(ĐS&PL) Là thủ đô của nhà nước phong kiến tập quyền đầu tiên, Hoa Lư là nơi hội tụ của các nhân vật hiền tài của đất nước, đóng góp vào nhiều sự kiện lịch sử quan trọng. Báo Đời sống & Phát luật xin giới thiệu loạt bài viết của GS. TS Nguyễn Tử Siêm giới thiệu một số Danh nhân họ Nguyễn Tử qua các thời đại.
Bác Hồ nói: “Vì lợi ích mười năm phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm phải trồng người”. Cây và người là hai thành tố quan trọng của sinh cảnh cũng là hiển hiện đặc sắc của một nền văn hóa giàu chất nhân văn, cái nền cơ bản của một giang sơn bền vững. Trái đất khác với hành tinh đá ở chỗ có cây; một đất nước có bản sắc dân tộc khác với chốn hoang dã ở chỗ có những cộng đồng cư dân sống có học vấn, có đức độ, có tình người. Bác chúng ta, một danh nhân văn hóa thế giới, đã giảng giải một triết lý thâm sâu trong một lời khuyên giản dị.
Đất thanh bình ba trăm năm cũ…
Trước khi vua Lý Thái Tổ dời đô ra Thăng Long, thì đất Hoa Lư, Ninh Bình đã là kinh đô của 3 triều đại nhà Đinh, nhà Tiền Lê và nhà Lý, tính từ Đinh Tiên Hoàng đến Lý Thái Tông, trong đó 12 năm đầu là triều Đinh (968 - 980), 29 năm kế tiếp là triều Tiền Lê (980 - 1009) và năm cuối (1009 - 1010) là triều Lý.
Là thủ đô của nhà nước phong kiến tập quyền đầu tiên, Hoa Lư là nơi hội tụ của các nhân vật hiền tài của đất nước |
Là thủ đô của nhà nước phong kiến tập quyền đầu tiên, Hoa Lư là nơi hội tụ của các nhân vật hiền tài của đất nước, đóng góp vào các sự kiện lịch sử quan trọng: dẹp nội loạn, chặn Chiêm Thành, đại thắng quân Tống, thống nhất giang sơn và phát tích quá trình định đô sau này. Chung lo quốc sự, các vị danh nhân cũng luôn chăm lo sự nghiệp kiến tạo quê hương, lập an xã hội, gìn giữ sinh cảnh dốc lòng làm phong phú nền học vấn và văn hóa nước nhà.
Tuy cố đô chỉ tồn tại 42 năm mà dấu tích văn hóa vật thể và phi vật thể còn in đậm trong tâm trí các hậu duệ và trên sông núi Ninh Bình. Mật độ các di sản đất Hoa Lư thật phong phú; nó in dấu trong các địa danh làng xã, hang động, dòng sông bến nước; các bài thơ trên vách núi, các chùa chiền, đền miếu, những con kênh đào, cầu cống… mà đến làng nào cũng vẫn còn thấy đậm nét.
Trong số các bậc danh nhân làm nên “nguyên khí quốc gia” đó có Nhóm Tràng An thất hào (1), quy tập các vị có học, trọng thi lễ, tận tâm tận lực vì quê hương và chăm lo giáo dục con cháu. Theo Đại Nam nhất thống chí (quyển 14, tr.265), bảy nhân vật uy tín đất Tràng An đó gồm các cụ Nguyễn Tử Dự, Hoàng Trọng Cung, Nguyễn Đoan Tước, Ninh Thấu, Nguyễn Đình Chi, Trịnh Xuân và Phạm Kiêm Huyền, trong đó Nguyễn Tử Dự được tôn là Trưởng hào. Về lại quê hương bản quán hay nơi ẩn dật của các cụ chắc chắn sẽ tìm thấy những di sản quý báu các cụ để lại cho dòng họ, cho con cháu và cộng đồng quê hương. Nghiên cứu về các cụ chắc phải dày công lắm; ở đây chỉ xin điểm đôi nét về nhân cách của một trong số các vị làm ví dụ. Đó là cụ Nguyễn Tử Dự (1712-1779), danh nhân văn hóa tỉnh Ninh Bình.
Người trí thức xưa và quê hương
Năm nay kỷ niệm 300 năm sinh Nguyễn Tử Dự, tìm về quê cụ xã Ninh Nhất (tên cũ là làng Giá Hộ hay Thư Điền), thuộc TP Ninh Bình, có thể chiêm nghiệm ít nhiều những việc cụ đã làm, chợt thấy những điều khuyên răn mà vị Trưởng hào đã để lại vẫn còn hữu ích lắm với lớp con cháu ngày nay và chắc hẳn cả mai sau nữa.
Cụ Nguyễn Tử Dự tư chất thông minh, được chọn vào học ở Quốc Tử Giám (triều Lê) nên thường gọi là Giám sinh. Cụ thi đỗ hương cống năm 1735 (đời vua Lê ý Tông), rồi giữ các chức Tả Tham nghị đại phu và Thừa chính sử ty (đời vua Lê Hiển Tông) (2). Gặp thời giặc dã, cụ đã xếp bút nghiên theo việc quân nhung, được cử làm Trù Nam quận Bắc phiến. Giặc tan, khi chỉ mới gần 40 tuổi, cụ đã từ giã võ quan trở về bản quán tiếp tục nghiệp văn thơ và xây dựng quê hương (3).
Trong vùng, trong nước, cụ là hiền nhân, có đạo học, văn hàn xuất sắc. Mặc dù trải qua bão lũ, chiến tranh, thư viện dòng tộc đã bị thất lạc nhiều, nhưng từ những nguồn thư tịch khác nhau còn tìm được các tác phẩm có giá trị của Nguyễn Tử Dự như Vịnh Sơn Thủy sơn (Vịnh núi Non nước), Chu hành tức sự (Bài thơ viết trên thuyền), Cáo âm bình văn (Văn tế kỳ yên),Hương đình chung các bi ký (Bài ký trên gác chuông) (4). Những áng thơ văn này hàm chứa rất nhiều nội dung về cảnh sắc 300 năm cũ, về sự hài hòa giữa con người và thiên nhiên, ghi lại những suy tư của bậc thức giả trước thời thế, về vị thế và trách nhiệm của người trí thức, về văn hóa làng xã,... là nguồn tư liệu quý mà đời nay có thể khai thác.
Nhà thờ dòng họ Nguyễn Tử tại thôn Thư Điền, xã Ninh Nhất (thành phố Ninh Bình). Ảnh: Xuân Tứ. |
Có những trăn trở của cụ thật bất ngờ, chẳng hạn: “…biết hòa với dân thì cái tài không chỉ khu khu ở sự tồn vong hay hủy hoại. Há phải chăng là ta không có kế sách hay sao?”. Đoạn khác cụ viết: “Ta không có tài năng nào để cho người dân có cái đức thuần mà lại bị nghèo nàn. Lời nói đó gần đây đã bao trùm hết dân lành, cùng dẫn dắt nhau để làm việc cho mai sau, cho đời sau”(5). Suy tư của cụ cũng là mạch suy nghĩ, nỗi trăn trở thời nay của nhiều trí thức chân chính, những nhà quản lý tận tâm và mọi công bộc của dân đang cố gắng làm, theo phương châm sống lấy dân làm gốc.
Cụ Tham nghị Nguyễn Tử Dự có nhiều công đức với quê hương, Cụ mất đi để lại niềm tiếc thương và kính trọng không dứt trong lòng dân. Mùa xuân năm Tân Dậu (1801) Cụ được cộng đồng bầu là hậu thần và lập đền Đô Thiên (xã Ninh Nhất) để suy tôn cụ, một đài ghi công mà dân thôn vẫn hàng năm hương khói từ hơn 2 thế kỷ qua cho đến bây giờ.
Giữ gìn văn hóa quê hương - 24 điều khoản ước
Trong đời sống cộng đồng làng xã, xưa cũng như nay, sự thỏa thuận nội bộ về cách ứng xử là hết sức cần thiết, đảm bảo sự giao kết bền chặt tình nghĩa, điều chỉnh mối quan hệ con người với con người, con người với thiên nhiên và cộng đồng công dân với tổ quốc. Hiện nay, nhiều địa phương đang hình thành những hương ước với mục đích đó.
Về Ninh Nhất, ta gặp một điều thú vị là một bản hương ước như vậy đã được cụ Nguyễn Tử Dự soạn thảo 240 năm trước (đời Cảnh Hưng thứ 33, năm 1772) mà đến nay nhiều điều tiến bộ vẫn được dân làng thực hiện. Bản hương ước ấy gồm 24 điều khoản ước bằng chữ Hán, có thể tóm tắt là:
1. Lập nhân đạo (xác lập đạo làm người)
2. Cần sinh lý (phải làm ăn chuyên cần)
3. Hộ hòa giá (bảo vệ mùa màng)
4. Cụ trữ tích (tiết kiệm, dành dụm)
5. Cẩn tế tự (chăm tế lễ)
6. Dưỡng lão (trọng tuổi già)
7. Hương ẩm (có trật tự, ngôi thứ)
8. Cứu tai (giúp người bị nạn)
9. Nhiêu học (khuyến học)
10. Chỉ đạo (trừ trộm cắp)
11. Giới tử (răn uống rượu)
12. Cấm lăng mạ (cấm chửi nhau)
13. Cấm ẩu đả (cấm đánh nhau)
14. Tích sinh mệnh (dè dặt sát sinh)
15. Hoài viễn (xử tử tế với người tha hương)
16. Giới sinh tụng (răn việc kiện tụng)
17. Khuyến thiện (khuyên làm việc thiện)
18. Cấm phỉ (cấm làm xằng)
19. Bình đạo lộ (giữ gìn đường xá)
20. Trí tín hiệu (đặt các báo hiệu)
21. Vọng lệ (lệ khao vọng)
22. Linh binh ứng vụ niên tuế (hạn và tuổi đi lính)
23. Giới thủ canh thổ (cấm lấy trộm đất mặt)
24. Khánh hạ (việc ăn mừng)
Dựa vào 24 điều trên, 120 năm sau (1891) chắt của cụ là cụ Nguyễn Tử Mẫn đã soạn thành bản nôm 24 bài diễn ca thể lục bát cho dân thôn dễ hiểu, dễ nhớ (6).
Từ các văn bản trên, có thể thấy rằng các cụ xưa rất trọng đạo làm người. Trên hết cần ăn ở sao cho cho phải đạo làm người, trọng luân thường đạo lý, đó là lời răn tổng quát, là điều đầu tiên phải đạt được sự đồng thuận của mọi người. Có đức, giữ mình và tôn trọng người khác mới có sự đoàn kết gắn bó. Về mặt sinh kế, mỗi con người phải có lao động, làm việc biết chuyên cần, sống bằng sức của mình. Trong xã hội thuần nông thời đó, mỗi người phải tự lực sản xuất và cùng nhau bảo vệ mùa màng. Thành quả lao động kiếm được cần được chi dùng tiết kiệm, không hoang phí mà dành dụm để còn phòng rủi ro như dân gian thường nói “tích cốc phòng cơ”.
Kế đến là các lời khuyên về quan tâm đến phẩm giá con người và xây dựng mối quan hệ với nhau. Việc chăm lo tế lễ nói đến vào thời ấy phải được hiểu như một khuyến nghị duy trì các nghi thức biết ơn tiền nhân, các đấng hào kiệt và các bậc sinh thành. Trật tự ngôi thứ được tôn trọng, nhắc nhở vị trí của mỗi người, phải tôn trọng kỷ cương và thể hiện rõ ràng sự thái độ ứng xử rất nhân văn với người già, người bị nạn, người tha hương (như cách nói ngày nay là kính già, yêu trẻ, không vô cảm với nỗi đau của người khác). Làm việc thiện được khuyến khích. Lòng bao dung còn được cụ thể hóa đến mức trong Điều 14 chỉ rõ ngăn cấm việc làm nhục phụ nữ chửa hoang (7). Ứng xử bất công này với thân phận phụ nữ mãi đến giờ chúng ta còn phải phấn đấu để trừ bỏ.
Muốn đạt được những phẩm giá đó phải có học. Khuyến học ở đây rất rộng và gần như đồng nhất với khái niệm hiện nay, vì không hề đề cập đến bằng cấp, mặc dù các cụ ở ngôi vị cao trên bậc thang khoa bảng.
Bản hương ước dành nhiều điều răn cụ thể về tư cách cá nhân như không được trộm cắp, uống rượu, đánh chửi nhau hay làm điều phi pháp, xằng bậy. Những lời khuyên càng về sau càng mở rộng, tiến đến nhưng quy ước chung, mong muốn sự đồng thuận về nghĩa vụ với cộng đồng; chăm lo việc chung như bảo vệ đường xá, cầu cống, mùa màng, quản lý nước,... Bảo vệ tài nguyên thể hiện thật ấn tượng, đó là bảo vệ tầng đất canh tác, cấm bóc lớp đất mặt màu mỡ lấy đi độ phì nhiêu đất; dè dặt trong sát sinh, không giết động vật bữa bãi. Trách nhiệm công dân được đề cập như việc đi lính đúng độ tuổi, tôn trọng pháp chế, cần hòa giải với nhau, tiết chế kiện tụng. Cộng đồng cũng phải có cảnh báo nguy hiểm cho người dân biết trước rủi ro mà ứng phó.
Hương ước xưa tuy không phải hoàn thiện, ý niệm và diễn đạt có những cái khác ngày nay, nhưng rõ ràng rằng nội dung bản hương ước này là khá toàn diện, bao hàm nhiều mặt của cuộc sống với ý tưởng xuyên suốt đầy tính nhân văn, coi trọng sự hòa hợp con người với thiên nhiên, trong đó ứng xử của con người trong cộng đồng là trung tâm của nội hàm văn hóa.
Cây có gốc mới nở ngành xanh ngọn
Từ câu chuyện về một trong bảy vị của Tràng An thất hào, có thể thấy rằng các bậc trí thức cố đô xưa rất có trách nhiệm, sống đời sống gần dân, vừa có tầm nhìn xa về giáo dục lớp trẻ, vừa có lời khuyên răn đạo làm người rất thiết thực. Ảnh hưởng của nhân cách của các cụ còn rất đậm nét trong đời sống làng xã, trong nét văn hóa dòng họ và ứng xử của lớp hậu duệ trong hơn 3 thế kỷ qua.
Các danh nhân tỉnh Ninh Bình như Nguyễn Tử Tương (1844 - 1898) của phong trào Cần Vương, chiêu tập nghĩa binh làm khởi nghĩa Bang Tương mà ông làm Tán Tương quân vụ và Nguyễn Tử Mẫn (1820-1901) tác giả của các trước tác về văn hóa địa chí Ninh Bình (8) đều là hậu duệ của Nguyễn Tử Dự. Con cháu họ Nguyễn Tử đã kiên cường trong giữ nước, nay vẫn xứng đáng với danh hiệu Dòng họ Hiếu học của tỉnh Ninh Bình. Ngày nay, xã Ninh Nhất quê hương cụ vẫn là một điểm sáng về văn hóa của tỉnh nhà.
Xem thế đủ biết mạch nguồn văn hóa cố đô vẫn là một dòng chảy liên tục. Cái cây truyền thống ở mỗi địa danh đất Tràng An đã nở ngành xanh ngọn từ gốc nhân văn đã trồng hàng trăm năm trước. Ninh Bình không rộng, nên mật độ di sản trên đất cố đô Hoa Lư rất cao, thật đáng trân trọng và chờ đợi khám phá. Ngay trên đất làng quê cụ của Trưởng hào, truyền thống văn hóa Tràng An vẫn vững bền, sừng sững như cây bàng (hơn 200 năm tuổi), cây thị (hơn 500 năm tuổi) đứng bên chuông chùa Hưng Long với Bi ký còn nguyên nét chữ.
Nhân ngày giỗ cụ Trưởng hào của Tràng An thất hào, 26-10-2012 (12 tháng 9 năm Nhâm Thìn) xin thắp nén tâm nhang tri ân tấm lòng của các bậc thức giả xưa đối với quê hương.
GS.TS Nguyễn Tử Siêm
___________
1. Tràng An thưở ấy là đất Ninh Bình ngày nay.
2. Phụ lục gia phả họ Nguyễn Tử, 2004, trang 14.
3. Theo ghi chép của dòng họ Nguyễn Tử (Thư Điền).
4. Các bài này còn lưu lại trong Gia phả họ Nguyễn Tử; riêng bài Hương đình chung các bi ký được khắc trên chuông chùa Hưng Long, năm Ất Dậu, đời Cảnh Hưng thứ 26.
5. Trích từ Hương đình chung các bi ký (Nguyễn Tử Dự, 1765).
6, 7. Nguyên văn tại Phụ lục Gia phả họ Nguyễn Tử, làng Thư Điền, xã Ninh Nhất, tập I, 2004.
8. Nguyễn Tử Mẫn, Ninh Bình toàn tỉnh địa chí khảo biên (viết 1862), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001.
Theo Sức Khỏe 365