+Aa-
    Zalo

    Vì sao Ukraine e ngại tên lửa Kh-22/Kh-32 của Nga hơn cả tên lửa “bất khả chiến bại” Kinzhal?

    (ĐS&PL) - Ông Yurii Ihnat - phát ngôn viên của Lực lượng không quân Ukraine cho biết, Nga sử dụng hơn 300 tên lửa Kh-22 kể từ khi tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt, đáng chú ý hệ thống phòng không của Kiev chưa bắn hạ được tên lửa nào trong số đó.

    Sau cuộc tấn công lớn bằng tên lửa và máy bay không người lái (UAV) của Nga vào Ukraine hôm 29/12/2023, ông Yurii Ihnat - phát ngôn viên của Lực lượng không quân Ukraine cho biết, kể từ khi tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt, Nga đã phóng 300 tên lửa Kh-22 vào Ukraine và hệ thống phòng không không bắn hạ được tên lửa nào trong số đó.

    “Tên lửa Kh-22 bay với tốc độ 4.000 km/h, tiến đến mục tiêu chủ yếu theo quỹ đạo đạn đạo nên việc đánh chặn đòi hỏi phải có các phương tiện đặc biệt. Chúng ta cần các hệ thống phòng không như Patriot, bởi vậy việc đánh chặt những tên lửa này không dễ dàng.

    Đối phương đã sử dụng hơn 300 tên lửa Kh-22 kể từ khi tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt. Bên cạnh Kh-22, họ còn có phiên bản hiện đại hóa hơn là Kh-32. Có lẽ hiện tại, những tên lửa này cũng đã được sử dụng”, ông Yurii Ihnat nói.

    Theo thông tin trên EurAsian Times, Nga đến nay đã sử dụng tên lửa Kh-47M2 Kinzhal và Kh-22 để tấn công các mục tiêu kiên cố, có giá trị cao như kho chứa dưới lòng đất và các trung tâm chỉ huy của Ukraine.

    Trong đó, Kh-47 thường được dùng để tấn công chính xác vào các mục tiêu như trung tâm ra quyết định của Ukraine. Với đầu đạn lớn hơn, Kh-22 sẽ được sử dụng để tấn công các mục tiêu trong khu vực rộng lớn hơn như kho nhiên liệu và đạn dược.

    vi sao ukraine so ten lua kh 22 kh 32 cua nga hon ca ten lua bat kha chien bai kinzhal1
    Tên lửa Kinzhal được Nga trưng bày tại triển lãm ở Moscow vào năm 2022. Ảnh: Ria Novosti

    Tổng quan về tên lửa Kh-22/ Kh-32

    Tên lửa Kh-22 được phát triển từ đầu những năm 1960, với mục đích xuyên thủng hệ thống phòng không của đối phương, phá hủy các tàu lớn (tàu sân bay), căn cứ quân sự, tàu thủy, nhà máy điện và các cây cầu.

    Là biến thể nâng cấp giống hệt về mặt vật lý của Kh-22, tên lửa Kh-32 được thiết kế để trang bị cho máy bay ném bom siêu thanh Tu-22M3 và được đưa vào sử dụng năm 2016.

    Phiên bản này sở hữu đầu đạn thông thường, động cơ tên lửa cải tiến cùng đầu dò hình ảnh radar mới. Mặc dù Kh-32 được trang bị đầu đạn nhỏ hơn phiên bản trước đó nhưng có tầm bắn xa hơn.

    Đầu dò tên lửa Kh-22 hoạt động ở tần số cố định nên dễ bị gây nhiễu radar. Trong khi đó, đầu dò đa tần của phiên bản Kh-32 ít gặp tình trạng này hơn.

    Những đặc tính dưới đây giải thích lý do vì sao Ukraine gặp khó khăn hơn trong việc đánh chặn tên lửa Kh-32 (Kh-22) so với tên lửa siêu thanh cơ động Kh-47M2 Kinzhal.

    Đặc điểm hành trình bay

    Tên lửa Kh-32 bay với tốc độ từ 4.000 - 5.400 km/h, ở độ cao lên đến 40km. Vũ khí này có tầm bắm tối đa 1.000 km và đầu dò radar có thể khóa mục tiêu ở các phạm vi khác nhau trong khoảng 200 - 300 km.

    Kh-32 có hai chế độ phóng: Tầm thấp và tầm cao. Ở chế độ tầm thấp, tên lửa leo lên độ cao 12.000 m và lao xuống mục tiêu với tốc độ khoảng Mach 3,5. Trong khi đó, ở chế độ tầm cao, tên lửa leo lên độ cao 27.000 m và lao xuống mục tiêu với tốc độ cao, ở giai đoạn cuối là khoảng Mach 4,6.

    Kh-32 có 3 phần quỹ đạo, gồm quỹ đạo phóng để đạt độ cao hành trình, quỹ đạo hành trình để bay ở độ cao 40 km và quỹ đạo ở giai đoạn cuối khi lao xuống để tấn công mục tiêu.

     Tên lửa Kh-32/ Kh-22Tên lửa Kh-47M2 Kinzhal
    Trọng lượng (Kg)6.0004.300
    Phạm vi tấn công (Km)1.0002.000
    Đầu đạn (Kg)500/ 900480

    Cả tên lửa K-32 và Kinzhal đều sử dụng dẫn đường quán tính chính xác để đến mục tiêu và so sánh hình ảnh radar nhằm theo dõi thiết bị đầu cuối. Vì thế, hai loại tên lửa này đều không thể bị gây nhiễu.

    Kh-32 được thiết kế để né tránh các hệ thống phòng không của đối phương bằng cách bay vượt quá giới hạn tốc độ và độ cao của vũ khí này trong phạm vi có thể, sau đó lao xuống mục tiêu ở những góc gần như thẳng đứng. Được biết, các radar của hệ thống phòng không không thể theo dõi mục tiêu phía trên hoặc gần phía trên.

    Tên lửa Kinzhal cũng được thiết kế tương tự để tránh các hệ thống phòng không của đối phương bằng cách bay vượt quá tốc độ và độ cao kỹ thuật.

    Mặc dù nhỏ hơn và nhẹ hơn đáng kể so với Kh-22 nhưng tên lửa Kinzhal có tầm bắn xa hơn. Khả năng bay ở tốc độ siêu thanh cùng khả năng cơ động cho phép tên lửa này sử dụng quỹ đạo tiếp cận phẳng hơn để tăng phạm vi hoạt động.

    vi sao ukraine so ten lua kh 22 kh 32 cua nga hon ca ten lua bat kha chien bai kinzhal
    Hai tên lửa Kh-22 trên máy bay ném bom Tu-22M-3 của Nga. Ảnh: The Aviation Geek Club

    Theo thông tin trên EurAsian Times, cả tên lửa Kh-32 và Kinzhal đều là mục tiêu khí động học mà không phải mục tiêu đạn đạo. Tốc độ và độ cao tiếp cận của chúng vượt xa phạm vi hoạt động của các hệ thống phòng không của NATO được triển khai tại Ukraine, kể cả hệ thống Patriot của Mỹ.

    Ngay cả khi ở gần mục tiêu, độ cao của các tên lửa này nằm trong phạm vi giao chiến nhưng tốc độ của chúng vẫn vượt xa. Tuy đặc điểm hành trình bay của Kh-22 và Kinzhal đều nằm ngoài khả năng tấn công của radar của hệ thống phòng không, không loại trừ khả năng các hệ thống này “chớp cơ hội” tấn công.

    Tại sao Kh-32 lại khó đánh chặn hơn?

    Tên lửa Kh-32 được khẳng định là hoàn toàn bất khả xâm phạm trước các hệ thống đánh chặn và phòng không của đối phương, bởi vũ khí này có thể chịu được đòn tấn công từ pháo cỡ nòng 20mm hoặc tên lửa không đối không.

    Tính năng nổi bật nhất của Kh-32 có lẽ là khả năng trao đổi thông tin mục tiêu trong chuyến bay với một tên lửa Kh-32 khác. Theo truyền thông Nga, khả năng này được tích hợp nhằm đánh lừa lực lượng phòng không đối phương khi tấn công nhóm tác chiến tàu sân bay (CBG).

    Trong khi tấn công một nhóm tác chiến tàu sân bay, chỉ có một tên lửa bật thiết bị tìm kiếm radar để xác định chính xác vị trí của tàu sân bay. Các tên lửa khác trong nhóm, có thể đến từ các hướng khác nhau, vẫn “ở trong bóng tối” bằng cách tắt đầu dò. Trong trường hợp tên lửa có đầu dò chủ động bị bắn hạ, một tên lửa khác trong nhóm có thể thay thế vai trò này.

    Nếu hoạt động theo cặp, tên lửa được trang bị cảm biến phát xạ radar có thể hoạt động như “mồi nhử”, tự hiện diện nhằm xác định vị trí radar của hệ thống phòng không. Sau khi xác định được vị trí radar phòng không của đối phương, nó có thể chuyển tọa độ tới tên lửa còn lại và tên lửa này sẽ lao xuống gần như thẳng đứng từ độ cao rất lớn và phá hủy mục tiêu.

    XEM THÊM: Nhân chứng kể lại khoảnh khắc kinh hoàng trong vụ va chạm máy bay ở Nhật Bản

    Về lý do Ukraine có thể "sợ" tên lửa Kh-32 hơn Kinzhal, theo nhận định trên EurAsian Times, khả năng do lực lượng Nga sử dụng nhiều Kh-32 hơn so với Kinzhal. Tên lửa Kh-22 với đầu đạn nặng 900 kg có sức tàn phá mạnh hơn, trong khi phiên bản Kh-32 chứng tỏ nó khó bắn hạ hơn các tên lửa siêu thanh như Kinzhal và Iskander-M.

    Liên quan đến việc lực lượng Nga không sử dụng Kh-32 thay cho các loại Kalibr dễ bị tổn thương hơn và ít có sức tàn phá hơn, nguyên nhân là bởi tên lửa hành trình Kalibr rẻ hơn và có thể phóng từ nhiều nền tảng hơn (trên không, trên mặt biển và dưới biển), trong khi Kh- 32 chỉ có thể được phóng từ Tu-22M3.

    Đinh Kim(Theo EurAsian Times)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/vi-sao-ukraine-e-ngai-ten-lua-kh-22kh-32-cua-nga-hon-ca-ten-lua-bat-kha-chien-bai-kinzhal-a605898.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan