Dòng sự kiện
      +Aa-
      Zalo

      Việt Nam điểm đến của những câu chuyện văn hóa và di sản độc đáo

      • Lê AnhDSPL

      (ĐS&PL) - Trong nhiều năm trở lại đây, du lịch văn hoá di sản trở thành xu hướng du lịch yêu thích của nhiều người và được nhận định sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong tương lai.

      Là một đất nước có tới 24 di sản được UNESCO công nhận, 534 di tích quốc gia đặc biệt và di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, Việt Nam đang có rất nhiều lợi thế trong xu hướng du lịch này.

      Trò chuyện với Đời sống và Pháp luật, Tiến sĩ Phạm Hà - Nhà sáng lập và CEO của LuxGroup - nhận định, Việt Nam có địa chiến lược rất tốt cho phát triển du lịch, nhưng để phát huy hết thế mạnh đang có, chúng ta cần những thay đổi để các di sản độc đáo của Việt Nam chạm đến cảm xúc của du khách.

      Nhiều cơ hội phát triển

      ĐS&PL: Thưa Tiến sĩ, ông nhận định thế nào về xu hướng du lịch văn hóa di sản trên thế giới hiện nay? Hiện tại, Việt Nam đang ở đâu trong xu hướng du lịch này?

      TS. Phạm Hà: Khi sự hội nhập giữa các nước ngày càng sâu rộng thì bản sắc của mỗi dân tộc là vốn quý, văn hóa là đầu vào của phát triển kinh tế và cũng là sức mạnh mềm của quốc gia. Thế nên, phát triển bắt nguồn từ văn hóa là điều tốt nhất để chúng ta vừa phát triển được kinh tế vừa giữ được bản sắc.

      Xu hướng phát triển du lịch văn hóa di sản đang phát triển mạnh mẽ. Một số quốc gia đã làm khá tốt như: Hàn Quốc, Nhật Bản,... Họ đã xuất khẩu văn hóa, thậm chí đưa văn hóa trở thành một ngành công nghiệp. Việt Nam cũng đang đi theo hướng như vậy và đó là một xu hướng tất yếu.

      Đêm Ả đào được tổ chức trên du thuyền giữa Vịnh Hạ Long.

      Đêm Ả đào được tổ chức trên du thuyền giữa Vịnh Hạ Long.

      ĐS&PL: Cơ hội của du lịch văn hóa di sản Việt Nam trong bối cảnh hiện tại là thế nào, thưa ông?

      TS. Phạm Hà: Việt Nam là một trong những điểm đến văn hóa, di sản phong phú với nhiều di sản từ di sản thiên nhiên, di sản vật thể đến di sản phi vật thể. Thế nên, chúng ta có nhiều cơ hội để phát triển trong xu hướng du lịch này.

      Di sản thiên nhiên của Việt Nam rất phong phú, rất đẹp. Chúng ta có nhiều sông, hồ, biển; có bờ biển dài 3.260km và nhiều vịnh thuộc hàng đẹp nhất thế giới như: vịnh Hạ Long, vịnh Lăng Cô, Vịnh Nha Trang. Chúng ta có 2 con sông lớn là sông Hồng, sông Mê Kông và rất nhiều di sản thiên nhiên khác biệt nữa. Du khách quốc tế khi đến với Việt Nam đều bị choáng ngợp bởi vẻ đẹp thiên nhiên của chúng ta.

      Không chỉ thiên nhiên, Việt Nam còn là quốc gia với hơn 4.000 năm lịch sử nên có rất nhiều di sản, cả vật thể và phi vật thể. Ở đâu đó vẫn còn những câu chuyện văn hóa đặc sắc có thể phát triển lên thành sản phẩm du lịch để du khách có thể chạm vào trong hành trình trải nghiệm. Các di sản vật thể tổ tiên để lại cũng còn rất nhiều. Từ đây, chúng ta có thể kể rất nhiều câu chuyện cho du khách.

      ĐS&PL: Là người đứng đầu một doanh nghiệp đang phát triển du lịch theo xu hướng này, theo ông đâu là điểm khác biệt tạo lợi thế cho Việt Nam so với các nước Đông Nam Á?

      TS. Phạm Hà: Chúng ta có rất nhiều khác biệt so với các nước khác trong khu vực, ví dụ các nước: Thái Lan, Indonesia, Malaysia đều không có được thiên nhiên tươi đẹp như Việt Nam. Thái Lan cũng có vịnh nhưng không thể đẹp bằng vịnh của Việt Nam. Đó là một trong những điểm mạnh nhất của Việt Nam mà các nước khác không có được.

      Không chỉ vậy, di sản phi vật thể của chúng ta rất đặc sắc. Việt Nam có nền văn hoá đa dạng với 3 vùng miền chịu ảnh hưởng từ 3 nền văn hóa khác nhau, có 54 dân tộc với 54 truyền thống khác nhau... Từ đó, ẩm thực và trang phục của người Việt rất đa dạng.

      Một điều nữa tạo nên sự khác biệt của Việt Nam là lối sống, con người, phong cách của người Việt. Người Việt Nam chúng ta rất hiền hòa và hiếu khách.

      Những điều này thu hút du khách đến với Việt Nam. Chúng đều là tài nguyên tốt cho phát triển du lịch.

      ĐS&PL: Hiện tại, câu chuyện văn hóa, di sản đang được các doanh nghiệp về du lịch kể như thế nào, thưa ông?

      TS. Phạm Hà: Các doanh nghiệp đang làm sản phẩm du lịch trải nghiệm luôn lấy câu chuyện văn hoá và tận dụng tất cả những câu chuyện vùng miền để kể chuyện về vùng đất, về con người và về di sản. Đó có thể là câu chuyện về dòng sông, về vùng biển, về ẩm thực, về địa danh,...

      Mới đây, LuxGroup đã tổ chức đêm Ả đào trên du thuyền, ngày xưa cụ Bạch Thái Bưởi đưa hát xẩm lên du thuyền cho khách và giờ đây mình cũng làm điều tương tự. Tham gia đêm Ả đào, du khách mặc trang phục truyền thồng, được lắng nghe những tiếng hát, những món đàn của Ả đào giữa vịnh di sản. Cách kể chuyện này sẽ dẫn dắt du khách, đi vào tâm trí cũng như chạm vào cảm xúc của họ một cách nhanh nhất.

      Phát triển bền vững với 5 chữ C và 3 chữ P

      ĐS&PL: Trong xu hướng du lịch di sản, cộng đồng địa phương đóng vai trò quan trọng trong việc chạm đến cảm xúc của du khách. Hiện tại, yếu tố này ở Việt Nam đang được thể hiện như thế nào và cần làm gì để dấu ấn của cộng đồng địa phương trở nên nổi bật hơn?

      Tiến sĩ Phạm Hà - Nhà sáng lập và CEO của LuxGroup.

      Tiến sĩ Phạm Hà - Nhà sáng lập và CEO của LuxGroup.

      TS. Phạm Hà: Ở một số địa phương, chính quyền chưa thực sự coi trọng du lịch. Thế nên, có nơi làm tốt nhưng cũng có một số nơi làm chưa tốt. Thậm chí, nhiều địa phương vẫn chưa tôn trọng những di sản quý giá của chính quê hương, đất nước mình, vẫn còn chuyện lấp vịnh, lấp biển,...

      Du khách nước ngoài khi đi khám phá, họ sẽ cảm thụ văn hoá địa phương, qua đó nâng tầm di sản của chúng ta. Để làm được điều này, bản thân mỗi người Việt Nam phải trân quý những di sản của chính quê hương mình, đất nước mình.

      Còn về câu hỏi, làm sao để dấu ấn của cộng đồng địa phương trở nên nổi bật hơn? thì tôi cho rằng chúng ta phải để cộng đồng địa phương thấy, họ có thể sống được bằng du lịch.

      Du lịch đang phát triển dựa trên 5 chữ C gồm: Culture - Văn hóa, Cuisine - Ẩm thực, Customization - Nhu cầu khách hàng, Community - Cộng đồng, Content - sản phẩm du lịch trải nghiệm độc đáo bắt rễ văn hóa. Trong đó, Community - Cộng đồng là rất quan trọng. Cộng đồng ở đây là cộng đồng địa phương được hưởng lợi.

      ĐS&PL: Một vấn đề đã và đang được nhiều chuyên gia nhắc đến là sự cân bằng giữa phát triển du lịch - bảo tồn văn hóa, di sản - bảo vệ môi trường. Bài toán này chúng ta nên giải như thế nào?

      TS. Phạm Hà: Phát triển bền vững là điều chắc chắn phải làm. Chúng ta đều đã biết đến nguyên tắc phát triển 3 chữ P gồm: Place - Nơi chốn, Patnership - Sự hợp tác và Prosperity - Sự thịnh vượng. Trong đó, Place và Patnership là điều quan trọng để làm nên sự phát triển bền vững của du lịch.

      Phát triển bền vững không phải là lựa chọn mà là bắt buộc. Chính phủ Việt Nam cũng đã cam kết COP26 và Net Zero trước năm 2050 nên chúng ta buộc phải có những hành động cụ thể. Để thực hiện được mục tiêu đã đặt ra, chúng ta phải hợp tác với nhau, phải cùng xanh, cùng sạch, cùng đẹp thì mới có thể bền vững.

      Nhận diện và bứt tốc

      ĐS&PL: Du lịch Việt Nam được đánh giá có nhiều tiềm năng và được kỳ vọng sẽ trở thành 1 trong 4 trụ cột kinh tế. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, du lịch có dấu hiệu khởi sắc nhưng chưa thực sự đạt được bước nhảy vọt. Chúng ta còn thiếu điều gì, thưa ông?

      TS. Phạm Hà: Chúng ta chưa có chiến lược tốt để định vị du lịch Việt Nam là điểm đến hàng đầu trong khu vực, chẳng hạn như: điểm đến di sản hàng đầu, điểm đến ẩm thực hàng đầu... Phải làm được điều này chúng ta mới phát huy hết những giá trị, những điểm nổi trội, những nét văn hóa độc đáo của Việt Nam.

      15 năm rồi chúng ta chưa định vị lại thương hiệu, nó đã quá cũ. Việc định vị lại thương hiệu quốc gia với nội dung sâu sắc là điều rất quan trọng. Đó là điều khẩn cấp, cần làm ngay.

      Bên cạnh đó, việc chưa có một chiến lược bài bản ở tầm quốc gia về văn hoá cũng là lý do khiến Việt Nam chúng ta chưa phát huy hết điểm mạnh, điểm độc đáo của mình. Để phát huy được sức mạnh tổng thể, chúng ta cần có một kế hoạch bài bản và xuyên suốt. Nếu có sự phối hợp công - tư, nếu Nhà nước có những chiến lược, chính sách để phục hưng văn hoá thì trong tương lai, mọi chuyện sẽ tốt hơn.

      ĐS&PL: Vậy theo ông, chúng ta cần làm gì để tăng tốc?

      TS. Phạm Hà: Chúng ta cần đánh giá lại những điều đã làm được và chưa làm được sau nhiều năm thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW để có thể xây dựng lộ trình phát triển cho thời gian tới.

      Xu hướng phát triển du lịch văn hóa di sản đang phát triển mạnh mẽ.

      Xu hướng phát triển du lịch văn hóa di sản đang phát triển mạnh mẽ.

      Chúng ta đang thiếu các con số, các thống kê chính xác số lượng khách, loại hình du lịch, tạo nguồn khách như thế nào, nghiên cứu thị trường ra sao... đang rất thiếu. Chúng ta cũng đang quá thừa những sản phẩm chung chung và thiếu những sản phẩm độc đáo mang tính đặc trưng của Việt Nam.

      Một vấn đề nữa là cơ chế chính sách về du lịch vẫn chưa rõ ràng, chưa tốt, chưa thực sự thúc đẩy được ngành này trở thành một ngành kinh tế. Thiếu nhân lực cũng là một vấn đề chúng ta đang phải đối mặt.

      Để phát triển du lịch bền vững, chúng ta phải nhìn nhận được những điều đang tồn tại để gỡ các nút thắt. Có những nút thắt cần tháo gỡ từ Trung ương đến địa phương mới có thể tạo điều kiện thuận lợi nhất để phát triển du lịch. Khi các vấn đề tồn tại được giải quyết, du khách quốc tế sẽ đến Việt Nam dễ hơn, đến rồi sẽ vui hơn, đa trải nghiệm hơn. Đó là những điều tốt cho du lịch Việt Nam, giúp du lịch Việt Nam phát triển mạnh mẽ.

      Cảm ơn ông đã trò chuyện cùng Đời sống và Pháp luật!

      Bài đăng trên ấn phẩm báo in Đời sống & Pháp luật số 20 đến 29 (ra từ ngày 23/1/2025 đến 3/2/2025).

      Link bài gốcLấy link
      https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/viet-nam-iem-en-cua-nhung-cau-chuyen-van-hoa-va-di-san-oc-ao-a503439.html
      Zalo

      Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

      Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

      Đã tặng:
      Tặng quà tác giả
      BÌNH LUẬN
      Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
      Tin liên quan
      Tin cùng chuyên mục
      Nổi bật trong ngày