+Aa-
    Zalo

    Video bé gái làm toán "thần tốc" bằng cách múa tay điên đảo gây tranh cãi, nhiều phụ huynh cho rằng cách học này…không giống ai

    (ĐS&PL) - Mới đây, một video ghi lại cảnh các em nhỏ tính nhẩm bằng cách múa tay thoăn thoắt như... múa võ trong một cuộc thi thu hút sự chú ý.

    Theo Phụ nữ mới, các em đang tham gia cuộc thi tính nhẩm nhanh có tên gọi là tiểu thần toán. Với phương pháp này, dù không cần đặt tính nhưng những em học sinh này vẫn có thể cộng trừ và điền kết quả vô cùng nhanh chóng. Không ít người bất ngờ với cách tính nhẩm siêu tốc này của học sinh. 

    Trên thực tế, hiện thị trường có rất nhiều kiểu toán dạy tính nhẩm nhanh được gọi tên chung là "Toán tư duy". Khi tính toán bằng phương pháp này, bé sẽ phải sử dụng các ngón tay nên sẽ phát triển khả năng phối hợp nhịp nhàng giữa cơ thể và tư duy. Cũng có phương pháp giúp trẻ tính toán bằng cách sử dụng bàn tính và thực hiện các phép Toán đơn giản. Khi đã sử dụng thành thạo bàn tính, trẻ có thể dễ dàng chuyển sang một kỹ thuật hình dung đơn giản, đó là giả định bàn tính trong tâm trí và thực hiện các phép tính ảo.

    88xrq7
    Cách làm toán của bé gái bị cho là không giống ai. Ảnh: Dân Việt

    Những phương pháp này đều được quảng cáo là giúp trẻ tăng cường tư duy, thúc đẩy kỹ năng tập trung của trẻ lên một tầm cao hơn; phát triển đồng đều bán cầu não trái và phải, phát triển kỹ năng phân tích, vận động tổng thể.

    Tuy nhiên, nhiều người cũng để lại nhận định cho rằng, sau một thời gian cho con theo học các loại "Toán tư duy" này, con họ chỉ tính nhẩm nhanh hơn các bạn, vượt trội được khoảng thời gian đầu, sau đó vẫn như cũ. Họ cho rằng, đúng là một số phương pháp phát triển kỹ năng tập trung còn các hiệu quả khác như phát triển khả năng Toán học hay bán cầu não thì rất... mơ hồ.

    Thêm vào đó, dạy con tính nhẩm nhanh để làm gì khi đến lớp lớn hơn, con cũng sẽ học lại kiến thức đó. Với trẻ chưa vào lớp 1, ta chỉ nên dạy nhận dạng rất đơn giản. Năng lực nhận thức của các cháu chưa đòi hỏi phải làm Toán siêu tốc. Bên cạnh đó, họ cho rằng, trẻ tính toán theo cách này chỉ ra kết quả mà hoàn toàn không hiểu về bản chất phép tính. Trẻ sẽ "rối" vì xung đột với cách tính theo kiểu truyền thống ở trường.

    "Mình gọi thành quả của các bé đó là khả năng tính toán mà không cần viết ra giấy thôi, kiểu như 1 khả năng để biểu diễn ấy, chứ không thấy kích thích chút nào về trí tuệ. Về khả năng tưởng tượng ra cái bàn tính thì đúng, nhưng cơ sở nào để nói tưởng tượng ra cái bàn tính giúp phát triển trí óc hay khả năng tưởng tượng trong các lĩnh vực khác vậy?

    video be gai lam toan than toc bang cach mua tay dien dao gay tranh cai nhieu phu huynh cho rang cach hoc nay khong giong ai1
    Nhiều người cho rằng cách làm toán này chỉ được thời gian đầu về sau bé vẫn sẽ như các bạn cùng trang lứa. Ảnh: Phụ nữ mới

    Với cái thời gian các bé bỏ ra để luyện tập tính nhẩm thành thạo có lẽ đủ để bổ sung các hoạt động thể chất kết hợp vui chơi bổ ích hơn nhiều. Chưa kể nó có thể xung đột với hệ thống giảng dạy tại trường gây rối cho trẻ", một phụ huynh để lại bình luận.

    Chia sẻ trên báo Dân Việt thạc sĩ Toán học Phạm Phúc Thịnh cho hay: "Học sinh sử dụng bất kỳ công cụ nào để hỗ trợ cho việc tính toán nhanh đều tốt. Vì vậy, các em lắc tay, lắc chân, lắc người, thậm chí vừa làm vừa nhảy nhót là không sai. Chỉ có điều mọi người đừng thần thánh hóa hay chỉ trích nặng nề phương pháp này".

    Trước băn khoăn việc học các phương pháp giải toán ảnh hưởng đến việc học của học sinh trong chương trình phổ thông, Thạc sĩ Thịnh cho rằng: “Việc học sinh tính nhanh là kỹ năng cần thiết. Nhưng đó chỉ là công cụ hỗ trợ. Chúng ta phải hiểu bản chất vấn đề.

    Đơn giản như việc các em tính 3 + 7, có thể sử dụng tay, đếm que tính, quả cam, đếm người thì đó chỉ là công cụ. Chúng ta cần cho các em hiểu 3+7 bằng 10 chứ không phải con số khác. Hay việc đi từ Hà Nội vào TP.HCM, chúng ta có thể đi bằng máy bay, tàu hỏa, ô tô hay xe máy, xe đạp, đi bộ. Có những phương tiện giúp chúng ta đi nhanh hơn nhưng vấn đề không phải chúng ta đi nhanh hay chậm mà quan trọng là chúng ta tới đích".

    Nhiều quảng cáo cho biết đây là phương pháp toán tư duy, giúp học sinh thông minh hơn, Thạc sĩ Thịnh phủ nhận: "Với tôi, không có toán tư duy mà khi học toán hay bất kỳ môn nào khác, chúng ta phải có tư duy. Chỉ có toán tính toán đơn thuần và toán cần hỗ trợ bằng công cụ. Mọi người hay thần thánh hóa việc làm toán nhanh. Tôi không đánh giá cao việc này. Có ai chứng minh được học sinh học toán tư duy sẽ thông minh hơn các em không học không? Không có mà chỉ chứng minh là các em học thì biết tính nhanh hơn thôi".

    video-be-gai-lam-toan-than-toc-bang-cach-mua-tay-dien-dao-gay-tranh-cai-nhieu-phu-huynh-cho-rang-cach-hoc-nay-khong-giong-ai2.mp4

    Một giáo viên dạy Toán ở Hà Nội cũng đánh giá, những phương pháp dạy tính nhẩm giúp trẻ được rèn luyện và phát huy hết khả năng tính toán nhanh nhẹn chính xác, giúp khả năng ghi nhớ tập trung cao. Tuy nhiên, nếu đồng nhất dạy "tính nhẩm, tính nhanh" là dạy "Toán tư duy" sẽ không chính xác. Nếu đúng là dạy tư duy thì học sinh được dạy suy nghĩ để giải quyết vấn đề chứ không chỉ đến lớp ngồi làm bài tập. Khi ta đưa ra cho đứa trẻ một bài Toán là phải cho nó thời gian để trẻ xoay xở giải quyết vấn đề, như thế mới kích thích não trẻ.

    Ví dụ như các dạng Toán nhận dạng hình; đếm hình; nối số, các bài Toán áp dụng trong thực tế… giúp cho trẻ có khả năng quan sát, phân tích, tưởng tượng, sáng tạo… Với học sinh lớn hơn đó là tư duy phản biện, khả năng linh hoạt ứng phó với tình huống, giải quyết vấn đề. Trẻ được tương tác, trao đổi, thảo luận, vấn đáp, trình bày với giáo viên càng nhiều càng tốt; được học và làm các bài tập có tính tư duy và theo cách có tư duy - chứ không chỉ là tính toán cho ra kết quả.

    Trong khi đó, bản thân tính nhẩm không quá quan trọng. Người ta chỉ thực hiện phép tính khi đã nghĩ ra cách giải bài Toán. Tư duy để nghĩ ra cách giải bài Toán mới là điều cần thiết. Ở lớp 1, hiện tại, khi cần dạy những phép tính đơn giản chỉ cần dùng những que tính. Rồi sau đó, các em sẽ được hướng dẫn chuyển sang dùng các máy cầm tay. Các phương pháp nói trên nặng về kỹ năng ngón tay chứ không phải tư duy trí tuệ. Cũng như, có người gõ văn bản rất nhanh nhưng không hiểu gì văn bản. Còn để các cháu luyện khả năng tập trung, không nhất thiết phải tính nhẩm như vậy. Hơn thế, để rèn luyện khả năng tập trung mà để các cháu phải "đánh vật" với các con số và hàng loạt phép tính như vậy là không có lợi. Nó chỉ làm các cháu thêm rối đầu.

    Thùy Dung(T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/video-be-gai-lam-toan-than-toc-bang-cach-mua-tay-dien-dao-gay-tranh-cai-nhieu-phu-huynh-cho-rang-cach-hoc-nay-khong-giong-ai-a603003.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan