+Aa-
    Zalo

    Việt Nam đã 20 lần yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL)- “Cho đến nay, khoảng 20 cuộc giao thiệp với phía Trung Quốc đã diễn ra. Tại đó ta cương quyết đấu tranh, đòi Trung Quốc phải rút giàn khoan và các tàu hộ tống".

    (ĐSPL)- “Cho đến nay, khoảng 20 cuộc giao thiệp với phía Trung Quốc đã diễn ra. Tại đó ta cương quyết đấu tranh, đòi phía Trung Quốc phải rút giàn khoan và các tàu hộ tống ra khỏi khu vực”, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết.
    Chiều 20/5, trao đổi với báo giới bên lề kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIII, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định, lập trường kiên quyết của Việt Nam là Trung Quốc phải rút giàn khoan và tàu hộ tống ra khỏi khu vực thuộc vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam.
     
    Việt Nam đã 20 lần yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan
    Phó thủ tướng Phạm Bình Minh trao đổi với báo giới bên hành lang Quốc hội chiều 20/5.
    Theo Phó thủ tướng, Việt Nam vẫn tiếp tục các biện pháp đấu tranh ngoại giao mà một trong những biện pháp chủ yếu là giao thiệp trực tiếp với Trung Quốc. “Cho đến nay khoảng 20 cuộc giao thiệp với phía Trung Quốc đã diễn ra. Tại đó, ta cương quyết đấu tranh, đòi phía Trung Quốc phải rút giàn khoan và các tàu hộ tống ra khỏi khu vực. Đó là lập trường kiên quyết của chúng ta. Còn phía Trung Quốc cho đến nay họ vẫn duy trì giàn khoan và ngày càng tăng cường thêm số lượng tàu hộ tống tại khu vực này cho thấy họ vẫn ngoan cố không chịu rút”, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh cho hay.
    Theo Phó thủ tướng, vừa Việt Nam đã thể hiện rõ quan điểm của mình qua bài phát biểu của Thủ tướng mới đây tại hội nghị cấp cao ASEAN và bài phát biểu khai mạc kỳ họp thứ 7 của Chủ tịch Quốc hội. “Chúng ta kiên quyết đấu tranh và thực hiện các biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế để bảo vệ chủ quyền của ta”, ông Minh khẳng định.
    Về thông tin Trung Quốc sẽ rút một số thỏa thuận với phía Việt Nam, Phó thủ tướng bác bỏ và khẳng định: “Chưa có việc rút thỏa thuận nào cả vì quan hệ giữa chúng ta với Trung Quốc là quan hệ phát triển giữa hai nước và nhân dân hai nước nên chúng ta vẫn phải tiếp tục phát triển mối quan hệ này. Còn việc đấu tranh bảo vệ chủ quyền thì đó vẫn là công việc phải làm của chúng ta, không cho phép các nước xâm phạm quyền chủ quyền của chúng ta”.

    ĐB Dương Trung Quốc (Đồng Nai): Quốc hội nên ra Nghị quyết về tình hình Biển Đông

    Việt Nam đã 20 lần yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan
    ĐB Dương Trung Quốc.

    Cá nhân tôi, tôi rất đồng tình ý kiến Quốc hội nên ra nghị quyết về tình hình Biển Đông. Bởi vì, Quốc hội phát biểu ý kiến của mình, vừa với chức năng là tiếng nói, nguyện vọng của nhân dân, vừa với chức năng là cơ quan giám sát tối cao. Tình hình càng phức tạp bao nhiêu thì sự giám sát phải càng chặt chẽ bấy nhiêu. Hơn nữa, tôi nghĩ là Nghị quyết này còn có tác động mạnh tới cuộc đấu tranh ngoại giao nữa. Tiếng nói ngoại giao nhân dân bao giờ cũng có trọng lượng. Kể cả chúng ta nói tiếng nói hữu nghị với nhân dân Trung Quốc. Chuyện đó thì ta đã có kinh nghiệm trong thời kỳ chiến tranh bảo vệ Tổ quốc trước đây rồi và không bao giờ được quên mặt trận ngoại giao nhân dân. Tiếng nói của Quốc hội là một tiếng nói rất quan trọng.

    Điều tôi băn khoăn nhất hiện nay là liệu chúng ta có chủ động không hay là chúng ta vẫn lại ứng phó nhiều hơn. Ví dụ như thời gian từ ngày 1/5 – 8/5, chúng ta có nắm được vấn đề hay không, có chủ động được trong mọi hành động hay không? Chuyện đó rất khó nói vì nó chính là sự nhạy cảm chính trị. Thứ hai là vì sao lại để xảy ra tình trạng quá khích bột phát như vừa qua ở một số địa phương. Sau hành vi bột phát này là cái gì thì phải phân tích cho kỹ. Đương nhiên cũng có những người dân chưa được trang bị đầy đủ kiến thức, sự hiểu biết về luật pháp. Chúng ta phải chủ động trang bị cho người dân cả ý thức và kỹ năng để thể hiện ý thức. Cái đó theo tôi rất quan trọng, cái đó chính là nhạy cảm chính trị. Chúng ta có một bộ máy không nhỏ bảo vệ trị an, rất nhiều đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội mà tại sao không biết tập hợp lực lượng, đội ngũ một cách đúng đắn, bài bản và kỷ luật, tập trung lòng yêu nước của nhân dân về một hướng?

    ĐB Bùi Thị An (Hà Nội): Chính phủ phải có những hỗ trợ đặc biệt

    Việt Nam đã 20 lần yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan
    Đại biểu Bùi Thị An.

    Nhiệm vụ cao nhất của đất nước chúng ta hiện giờ có hai việc. Một là, xây dựng đất nước mạnh về mặt kinh tế. Hai là, bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ. Đó cũng chính là những vấn đề nóng lên ngay từ lúc khai mạc kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII. Các đại biểu Quốc hội đều mong muốn sẽ phải có những giải pháp rất cụ thể, có tiến độ, lộ trình để giải quyết chủ quyền có hiệu quả, đáp ứng lòng mong mỏi của nhân dân cả nước. Nhân dân Việt Nam vốn rất yêu nước, với tinh thần sôi sục khắp đất nước. Tuy nhiên, cần giải pháp như thế nào để đảm bảo được mục tiêu trên thì Chính phủ phải trình với Quốc hội.

    Tôi đánh giá rất cao tinh thần của ngư dân, lực lượng kiểm ngư, và cảnh sát biển trong giai đoạn vừa qua. Điều đó thể hiện tấm lòng yêu nước rất là cao. Họ đã không quản hi sinh, thậm chí tính mạng để bảo vệ chủ quyền đất nước. Với tư cách là đại biểu Quốc hội, tôi sẽ kiến nghị Chính phủ phải có những hỗ trợ đặc biệt, đảm bảo điều kiện về kinh tế, trang thiết bị, phương tiện, đảm bảo cho họ có thể hoạt động được để đảm bảo lợi ích kinh tế, và bảo vệ chủ quyền.

    ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng): Trung Quốc làm quá, Việt Nam phải có cách ứng xử tương xứng

    Việt Nam đã 20 lần yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan
    Đại biểu Trần Ngọc Vinh.

    Hiện chưa có nước nào ủng hộ hành động sai trái này của Trung Quốc. Việt Nam luôn kiềm chế, kêu gọi Trung Quốc tôn trọng luật pháp quốc tế. Việt Nam luôn luôn đảm bảo muốn giữ hòa bình để phát triển đất nước, cũng như tôn trọng cam kết giữa hai Đảng, Chính phủ của hai nước. Nhưng đến nay Trung Quốc chưa tỏ thái độ hòa hiếu với Việt Nam. Đến giờ phút này, Việt Nam vẫn kiên trì dùng mọi biện pháp đề nghị Trung Quốc tôn trọng các cam kết với Việt Nam và các nước ASEAN, đặc biệt là tôn trọng Luật biển quốc tế 1982. Trước dư luận quốc tế, Trung Quốc phải có hành động cử chỉ, xem xét lại thái độ.

    Từ trước đến nay cha ông ta luôn bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ bằng biện pháp hòa bình, nhưng nếu Trung Quốc không chấp nhận thì chúng ta phải có giải pháp để giải quyết vấn đề này trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế. Chúng ta phải xem Trung Quốc có biện pháp tiếp theo như thế nào để đề ra biện pháp ứng xử cho tương xứng.

    Hiện cử tri cả nước cũng rất quan tâm, Quốc hội cũng phải thay đổi chương trình để có những đối sách với Trung Quốc. Quan điểm của Việt Nam là tôn trọng luật pháp quốc tế, tôn trọng các cam kết của Việt Nam đối với Trung Quốc về biển Đông. Nhưng nếu chúng ta đã làm mọi cách mà Trung Quốc không thực hiện, thì lúc đó Việt Nam tiếp tục phải có biện pháp yêu cầu Tòa án quốc tế để phân xử chuyện đúng-sai. Tất cả các nước, hay con người đều có sự chịu đựng ở một mức độ nào đó. Chúng ta rất muốn hòa bình, chúng ta rất tôn trọng. Nhưng nếu Trung Quốc cứ làm quá, chúng ta phải có cách ứng xử cho tương xứng. 

     
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/viet-nam-da-20-lan-yeu-cau-trung-quoc-rut-gian-khoan-a33691.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.