Đêm chủ nhật tuần này, những người yêu thiên văn tại Việt Nam sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng mưa sao băng Lyrid (còn gọi là mưa sao băng Thiên Cầm).
Mưa sao băng Lyrids (còn gọi là Thiên Cầm) được hình thành từ các hạt bụi để lại bởi sao chổi Thatcher, thường diễn ra từ 16/4 đến 25/4. Năm nay mưa sao băng Lyrids đạt đỉnh điểm vào đêm 22, rạng sáng 23 theo giờ Việt Nam.
Trung bình lượng sao băng của Thiên Cầm rơi vào khoảng 15-20 vệt/giờ. Tuy nhiên, số lượng sao băng là rất khó đoán định trước. Lịch sử từng ghi nhận trường hợp sao băng Lyrids “bùng nổ” trên bầu trời như năm 1982, mưa sao băng Lyrids đạt tới 180-300 vệt sao băng chỉ trong vài phút hay năm 1922 mưa sao băng đạt 100 vệt/giờ.
Các vệt sao băng sẽ xuất hiện gần sao Chức Nữ - ngôi sao sáng nhất trong chòm sao Thiên Cầm. |
Các vệt sao băng sẽ xuất hiện gần sao Chức Nữ - ngôi sao sáng nhất trong chòm sao Thiên Cầm. Tuy nhiên NASA khuyên bạn nên nhìn xa điểm này để các vệt sao băng sẽ trông đẹp hơn và dài hơn.
Việc quan sát mưa sao băng Lyrid sẽ không bị ảnh hưởng nhiều bởi ánh trăng. Thời gian quan sát tốt nhất là sau nửa đêm khi chòm sao Thiên Cầm đã mọc trên cao. Người quan sát nhìn về phía trời đông, chọn nơi ít ánh sáng đèn và ô nhiễm không khí. Lưu ý nên xem dự báo thời tiết trước khi quan sát.
Mưa sao băng dù ngắn nhưng hoàn toàn có thể nhìn được bằng mắt thường. Do đó bạn nên chọn đúng thời điểm và tìm nơi có tầm nhìn càng rộng càng tốt để ngắm sao băng. Nếu ngắm qua kính viễn vọng hay ống nhòm bạn có thể sẽ để sót mất một số hình ảnh đẹp.
Sau mưa sao băng Lyrid, người yêu thiên văn tiếp tục có cơ hội chiêm ngưỡng mưa sao băng Bảo Bình, một trận mưa sao băng khá lớn xuất hiện trong tháng 5.
Mỹ An (T/h)