+Aa-
    Zalo

    Việc tăng phí ATM cần minh bạch và đi kèm chất lượng dịch vụ

    • DSPL

    (ĐS&PL) - “Các ngân hàng có quyền tăng phí ATM, tuy nhiên việc tăng phí cần phải minh bạch, áp dụng phù hợp đi kèm chất lượng dịch vụ đi lên”, nguyên Thống đốc NHNN cho biết.

    “Các ngân hàng có quyền tăng phí ATM, tuy nhiên việc tăng phí cần phải minh bạch, áp dụng phù hợp đi kèm chất lượng dịch vụ đi lên”, ông Cao Sỹ Kiêm - nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nhận định.

    Vừa qua, khi cả bốn "ông lớn" là Agribank, Vietcombank, BIDV và VietinBank đồng loạt thông báo tăng phí ATM đã vấp phải sự phản đối mạnh từ phía khách hàng. 

    Bạn Hoàng Thanh Xuân, sinh viên Đại học Thủy lợi, cho biết: “Ngày trước khi mở thẻ ATM thì ngân hàng khuyến mại đủ thứ, nhưng khi dùng mới biết hết phí thường niên, phí SMS, phí rút tiền. Ngay cả rút tiền nội mạng tại cây ATM của ngân hàng cũng mất phí. Trong khi đó, có những cây ATM tự dưng "chết", khách xếp hàng dài cả nửa tiếng mới rút được tiền. Dịch vụ như vậy sao bắt khách hàng trả thêm? ”.

    “Tiền của người dùng thẻ gửi vào đó khi chưa có nhu cầu dùng thì ngân hàng có thể giao dịch, sao họ không trả lãi cho chủ thẻ. Giờ lại tăng phí thẻ là sao?", anh Đào Thế Đương (Thanh Xuân, Hà Nội) bức xúc.

    Bên cạnh đó một số khách hàng cho rằng việc tăng phí phải đi cùng với chất lượng dịch vụ, đặc biệt là đảm bảo về bảo mật thông tin.

    Qua đó PV đã có cuộc trao đổi với ông Cao Sỹ Kiêm, Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về vấn đề này, ông nhận định: “Các ngân hàng có quyền tăng phí ATM, tuy nhiên việc tăng phí cần phải minh bạch và áp dụng phù hợp, đi kèm chất lượng dịch vụ đi lên”.

    Tiêu dùng & Dư luận - Việc tăng phí ATM cần minh bạch và đi kèm chất lượng dịch vụ

    Ông Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

    Cụ thể, ông cho biết: “Thẻ ATM là bước đi mới của ngân hàng trong thanh toán không dùng tiền mặt và hội nhập của thế giới bên ngoài. Khi trình độ phát triển đi lên thì ATM là một trong những phương pháp giúp cho người rút tiền có nhiều thuận lợi hơn, tiết kiệm được chi phí xã hội và giảm được chi phí của ngân hàng.

    Nguyên tắc của thị trường là khi được sử dụng dịch vụ tốt hơn, thuận tiện hơn, an toàn hơn, nâng tầm đời sống, giảm chi phí của hoạt động ngân hàng thì phải trả chi phí. Đó là nguyên tắc thị trường, khi anh được hưởng dịch vụ tốt hơn, chất lượng cao hơn thì anh phải trả chi phí cao hơn.

    Cho nên việc nâng chi phí lên sau khi các ngân hàng mở rộng đầu tư, mở rộng phát triển của hệ thống thanh toán tiền ATM thì họ có quyền tăng lên để đảm bảo quá trình kinh doanh để tồn tại và phát triển".

    Tiêu dùng & Dư luận - Việc tăng phí ATM cần minh bạch và đi kèm chất lượng dịch vụ (Hình 2).

    Việc ngưng áp dụng tăng phí có thể chỉ là tạm thời?

    Ông Cao Sỹ Kiêm cho hay: "Hiện nay các ngân hàng, trình độ đầu tư vào máy móc, chất lượng phục vụ từng đối tượng từng địa điểm, từng địa phương là khác nhau. Đặc biệt dịch vụ của nhiều ngân hàng hiện nay còn chưa thực sự tốt, nên việc áp dụng tăng phí như vậy đã gây ra sự phản đối trong dư luận.

    Vì vậy Ngân hàng Nhà nước phải ra quyết định ngừng lại để có sự đánh giá, phân tích đối với từng ngân hàng cụ thể, từ đó xem xét có thể áp dụng mức tăng bao nhiêu của mỗi ngân hàng là phù hợp, xứng đáng. Để phát huy sự công bằng, minh bạch đảm bảo được vai trò quản lý của Ngân hàng Nhà nước".

    Từ đó ông nhận định: "Sự đảm bảo an toàn về tài khoản, những sự cố khi rút tiền, hay trường hợp khách hàng bị mất tiền như vừa rồi các ngân hàng phải ngay lập tức đền bù cho khách hàng. Khi dịch vụ tốt lên, an toàn được cam kết, khi đó khách hàng họ sẽ vui vẻ chi trả thêm phí dịch vụ".

    "Bên cạnh đó, mức rút tiền tối đa trong một lần hiện nay là 5 triệu đồng đã áp dụng trong những năm qua. Vấn đề này, lần này Ngân hàng nhà nước cũng cần nghiên cứu để có thể tăng mức tiền vì nhu cầu thực hiện giao dịch với số tiền lớn của người dân hiện nay đã tăng lên. Từ đó giúp khách hàng tiết kiệm thời gian, chi phí mỗi khi thực hiện rút tiền”, ông Kiêm bổ sung

    Vừa qua khi bốn ngân hàng lớn là, Agribank, Vietcombank, BIDV và VietinBank cùng nhau tăng phí ATM đã vấp phải sự phản đối mạnh từ phía khách hàng. Chiều ngày 9/5 Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các ngân hàng tạm dừng áp dụng việc tăng phí.

    Nếu không có động thái này, khoảng 38,73 triệu chủ thẻ, tương đương hơn 50% số người dùng, sẽ phải trả thêm phí khi rút tiền tại ATM của chính ngân hàng phát hành thẻ.

    Động thái của Ngân hàng Nhà nước đã bước đầu hạ nhiệt cuộc đua tăng phí. Nhưng việc chưa tăng phí chỉ là tạm dừng, với lý do "các ngân hàng cần minh bạch thông tin và giải thích cho khách hàng hiểu".

    Theo Người đưa tin

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/viec-tang-phi-atm-can-minh-bach-va-di-kem-chat-luong-dich-vu-a229273.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Agribank tăng phí dịch vụ khách hàng

    Agribank tăng phí dịch vụ khách hàng

    Từ 12/5, khách hàng Agribank rút tiền nội mạng sẽ phải trả phí là 1.650 đồng/lượt thay vì 1.100 đồng/lượt như trước đây và phí chuyển khoản qua E-Mobile Banking tăng lên