(ĐSPL) - Như đã đề cập ở kỳ trước, ngoài những động thái ngang ngược bành trướng trên Biển Đông, Trung Quốc đã đơn phương tiến hành tập trận và do tham ngầm tại nhiều vùng biển khác trên thế giới.
Những động thái đó phần nào củng cố thêm “đích nhắm” của Bắc Kinh tới các vùng biển chiến lược trên thế giới. Đáng chú ý, không chỉ hành động một mình, Trung Quốc đã kéo một số nước khác tập trận cùng trên nhiều khu vực của đại dương.
Tàu chiến Nga và Trung Quốc trong cuộc tập trận Joint Sea năm 2014. |
Hợp tác kiểu “thân ai người nấy lo”
Cuối tháng Sáu vừa qua, tạp chí The Diplomat (Nhật Bản) dẫn nguồn tin từ trang tin China Military Online cho hay, người phát ngôn bộ Quốc phòng Trung Quốc Ngô Khiêm có phát biểu, Bắc Kinh và Nga đang xem xét tổ chức cuộc tập trận hải quân thường niên chung mang tên Phối hợp hàng hải Joint Sea 2016 vào tháng Chín tới.
Khu vực diễn ra cuộc tập trận được dự kiến ở Biển Đông. Giới chuyên gia Quân sự của tạp chí National Interest (Mỹ) nhận định, thông tin về cuộc tập trận hải quân giữa hai nước này được công bố trong lúc tình hình Biển Đông đang căng thẳng.
Bối cảnh hiện nay, Toà án Trọng tài thường trực PCA vừa ra công bố phán quyết vụ Philippines kiện yêu sách “đường chín đoạn” phi lý của Trung Quốc. Các chuyên gia cũng dự đoán, nhiều khả năng cuộc tập trận sắp tới sẽ do hạm đội Nam Hải, đơn vị chịu trách nhiệm ở Biển Đông từng tham gia các cuộc tập trận trước đó đảm nhận.
Từ năm 2005 đến nay, Trung Quốc và Nga đã tổ chức 6 cuộc tập trận hải quân chung trên nhiều vùng biển. Các diễn biến hợp tác tập trận chung, giữa hai nước đã mở ra những lợi thế chiến lược mới, một chương trình hợp tác quân sự mang tính tham vọng hơn đang dần dần mở ra.
Cụ thể, cuộc tập trận hải quân chung trên một quy mô lớn chưa từng có và đang phát triển trong năm 2014 và 2015 đã cho thấy hai nước thực sự nghiêm túc trong quan hệ hợp tác. Cuộc tập trận chung hồi tháng 5/2014 có sự tham gia của 14 tàu chiến nổi và hai tàu ngầm ở khu vực Biển Đông, khiến dư luận thế giới đặc biệt chú ý.
Không giống như các cuộc tập trận của nhiều quốc gia khác là tập trung bảo vệ an ninh hàng hải truyền thống. Lần đầu tiên cuộc diễn tập hải quân của Nga-Trung có bao gồm nội dung diễn tập chiến đấu trên biển lẫn dưới ngầm. Không những vậy, hải quân hai nước còn tập trung “ôn luyện” học thuyết tấn công mang tên “vượt đường chân trời”.
Đây là “bí kíp” chiến đấu của Hải quân Nga được cho là chiến thuật hiệu quả nhất có thể chống lại các hạm đội tàu sân bay và tiêm kích. Đến tháng 5/2015, Bắc Kinh và Moscow tiếp tục tập trận hải quân tấn công và đổ bộ ở vùng biển Nhật Bản.
Hình thức là dấu hiệu gắn bó mật thiết nhưng giới quan sát lưu ý, giữa hai bên còn tồn tại những “nỗi đau” khó lành như dư âm về lịch sử rắc rối thời Chiến tranh Lạnh, mâu thuẫn văn hoá, cạnh tranh địa chính trị, bất cân bằng về kinh tế và những yếu tố về con người khiến hai quốc gia này chỉ có thể hợp tác kiểu “thân ai người nấy lo”.
Mục tiêu là gì?
Cũng trong tháng 5/2015, Nga và Trung Quốc đã từng có cuộc tập trận hải quân chung đầu tiên quy mô nhỏ hơn, trên khu vực biển Địa Trung Hải. Thời điểm ấy, giới chức Trung Quốc tuyên bố những cuộc tập trận nhằm thể hiện rõ ràng hai nước tiếp tục hợp tác bảo vệ hoà bình và trận tự quốc tế sau chiến tranh ra sao.
Truyền thông Trung Quốc cũng đưa tin về cuộc tập trận có tác dụng nâng cao năng lực hành động xa bờ và kiểm soát năng lực chiến đấu của binh sỹ hải quân. Cuộc tập trận mang tên Liên hiệp trên biển năm ấy diễn ra trong 10 ngày với sự tham gia của 9 tàu chiến hai nước.
Tờ LA Times (Mỹ) thông tin, cuộc diễn tập bao gồm các bài tập bắn đạn thật ở vùng biển chiến lược là “cửa ngõ” kết nối 3 khu vực châu Âu – châu Phi và Trung Đông. Giới chức Mỹ ví sự kết hợp này chính là hiện diện cho một liên minh hải quân mới đang cố gắng phô diễn sức mạnh của mình ở vùng biển phía Tây Âu, tương tự như những hoạt động bành trướng mà Trung Quốc cố thể hiện tầm ảnh hưởng của nước họ ở vùng biển Thái Bình Dương.
Trong một diễn biến liên quan vào cùng thời điểm, tạp chí National Interest dẫn nguồn tin tình báo riêng cho biết, Trung Quốc đã nâng cấp lực lượng Cảnh sát Biển của nước này trở thành lực lượng hải quân thứ hai.
Không phải ngẫu nhiên mà Bắc Kinh đồng thời phát triển toàn bộ hạm đội Hải quân và tàu chiến, tàu sân bay, tàu khu trục cùng đội tàu tuần tra vũ trang được trang bị đầy đủ vũ khí. Hàng loạt tàu hải cảnh, tàu dân sự của Hải quân Trung Quốc được chuyển đổi thành tàu hải quân có trang bị súng nòng, tên lửa lớn.
Trước đó, Bắc Kinh cũng đã sáp nhập thành công 4 cơ quan trên biển thành cục Cảnh sát Biển Trung Quốc. Việc thiết lập cơ quan Cảnh sát Biển thống nhất và chuyên nghiệp là một phần trong chiến lược khá quen thuộc của Trung Quốc trong việc tạo “vỏ bọc” che chắn cho những tuyên bố về chủ quyền phi lý tại Biển Đông.
Lyle J. Goldstein, Phó Giáo sư viện Nghiên cứu Biển Trung Quốc (CMSI) tại trường Hải chiến Mỹ nhận định, lý do chính đằng sau các cuộc tập trận Trung Quốc hợp tác với Nga hoặc các nước khác mang đậm tính chất chính trị hơn là thực tiễn. Qua các cuộc tập trận chung đó, thay vì mục tiêu như hai nước công bố, thực chất mục đích của NgaTrung là muốn nhấn mạnh quan hệ đối tác an ninh đang phát triển tốt đẹp.
Ông Goldstein cũng nhấn mạnh điều khiến giới quan sát không khỏi thắc mắc chính là trong quá khứ, vấn đề hợp tác hải quân chính là “mấu chốt” gây nên mối nghi ngờ giữa Bắc Kinh và Liên Xô (cũ).
Chính những thắc mắc về việc máy phát tín hiệu của Liên Xô được đặt ở Trung Quốc đã khiến quan hệ hợp tác hải quân trở nên tụt dốc trầm trọng khiến hai bên kết thúc mối quan hệ hợp tác chiến lược.
Thế nhưng, giờ quan hệ hợp tác hải quân giữa hai bên lại được “hàn gắn”. Kể từ cuộc tập trận hồi tháng 5/2015, quy mô những cuộc diễn tập hải quân sau đó của hai nước phát triển ngày càng “hoành tráng” hơn.
Trên vùng biển Nhật Bản vào tháng 8/2015, 23 tàu hải giám, 2 tàu ngầm, 15 máy bay, 8 trực thăng cũng như lực lượng không quân và hải quân đã cấu thành cuộc tập trận hải quân chung lớn nhất giữa Trung Quốc và Nga.
Tương tự như khuôn khổ các lần tập trận trước đó, hai nước đã tập trận ngoài khơi Vladivostok nhằm giải quyết nhiều mục tiêu, tập dượt các biện pháp chống mìn và tấn công đổ bộ. Điểm đặc biệt đáng chú ý của đợt tập trận này là nhiều máy bay chiến đấu Trung Quốc đã bay đến thăm nước Nga.
Về những diễn biến tập trận của Trung Quốc và Nga trên Biển Đông hay Địa Trung Hải, chuyên gia Tom Parfitt của tờ Independent (Anh) nhận định: “Việc Bắc Kinh ngày càng ngang ngược gia tăng ảnh hưởng tại vùng Địa Trung Hải được xem là nỗ lực mở rộng vị thế của Hải quân nước này trên toàn thế giới”.
Thực tế cho thấy, Bắc Kinh đã công khai phát triển chiến lược hàng hải nhằm thách thức sự thống trị của Mỹ và các nước đồng minh, vùng lãnh thổ xung quanh khu vực phía tây Thái Bình Dương, trong đó có cả Nhật Bản và Đài Loan.
Và, Nga chỉ là một trong số nhiều nước Trung Quốc nỗ lực “kết thân” trong nhiều cuộc tập trận khác tại các vùng biển chiến lược trên thế giới...
Video tin tức được xem nhiều:
[mecloud]OyRAk2JBj5[/mecloud]