Trong khi tất cả các nước đều không dự báo đúng diễn biến của cơn bão Tembin (bão số 16), thì nhờ các trạm đo ở khu vực Biển Đông mà Việt Nam xác định vị trí, cường độ bão sát nhất.
Chia sẻ với PV báo Dân Trí, TS. Bùi Minh Tăng, nguyên Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV Trung ương, bão xuất hiện vào những ngày cuối năm dương lịch là trường hợp chưa từng xảy ra trong vài chục năm trở lại đây. Việc cơn bão Tembin (bão số 16) xuất hiện ở Biển Đông được đánh giá là cơn bão dị thường, khó đoán.
Sáng sớm ngày 26/12, dựa trên cơ sở quan trắc được từ các trạm khí tượng trên đảo cũng như trên bờ, Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn (KTTV) Trung ương đã chính thức phát bản tin cuối cùng về cơn bão số 16 (Tembin).
Ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV Trung ương cũng cho hay, số liệu thống kê khoảng 30-40 năm trở lại đây đã ghi nhận được khoảng 5-6 cơn bão vào Biển Đông trong tháng 12, nhưng không có cơn nào đổ bộ vào đất liền Việt Nam. Bão Tembin xuất hiện thời điểm này ở Biển Đông mạnh cấp 12 và được dự báo vào đất liền là rất hiếm, dị thường và trái quy luật.
Đường đi của cơn bão số 16 |
Theo báo Vietnamnet,Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cho hay, 7h ngày 21/12, khi cơn bão di chuyển vào Nam Philippines, các đài dự báo của Nhật Bản, Hoa Kỳ, TQ, Hồng Kông đều cho rằng bão số 16 sẽ đổ bộ và đất liền nước ta với sức gió mạnh nhất cấp 10-11, hướng vào Nam Bộ.
Khi bão đi vào quần đảo Trường Sa, các nước xác định bão có sức gió mạnh nhất đến cấp 12-13, giật trên cấp 15. Riêng Việt Nam, do có hệ thống quan trắc tại Song Tử Tây, Trường Sa Lớn, Huyền Trân, DK1/7, DK1/19 với tần suất 3 tiếng/lần nên xác định bão chỉ có gió mạnh cấp 12, giật cấp 15.
Trưa 25/12, Nhật Bản vẫn dự báo bão Tembin ở cấp 12, giật cấp 15, sẽ ảnh hưởng trực tiếp Côn Đảo với gió mạnh cấp 11, giật cấp 14 và sau đó ảnh hưởng trực tiếp Cà Mau với sức gió mạnh nhất cấp 9, giật cấp 11. Việt Nam do có số liệu quan trắc ở bề mặt nên xác định vào thời điểm đó bão cấp 10-11, giật cấp 13 và sẽ ảnh hưởng trực tiếp Côn Đảo với sức gió cấp 9, giật cấp 12 và sẽ ảnh hưởng đất liền với sức gió cấp 8, giật cấp 11.
Đến đêm 25/12, hầu hết các trung tâm quốc tế đều xác định bão số 16 ở mức cấp 8 và sẽ ảnh hưởng trực tiếp Cà Mau với sức gió cấp 8, giật cấp 10. Tuy nhiên, Việt Nam xác định bão số 16 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới và sẽ tiếp tục suy yếu nhanh trong các giờ tiếp theo và chỉ có thể gây gió giật mạnh cho đất liền.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, các trung tâm lớn trên thế giới đều dự báo tốt bão số 16 về quỹ đạo và cường độ từ Philippines đến quần đảo Trường Sa. Tuy nhiên, tất cả các nước đều không dự báo đúng diễn biến của bão từ sau đó, nhất là về tốc độ suy yếu nhanh của bão. Do có các trạm đo ở khu vực Biển Đông nên Việt Nam xác định vị trí, cường độ bão sát với thực tế cơn bão hơn. Tính tổng thể cả cơn bão 16, độ tin cậy về dự báo của Việt Nam tương tự như các nước.
Hoàng Yên (T/h)