Bác sĩ có biết, kết quả xét nghiệm bộ nhiễm sắc thể của V. là 46 xx (giới tính nữ). Như vậy, nếu được phẫu thuật thành nam giới thì đây chính thức là ca phẫu thuật chuyển giới đầu tiên tại Việt Nam.
Không phải ai sinh ra cũng được sống đúng với giới tính thật của mình. Trên thực tế, có rất nhiều trường hợp luôn sống trong mặc cảm, tự ti vì không được ‘là chính mình’. Chính vì vậy, với họ việc được xã hội công nhận ‘giới tính thứ 3’ là vô cùng quan trọng. Thế nhưng, được phẫu thuật chuyển giới về với ‘chính mình’ lại càng quan trọng hơn.
Tuy nhiên, những người thuộc cộng đồng đồng tính (LGBT) nếu muốn chuyển giới phải trải qua quá trình gian nan phức tạp và buộc phải sử dụng hormone suốt đời.
VnExpress cho hay, hiện nay, nước ta có khoảng 500.000 người thuộc cộng đồng LGBT. Trong đó, khoảng 500-1.000 người đã ra ngước ngoài chuyển đổi giới tính và sinh sống ở Việt Nam.
Mới đây, báo Phụ nữ có đăng tải thông tin chuẩn bị phẫu thuật chuyển giới cho trường hợp đầu tiên tại Việt Nam thu hút được sự quan tâm của nhiều người.
Bệnh nhân vô cùng khổ sở phải lấy băng vải cột ép ngực lại, sinh hoạt bị hạn chế rất nhiều. Ảnh Phụ nữ Online. |
Ngày 8/3, N.A.V. (sinh năm 1992, sống tại Nha Trang) tới Bệnh viện Bình Dân khám. V. kể mình mang tên con gái, lớn lên thân hình nảy nở và có ngực như con gái nhưng bộ phận sinh dục lại… nửa gái nửa trai.
Trong suy nghĩ, V. luôn coi mình là con trai, bệnh nhân vô cùng khổ sở phải lấy băng vải cột ép ngực lại, sinh hoạt bị hạn chế rất nhiều.
Chia sẻ với báo Phụ nữ, V. cho biết, mình đã nhiều lần tâm sự với bác sĩ: “Em chấp nhận hết mọi đau đớn, chỉ mong được trở thành nam giới”.
Mặc dù được các bác sĩ tư vấn nhiều lần về lợi hại của ca phẫu thuật nhưng bệnh nhân vẫn kiên định, thậm chí còn đưa cả cha mẹ mình tới để thuyết phục bác sĩ và bệnh viện.
Ngày 10/4, Thạc sĩ bác sĩ Mai Bá Tiến Dũng, Trưởng Khoa Nam học, Bệnh viện Bình Dân TP.HCM, cho biết bệnh viện này đang chuẩn bị các thủ tục cho ca phẫu thuật chuyển giới đầu tiên tại Việt Nam.
“Phẫu thuật chuyển giới đã được luật cho phép nhưng lâu nay còn thiếu thông tư dưới luật hướng dẫn nên chưa thể thực hiện. Vào thời điểm này, chúng tôi vừa tiếp nhận một trường hợp có nguyện vọng xin được phẫu thuật chuyển giới.
Sau khi thăm khám và làm các xét nghiệm, xem xét hoàn cảnh, chúng tôi thấy nguyện vọng của bệnh nhân xứng đáng, ngay trong ngày 10/4 đã trình ban giám đốc và đưa ra hội đồng chuyên môn hội chẩn”, bác sĩ Dũng nói.
Theo bác sĩ Dũng, sau khi được hội đồng chuyên môn thông qua, Bệnh viện Bình Dân sẽ làm đề xuất gửi Sở Y tế, tiếp đến là cử một đoàn về địa phương của người có nhu cầu phẫu thuật chuyển giới nói trên để làm việc.
Các thủ tục sẽ được làm thật kỹ càng, giúp sau khi phẫu thuật bệnh nhân tránh gặp những rắc rối vì phải thay đổi tên, giới tính trong giấy khai sinh và chứng minh nhân dân.
Kết quả xét nghiệm bộ nhiễm sắc thể của bệnh nhân là 46 xx (giới tính nữ). Như vậy, nếu được phẫu thuật thành nam giới thì đây chính thức là ca phẫu thuật chuyển giới đầu tiên tại Việt Nam.
Trước đó, trao đổi với Tri thức trực tuyến, Đại tá, TS.BS Nguyễn Huy Thọ - nguyên Chủ nhiệm khoa Phẫu thuật Hàm mặt và Tạo hình, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Phó Chủ tịch Hội Phẫu thuật Tạo hình và Thẩm mỹ Hà Nội cho hay mỗi ca đòi hỏi thời gian thực hiện lâu dài, tốn kém với hàng chục lần phẫu thuật, cùng sự tham gia đông đảo của đội ngũ y bác sĩ.
Ông cho biết thêm, theo quy định của Bộ Y tế, hiện chỉ có ba cơ sở được phép xác định lại giới tính gồm Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP HCM), Bệnh viện Nhi Trung ương và Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.
Bác sĩ Thọ cho biết để trở về đúng giới tính thật, người có nhu cầu phải trải qua quá trình chuyển giới gồm 4 bước rất gian nan và tốn kém. Cụ thể:
Chuẩn bị tâm lý: Sau chuyển giới, nhiều người phải chịu đựng nỗi đau về mặt tinh thần, thậm chí còn hơn cả nỗi đau do phẫu thuật gây nên. Do đó, khâu chuẩn bị tâm lý cho người chuyển giới rất quan trọng.
Thử hormone: Sau khi chắc chắn thực hiện phẫu thuật chuyển giới, người có nhu cầu sẽ phải uống hoặc tiêm hormone trong một năm để thử khả năng tương thích cũng như thay thế cho các hormone hiện có.
Phẫu thuật: Đây là giai đoạn quan trọng nhất của quá trình chuyển giới. Sau khi kết thúc thời gian điều trị tâm lý và hormone, người chuyển giới sẽ trải qua các lần phẫu thuật để tái tạo các cơ quan sinh dục phụ và tạo hình các cơ quan sinh dục mới theo giới mà bệnh nhân yêu cầu. Ngoài ra, bác sĩ còn phải làm một số thủ thuật khác về xương mặt, cơ bắp, đầu gối, ngực để phù hợp với giới tính.
Duy trì sử dụng hormone: Sau khi được phẫu thuật về đúng giới tính mong muốn, người chuyển giới bắt buộc phải duy trì sử dụng hormone suốt đời.
Luật chuyển giới ở Việt Nam Sáng ngày 24/11, Quốc hội đã thông qua quyền chuyển đối giới tính. Bộ luật có hiệu lực thi hành từ đầu năm 2017. Cụ thể, điều 37 - Chuyển đổi giới tính của Bộ luật Dân sự mới quy định: “Việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật. Cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có các quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan''. Việc phẫu thuật chuyển giới trước nay bị cấm tại Việt Nam, nên người chuyển giới phải sang Thái Lan hay các nước khác để phẫu thuật. Với quy định mới, “việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật” có nghĩa là công dân có quyền chuyển đổi giới tính tại Việt Nam. |
Tổng hợp