(ĐSPL) - Mỗi ngày ở Trung Quốc có khoảng 10.000 cặp vợ chồng chia tay nhau và con số này qua mỗi năm lại liên tục gia tăng.
|
Năm 2013, ở Trung Quốc có hơn 3,5 triệu cặp vợ chồng xin ly hôn |
Năm 2013, ở Trung Quốc có hơn 3,5 triệu cặp vợ chồng xin ly hôn, cao hơn gần 13\% so với năm trước. Theo đài Tiếng nói nước Nga, thống kê của thập kỷ qua thật chẳng vui gì: số lượng các vụ “anh đi đường anh, tôi đi đường tôi” chưa bao giờ giảm hoặc thậm chí giữ nguyên mà “đồ thị ly hôn” chỉ có mỗi chiều đi lên.
Có một câu tục ngữ Trung Quốc nói rằng “Thà phá chục ngôi đền còn hơn hủy một gia đình”. Vài thập kỷ trước đây, phần lớn các gia đình Trung Quốc trung thành với phương châm tưởng chừng “bất di bất dịch” này. Nhưng bây giờ đã không phải như vậy nữa. Ý tưởng về sự thiêng liêng của cơ cấu hôn nhân đã nhường chỗ cho nhận thức rằng ly hôn tạo điều kiện cho người ta tránh được những tình huống mà trong đó cả hai cá thể đều vô cùng bất hạnh, như nhận xét của giáo sư Tống Xin ở Khoa Xã hội học thuộc Đại học Tổng hợp Bắc Kinh.
Nguyên nhân chính của hầu hết các vụ ly hôn ở Trung Quốc, theo số liệu thống kê không chính thức, là ngoại tình. Người Trung Quốc từ lâu đã rời xa kỷ nguyên bảo thủ về những vấn đề tính dục và bây giờ sex trước hôn nhân là thực tế trong cuộc sống của hơn 70\% thanh niên. Các chuyên viên xã hội học khẳng định rằng: Hệ quả từ lối sống tự do phóng túng như vậy trong giới trẻ sẽ là thái độ dễ dãi hời hợt không nghiêm túc về những liên hệ tình ái ngoài hôn nhân. Khá thường thấy là chuyện có tình nhân ở Trung Quốc không chỉ bởi nhu cầu xác thịt, mà còn là mốt thời thượng, một dạng tiêu chí đánh giá không chính thức: quan chức cấp cao hay doanh nhân giàu có nào mà thiếu “bồ nhí” cặp kè thì sẽ “mất mặt” vì thua kém thiên hạ. Còn thêm một lý do chính khiến nền tảng hôn nhân ở Trung Quốc lung lay rệu rã là chính sách "một gia đình chỉ có một con". Trong cuộc sống người lớn, đám con một này hóa ra không đủ sức đấu tranh với thói ích kỷ của bản thân và tìm kiếm sự nhân nhượng thỏa hiệp ngoài luồng.
Năm 2011, ở Trung Quốc ban hành điều khoản luật mới: toàn bộ tài sản do một trong các đối tượng tham gia hôn nhân làm ra, hoặc mua bằng tiền của cha mẹ một người (vợ hoặc chồng) sau khi cưới, sẽ thuộc quyền chi dùng của một cá nhân chủ thể mà thôi. Phương án chia đôi tài sản của cải chỉ thực hiện khi có thể chứng minh rằng khối tài sản đó thực sự được mua bằng tiền chung của cả hai vợ chồng. Đạo luật này được thông qua với mục đích giảm thiểu số lượng các cuộc “hôn nhân vụ lợi” và nhằm hạn chế số lượng các vụ ly dị. Tuy nhiên, 20\% trong số 3,5 triệu đơn ly hôn hồi năm ngoái đã dẫn đến những vụ kiện tụng kéo dài. Quyết định chia tay, những người từng đầu gối tay ấp mặn nồng một thời nay lại không thể nào phân chia tài sản và con cái một cách hòa bình êm thấm.
|
Những người từng "đầu gối tay ấp một thời" nay lại không thể nào phân chia tài sản và con cái một cách hòa bình êm thấm. |
Thêm một trong những sáng kiến lập pháp giúp cho cuộc sống của những đôi vợ chồng ly dị nhẹ nhàng hơn đáng kể, nhưng lại có nét phản tác dụng ở chỗ dẫn đến gia tăng nhanh chóng số lượng các vụ ly hôn. Năm 2003, Luật Hôn nhân của CHND Trung Hoa đã điều chỉnh, hủy bỏ sự cần thiết phải trình ra trước Tòa giấy chứng nhận của chủ thuê lao động hoặc Ban quản lý nhà ở về việc "hôn nhân đã bị tổn hại không thể khắc phục”. Trước đây, nếu thiếu những tờ chứng nhận buồn thảm này thì không thể nhận quyết định tiêu hôn. Các chuyên viên xã hội học và luật học cho rằng chính việc bãi bỏ quy định này đã cởi trói cho nhiều gia đình không hạnh phúc nhưng không muốn phơi bày những vấn đề lục đục hay bất hòa riêng tư của họ ra trước công chúng để nhận ý kiến phán xét của người ngoài.
Cuối cùng, còn một nguyên nhân khác cũng tác động tiêu cực đến số liệu thống kê về tình trạng ly hôn ở Trung Quốc và đó là nguyên cớ thuần túy tài chính. Mùa xuân năm 2013 ở Trung Quốc đã thông qua sửa đổi luật thuế, theo đó các gia đình bán một trong hai ngôi nhà của họ đều nhất thiết phải nộp thuế doanh thu bằng 20\% tiền bán nhà. Nhưng trong trường hợp ly dị, mỗi cá nhân của cặp vợ chồng cũ sẽ làm thủ tục là mình chỉ có một cơ sở bất động sản, do đó khi bán nhà họ chẳng phải trả một xu thuế nào. Có thể thấy ngay là sáng kiến điều tiết thị trường bất động sản hóa ra lại kèm theo tác dụng phụ là thúc đẩy số lượng các vụ ly dị theo chiều hướng tăng cao ở Trung Quốc.
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/vi-sao-ty-le-ly-hon-o-trung-quoc-tang-vot-a50170.html