Trang Reuters đưa tin, bộ Quốc phòng Nga đã xác nhận việc sử dụng hệ thống pháo "lửa mặt trời" TOS-1A ở Ukraine, loại sử dụng tên lửa nhiệt áp.
"Bộ Quốc phòng Nga đã xác nhận việc sử dụng hệ thống vũ khí TOS-1A ở Ukraine. TOS-1A sử dụng tên lửa nhiệt áp, tạo ra các hiệu ứng cháy và nổ", thông báo trên Twitter của bộ có đoạn.
Vũ khí nhiệt áp, có thể được được gọi là "bom chân không", sẽ hút oxy từ không khí xung quanh để tạo ra một vụ nổ ở nhiệt độ cao hơn so với bom thông thường.
Việc sử dụng pháo "lửa mặt trời" gây tranh cãi vì chúng có sức tàn phá lớn hơn nhiều so với các chất nổ thông thường có cùng kích thước.
Binh sĩ Nga và lực lượng ly khai đã triển khai máy bay không người lái (UAV) và pháo phản lực TOS-1A "lửa mặt trời" tới tham gia tác chiến.
Ý tưởng về pháo phản lực đa nòng hạng nặng tầm ngắn từng xuất hiện cuối thập niên 1970 tại Liên Xô. Những mẫu ban đầu đã được phát triển tại Phòng thiết kế Omsk Transmash vào đầu thập niên 1980 với tên gọi TOS-1. Tới 2003, phiên bản nâng cấp TOS-1A Solntsepyok ‘lửa mặt trời’ của Nga được ra đời.
Video được trang tin Anna News đăng tải rạng sáng 28/4 cho thấy, lực lượng ly khai và quân đội Nga đã thực hiện các cuộc tấn công vào công sự thuộc tuyến phòng thủ kiên cố của binh sĩ Ukraine nằm ở tỉnh Kharkov.
Video: Anna News.
TOS-1A sử dụng chung khung gầm xe tăng T-72, có tổng trọng lượng đạt 44,3 tấn; dài 7,3m; rộng 3,6m; cao 3,07m. Kíp chiến đấu 3 người. TOS-1A được trang bị động cơ diesel V84MS có công suất 840 mã lực, nhờ vậy vận tốc xe có thể đạt 60 km/giờ ở địa hình bằng phẳng. Theo trang Military Today, tầm hoạt động của xe có thể lên tới hơn 550km.
TOS-1A sử dụng tên lửa có đường kính 220mm. Khi tên lửa này phát nổ, khối chất hóa học gây cháy nặng 45kg ở đầu tên lửa sẽ được bung ra trong một phạm vi giới hạn. Những chất này sẽ đốt cháy trong chớp mắt toàn bộ ôxy trong không gian hẹp với nhiệt độ lên tới 1.000°C, đủ để tiêu diệt bộ binh đối phương đang trú ẩn trong các công sự, hầm ngầm hoặc hang động.
Bích Thảo(Theo Reuters)