bố Báo cáo Năng lực cạnh tranh Toàn cầu 2016-2017 (Global Competitiveness Report 2016-2017), với Việt Nam xếp ở vị trí 60, giảm 4 bậc so với năm ngoái.
Top 5 nền kinh tế dẫn đầu về năng lực cạnh tranh trong báo cáo lần này của WEF gần như không có sự thay đổi so với lần xếp hạng trước. Thụy Sỹ, Singapore và Mỹ vẫn lần lượt giữ nguyên ba vị trí tương ứng thứ nhất, nhì và ba. Đây là năm thứ 8 liên tiếp Thụy Sỹ đứng đầu xếp hạng này.
Hà Lan năm ngoái đứng thứ 5, năm nay tăng lên vị trí thứ tư, đẩy Đức từ vị trí thứ tư trong xếp hạng năm ngoái xuống thứ 5.
Top 10 của xếp hạng còn có sự góp mặt của Thụy Điển, Anh, Nhật Bản, Hồng Kông, và Phần Lan.
Trong tổng số 138 quốc gia và vùng lãnh thổ được xếp hạng, Việt Nam đứng ở vị trí 60, với điểm số 4,31/7. Quốc gia đầu bảng Thụy Sỹ được 5,81 điểm, trong khi nước “đội sổ” Yemen được 2,74 điểm.
Với vị trí này, Việt Nam ở cùng nhóm với các nền kinh tế như Brunei (58), Georgia (59), Columbia (61), và Romania (62).
So với các nền kinh tế trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đứng sau Singapore (vị trí số 2), Malaysia (25), Thái Lan (34), Indonesia (41), Philippines (57), và Brunei (58). Những nền kinh tế cùng khu vực có vị trí thấp hơn Việt Nam là Lào (93), và Campuchia (89).
Sự tụt hạng không chỉ xảy ra đối với Việt Nam mà hầu hết các nền kinh tế trong khu vực Đông Nam Á. Chẳng hạn, so với xếp hạng năm ngoái, Malaysia tụt 7 bậc, Philippines tụt 10 bậc…
Trung Quốc, nước láng giềng của Việt Nam đồng thời là nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới xếp thứ 28, không thay đổi so với năm ngoái.
Trong xếp hạng 2015-2016, Việt Nam có sự tiến bộ vượt bậc khi thăng 12 hạng. Tuy bị tụt hạng trong báo cáo năm nay, Việt Nam vẫn có điểm số tăng nhẹ so với mức 4,3 điểm của năm ngoái. WEF cũng đánh giá rằng xu hướng chung của Việt Nam là môi trường kinh doanh ngày càng được cải thiện.
Báo cáo của WEF định nghĩa năng lực cạnh tranh là một “tập hợp thể chế, chính sách và nhân tố quyết định mức năng suất của một nền kinh tế. Năng suất này quyết định mức độ thịnh vượng mà một quốc gia có thể đạt được”.
Năm nay, WEF thực hiện khảo sát 138 nền kinh tế. Các tiêu chí đánh giá của WEF được chia thành 3 nhóm chính, bao gồm: yêu cầu căn bản (với các yếu tố kinh tế vĩ mô, giáo dục cơ bản - y tế, cơ sở hạ tầng, thể chế); các yếu tố nâng cao hiệu suất (giáo dục và đào tạo bậc cao, độ hiệu quả trên thị trường lao động, hiệu quả trên thị trường hàng hóa, sự phát triển của hệ thống tài chính, trình độ công nghệ, quy mô thị trường); và các yếu tố về tinh vi - đột phá (sự tinh vi của hệ thống doanh nghiệp, khả năng đột phá).
Báo cáo của WEF cảnh báo mức độ mở cửa giảm dần trong 10 năm qua của các nền kinh tế thuộc tất cả các mức độ phát triển đang đặt ra nguy cơ đối với tăng trưởng và sáng tạo của các quốc gia. Theo WEF, mức độ mở cửa suy giảm chủ yếu là do sự gia tăng của các rào cản thương mại phi thuế quan.
“Độ mở suy giảm của nền kinh tế toàn cầu đang gây tác hại đến năng lực cạnh tranh và cản trở tăng trưởng bền vững trên diện rộng”, Chủ tịch WEF Klaus Schwab phát biểu.
Báo cáo cũng nói rằng biện pháp nới lỏng định lượng (QE) và các biện pháp chính sách tiền tệ siêu lỏng lẻo hiện nay không đủ để kích thích tăng trưởng trong dài hạn tại các nền kinh tế thu nhập cao.