Sáng nay, trong phiên họp của Quốc hội, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí cho biết, năm 2016 có 70 trường hợp án oan sai, năm 2017 phấn đấu còn 32 trường hợp.
Sáng 7/11, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về các báo cáo về công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao năm 2017; công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2017.
Giải trình trước Quốc hội về những vấn đề đại biểu đã nêu trong phiên thảo luận cả ngày hôm qua 6/7 và sáng nay 7/11 liên quan đến án oan sai, án tạm đình chỉ, Viện trưởng Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí cho rằng, khó tránh được án oan sai, nhưng đã sai thì phải dũng cảm sửa.
Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí giải trình làm rõ vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN |
Ông Lê Minh Trí khẳng định, án oan sai là vấn đề hết sức nghiêm trọng vì hậu quả không thể và cũng không dễ khắc phục. Án oán sai không chỉ ảnh hưởng đến uy tín, danh dự, cuộc sống cá nhân đó, mà còn ảnh hưởng tới cả dòng họ, quê hương, nên cần xử lý quyết liệt.
Năm 2016 có 70 trường hợp oan sai, năm 2017 phấn đấu còn 32 trường hợp. Đây là nỗ lực lớn, nhưng so với yêu cầu và bức xúc này thì phải tiếp tục làm nữa và rất mong các đại biểu Quốc hội chia sẻ.
Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cũng cho rằng, khó có thể tránh được hết các án oan sai, nhưng cái chính là sai thì phải dũng cảm sửa, xử lý, khắc phục, không để oan sai nữa.
Hiện nay, Cơ quan điều tra của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao thực hiện chức năng xử lý các hành vi xâm phạm hoạt động tư pháp, trong đó có vấn đề để oan sai, để lọt tội phạm ... Đây là công cụ góp phần làm trong sạch, trả lời câu hỏi mà đại biểu hỏi rằng trong các cơ quan bảo vệ pháp luật, thanh tra, kiểm toán,... có tiêu cực hay không?
Ông Lê Minh Trí cũng cho rằng, đây là nhiệm vụ khó khăn vì về mặt tình cảm, đối tượng điều tra là đồng chí, đồng đội của mình. Mà trong cơ quan khối tư pháp, nếu những con người này sai phạm thì thu thập chứng cứ cũng không dễ. Nhưng “sẽ cố gắng làm hết sức để kiểm soát và hạn chế để đảm bảo nền tư pháp ngày càng minh bạch, đáp ứng được yêu cầu lớn nhất là lòng tin của người dân với các cơ quan tư pháp”, ông Lê Minh Trí khẳng định.
Riêng với những án tạm đình chỉ, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã chỉ đạo 63 viện trưởng của 63 tỉnh, thành rà soát và có báo cáo. Ngành kiểm sát cũng đã ra Chỉ thị 28 chỉ đạo ngành chủ động rà soát, xử lý số án tạm đình chỉ này.
Trước đó, trong các phiên thảo luận, các đại biểu cũng đã đặt vấn đề hiệu quả hoạt động của các cơ quan tư pháp. Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, bộ máy hành chính ngành tư pháp có nhiều nỗ lực nhưng có cử tri cho rằng năng suất, hiệu quả của bộ máy hành chính công của ngành tư pháp chưa cao.
“Về thời gian, sự chậm trễ trong bộ máy tư pháp là khủng khiếp với người dân. Có những vụ việc đơn giản cũng kéo dài, nhiều đơn từ giấy phép biết là lãnh đạo đã ký rồi nhưng mấy tuần vẫn chưa tới người dân, đòi hỏi người dân phải chạy, phải bôi chơn để lót tay thông qua qua nhân viên nào đó hay “cò”, đại biểu Trương Trọng Nghĩa nhấn mạnh.
Theo đại biểu Nghĩa, dù kỷ luật về thời gian đều có nhưng thời gian tới đề nghị các ngành toà án, công an, viện kiểm sát phải siết lại kỷ luật công vụ.
“Chúng ta hay nói lý do là anh em quá tải nhưng thực chất là kỷ luật lỏng lẻo. Đây là một trong các nguyên nhân dẫn tới tiêu cực nên người ta cứ phải chạy chọt, lót tay và người ta thấy cứ chạy chọt, lót tay thì lại chạy nhanh hơn”, đại biểu Trương Trọng Nghĩa khẳng định.
Xuân Phong