(ĐSPL) - Một câu hỏi luôn ám ảnh các nhà quan sát chính sách ngoại giao của Bắc Kinh: Vì sao Trung Quốc lại gây hấn với hầu hết các nước láng giềng?
|
Nhà phân tích Brad Glosserman - giám đốc điều hành Diễn đàn Thái Bình Dương của Trung tâm nghiên cứu chiến lược quốc tế (CSIS). |
Trong bài viết đăng trên The National Interest ngày 20/5, nhà phân tích Brad Glosserman - giám đốc điều hành Diễn đàn Thái Bình Dương của Trung tâm nghiên cứu chiến lược quốc tế (CSIS) - nhận định: Trong nhiều năm liền, Bắc Kinh đã nghe theo lời dạy “giấu mình, chờ thời” của cố lãnh đạo Đặng Tiểu Bình. Điều này được thể hiện qua chính sách ngoại giao “nụ cười” của những năm 1990. Trong những năm đó, Trung Quốc đã phân định đường biên giới trên đất liền với nhiều nước láng giềng và theo đuổi giải pháp phát triển “đôi bên cùng có lợi”.
Sau đó, chính sách đối ngoại của Trung Quốc đã trở nên gây gổ hơn, với việc Trung Quốc công khai “cưỡng bức” và đẩy Philippines ra khỏi vùng nhiều vùng biển tranh chấp và thúc ép Tokyo thừa nhận có tranh chấp đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư vốn thuộc quyền quản lý của Nhật Bản trên thực tế.
Tuy nhiên, chỉ gây sự với Manila và Tokyo là chưa đủ, Bắc Kinh còn đưa giàn khoan dầu Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou 981) vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam hồi đầu tháng này. Để hỗ trợ cho hành động xâm lấn nói trên, Trung Quốc còn cử hàng trăm tàu - trong đó có cả tàu chiến – vào vùng biển Việt Nam để “bảo vệ”, một sự leo thang đáng kể xét về khía cạnh tham gia của giới quân sự trong tranh chấp lãnh thổ.
Trước đó, Trung Quốc đã ngang nhiên đưa nhiều tàu vào vùng biển mà Malaysia tuyên bố chủ quyền và chỉ trích nỗ lực tìm kiếm chuyến bay MH370 mất tích của Malaysia Airlines, trên đó có hơn 150 công dân Trung Quốc. Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền đối với vùng biển gần Indonesia, đẩy Jakarta khỏi lập trường trung lập và trở nên cứng rắn hơn trong các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông. Và gần đây nhất, tin tức báo chí cho hay nhiều tàu Trung Quốc đã lợi dụng việc Cảnh sát biển Hàn Quốc bị bận rộn bởi thảm họa chìm phà Sewol để xâm nhập vùng biển Hàn Quốc để đánh bắt cá bất hợp pháp.
Trong khi đó, Trung Quốc đang cố tìm cách duy trì ảnh hưởng tại Myanmar, thậm chí bằng cách cung cấp vũ khí cho các nhóm nổi dậy chống chính phủ nước này.
Trong khi đó, Trung Quốc phải đối mặt với nhiều vấn đề trong nước và cần một môi trường quốc tế hòa bình ổn định để nước này có thể tập trung giải quyết những vấn đề đang ngày càng trở nên nhức nhối. Trước tiên, vấn nạn tham nhũng đang đe dọa tính chính đáng của chính quyền. Tập Cận Bình đã nhận ra vấn đề, nhưng chiến dịch chống tham nhũng của ông ta đang đe dọa phân hóa ĐCS Trung Quốc. Nền kinh tế Trung Quốc đã chững lại sau nhiều thập kỷ tăng trưởng hai con số. Nền kinh tế đó cần phải điều chỉnh, đi kèm với những lo ngại về khu vực tài chính khốn khổ với nhiều bong bóng bất động sản. Ô nhiễm không khí, nước và ô đất đai đã lên tới mức đe dọa khả năng tồn tại của nhà nước. Tình trạng khủng bố gia tăng ở trong nước một phần có liên quan đến chính sách mạnh tay của Bắc Kinh đối với các cộng đồng thiểu số. Tình trạng bất ổn liên miên – với 200.000 vụ mỗi năm – đã khiến cho ngân sách dành cho Cảnh sát vũ trang lớn hơn cả ngân sách dành cho quân đội. Trong môi trường bất ổn này, việc Trung Quốc tìm cách gây gổ với rất nhiều nước láng giềng quả là không thể nào hiểu nổi.
Việc Trung Quốc liên tục tranh chấp biển đảo đã làm dấy lên tình cảm chống Trung Quốc ở các nước láng giềng. Danh sách các nước đang thách thức Bắc Kinh đang bao gồm “các cầu thủ lớn” trong khu vực Đông Nam Á. Lo ngại về sự bành trướng của Trung Quốc dẫn đến việc nhiều nước Đông Á và Đông Nam Á ký kết hiệp định hợp tác quốc phòng mới với các cường quốc ngoài khu vực và chi tiêu quốc phòng nhiều hơn. Đối với Bắc Kinh, diễn biến đáng báo động nhất là nhiều chính phủ trong khu vực tăng cường quan hệ với Washington và chấp nhận sự hiện diện của Mỹ trong khu vực.
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/vi-sao-trung-quoc-gay-han-voi-hau-het-cac-nuoc-lang-gieng-a33700.html