+Aa-
    Zalo

    Việt Nam đã sẵn sàng đảm nhiệm cương vị ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Việt Nam đang tích cực vận động để lần thứ hai trở thành ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ.

    Việt Nam đang tích cực vận động để lần thứ hai trở thành ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ và giới chuyên gia quốc tế đánh giá Việt Nam đã sẵn sàng đảm nhiệm cương vị này.

    Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Phiên thảo luận Đại hội đồng Liên hợp quốc lần thứ 73. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

    Chuyên trang quan sát và phân tích địa chính trị Geopolitical Monitor vừa đăng bài phân tích của chuyên gia James Borton có tựa đề "Việt Nam sẵn sàng đảm nhiệm một ghế tại Hội đồng Bảo an LHQ" (Vietnam Ready for a Seat at the UN Security Council).

    Chuyên gia James Borton đánh giá Việt Nam đang ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với an ninh khu vực và quốc tế, nhất là từ sau Hội nghị Cấp cao Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) hồi năm ngoái ở Đà Nẵng, sự kiện có sự tham dự của hàng loạt nhà lãnh đạo thế giới như Tổng thống Mỹ Donald Trump, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin.

    Trong ba thập niên vừa qua, Việt Nam đã được công nhận trên toàn cầu như là một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Việt Nam thông qua các cơ chế thị trường để từ đó dẫn đến hơn 2 thập kỷ tăng trưởng kinh tế ấn tượng. Đáng chú ý, Việt Nam ngày càng hội nhập sâu hơn vào hệ thống kinh tế quốc tế, ví dụ như việc trở thành thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2007, gia nhập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) năm 1995 và APEC năm 1998.... Các nỗ lực đáng chú ý của Việt Nam thời gian qua còn bao gồm việc mở ra những cơ hội hợp tác với các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB)... Tất cả thành tựu đó đạt được trong bối cảnh Việt Nam luôn giữ được nền kinh tế và chính trị ổn định.

    Tháng 10/2007, Việt Nam lần đầu tiên được bầu làm ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ. Ông Carl Thayer, Giáo sư danh dự tại Đại học New South Wales (Australia), cho biết: “Trong nhiệm kỳ đầu tiên năm 2008-2009, Mỹ đã đánh giá cao Việt Nam vì những đóng góp tích cực và sự hợp tác chặt chẽ trong việc giải quyết các vấn đề then chốt như không phổ biến vũ khí hạt nhân và chống khủng bố”.

    Với tư cách thành viên không thường trực của HĐBA LHQ, Việt Nam cũng đã thực hiện cam kết đóng góp cho hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ tại Nam Sudan. Trọng tâm của sự cởi mở và hội nhập với thế giới là việc Việt Nam sẵn sàng đóng góp tiếng nói và vị trí nổi bật hơn tại LHQ. Đây là bằng chứng rõ rệt nhất trong những nỗ lực thành công của Việt Nam tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ từ đầu năm 2014.

    Tháng 8/2018, Trưởng Phái đoàn đại diện Việt Nam tại LHQ, Đại sứ Đặng Đình Quý đã có bài phát biểu trước HĐBA trong một phiên tranh luận mở về "hòa giải và giải quyết tranh chấp". Đại sứ Đặng Đình Quý tái khẳng định chính sách ngoại giao và hiến chương hòa bình của LHQ, trong đó bao gồm việc thúc đẩy các biện pháp giải quyết hòa bình đối với các xung đột. Việt Nam nhấn mạnh tầm quan trọng thiết yếu của các tổ chức khu vực trong việc duy trì hòa bình, ổn định và an ninh quốc tế.

    Sự kiện Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tham dự và có bài phát biểu quan trọng tại Phiên thảo luận cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 73 gửi một thông điệp rõ ràng tới Hội đồng Bảo an rằng Việt Nam cam kết hợp tác, chủ động thúc đẩy đối thoại và hiểu biết lẫn nhau, cũng như tăng cường môi trường hợp tác và hữu nghị trong khu vực cũng như trên thế giới.

    Từng trải qua nửa thế kỷ chiến tranh, Việt Nam luôn ủng hộ các sáng kiến của LHQ nhằm đề cao những nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và Hiến chương LHQ trong việc giải quyết hòa bình các xung đột quốc tế.

    Việt Nam cũng đã thông qua “Sáng kiến một Liên hợp quốc” năm 2006: Một kế hoạch, một ngân sách, một lãnh đạo và một bộ thực hành quản lý. Việt Nam đồng thời được đánh giá là đạt được nhiều mục tiêu thiên niên kỷ về xóa đói giảm nghèo, mở rộng giáo dục tiểu học, thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ, giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ em...

    Bài viết trên Geopolitical Monitorl nhận định, bất chấp việc Trung Quốc tăng cường quân sự hóa trên các đảo và bãi đá tranh chấp ở Biển Đông, Việt Nam kiên định quan điểm giải quyết mọi tranh chấp thông qua biện pháp hòa bình và trên nguyên tắc tôn trọng luật pháp quốc tế. Chuyên gia Borton đánh giá Việt Nam đã đóng vai trò là "Người kiến tạo hòa bình" ở Biển Đông.

    HĐBA LHQ có 5 nước ủy viên thường trực là Trung Quốc, Nga, Anh, Pháp, Mỹ và 10 nước ủy viên không thường trực. 10 nước ủy viên không thường trực được bầu luân phiên tại Đại hội đồng LHQ cho nhiệm kỳ 2 năm, mỗi năm có 5 ủy viên bị thay thế. Các thành viên được chọn bởi những nhóm các quốc gia theo cùng một khu vực địa lý, rồi được phê chuẩn bởi Đại hội đồng LHQ.

    Đại hội đồng LHQ sẽ bỏ phiếu bầu ủy viên không thường trực HĐBA vào tháng 6/2019. Các ứng viên được chọn từ 1 trong 5 khối địa lý. Theo bài viết trên trang mạng Geopolitical Monitor đăng ngày 27/9, Việt Nam là ứng cử viên thuộc nhóm 54 quốc gia châu Á-Thái Bình Dương.

    Theo TTXVN

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/viet-nam-da-san-sang-dam-nhiem-cuong-vi-uy-vien-khong-thuong-truc-hoi-dong-bao-an-lhq-a245780.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan